5 yếu tố khẩu trang an toàn
Ông Doãn Ngọc Hải, Viện trưởng Sức khỏe Nghề nghiệp và môi trường, cho biết chiếc khẩu trang đạt tiêu chuẩn kháng khuẩn, loại bỏ virus, vi khuẩn... phải đạt 5 yêu cầu gồm khả năng lọc bụi, độ ôm khít với khuôn mặt, độ thông thoáng, tính thẩm mỹ và trọng lượng.
Để đạt 5 yếu tố này, khẩu trang được nhà sản xuất thiết kế gồm nhiều lớp vải lọc, lọc tất cả hạt bụi mịn, khói độc... Một số mẫu thêm lớp than hoạt tính có tác dụng trung hòa khí độc, bụi bẩn và vi khuẩn đi qua. Tuy nhiên hiện chưa có cơ quan nào đánh giá, kiểm chứng hoặc công bố chất lượng khẩu trang, khiến người dùng hoang mang.
Bác sĩ Võ Công Minh, Khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM, cho biết khẩu trang vải, khẩu trang y tế thông thường không thể lọc được bụi có kích thước nhỏ từ bụi mịn và bụi siêu mịn. Khẩu trang y tế chỉ hạn chế 30-40% lượng bụi và không có khả năng bảo vệ cơ thể trước ô nhiễm không khí.
"Nên sử dụng khẩu trang phù hợp, đảm bảo chống bụi mịn PM2.5, ngăn vi khuẩn và các chất độc hại", bác sĩ Minh khuyên. Những khẩu trang này dùng chất liệu có khả năng lọc các vật chất nhỏ. Trong đó, khẩu trang ký hiệu N95 hoặc N99 chứa than hoạt tính có thể giúp bạn tránh tiếp xúc trực tiếp hít những luồng không khí ô nhiễm vào đường thở.
Khẩu trang N95 có nghĩa lọc được 95%, N99 là lọc 99% bụi có trong không khí, kể cả bụi siêu mịn. Loại khẩu trang này được Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ khuyến nghị sử dụng ở thành phố ô nhiễm không khí.
Ngoài ra, người tiêu dùng cần chọn khẩu trang ôm sát mặt nhằm chặn không khí bẩn vào mũi, miệng, cho phép tối đa 5% không khí đi qua các khoảng trống. Sử dụng khẩu trang có độ thoáng, người đeo phải thấy thoải mái, hô hấp bình thường. Khẩu trang phải che được hết phần mũi và miệng, như vậy mới bảo vệ được hệ hô hấp một cách hiệu quả.
Không được đeo lộn mặt của khẩu trang do mặt bên ngoài tiếp xúc trực tiếp với ô nhiễm, gây hại cho đường hô hấp. Chọn mua khẩu trang có nguồn gốc rõ ràng để đảm bảo hiệu quả, tránh lãng phí.
Bộ Y tế ngày 14/12 khuyến cáo người dân khi ra đường nên sử dụng khẩu trang đảm bảo chất lượng và đeo khẩu trang đúng quy cách là đảm bảo kín, khít mặt. Nên vệ sinh mũi, súc họng sáng tối bằng nước muối sinh lý, đặc biệt sau khi ra đường. Tra rửa mắt bằng nước muối sinh lý vào buổi tối trước khi đi ngủ. Hạn chế mở cửa sổ, cửa ra vào thời điểm không khí bị ô nhiễm nặng, đặc biệt khi nhà gần đường giao thông, gần khu vực ô nhiễm.
Thường xuyên vệ sinh phòng ở và nhà cửa, dọn dẹp thông thoáng môi trường sống. Hạn chế sử dụng hoặc thay thế bếp than tổ ong, củi, rơm rạ bằng bếp điện, bếp từ, bếp ga. Trồng cây xanh trong cũng như quanh nhà giúp ngăn bụi và làm sạch không khí. Tăng cường dinh dưỡng nâng cao thể trạng và sức đề kháng.
Thùy An