Chông gai đón chờ người khỏi Covid-19
Allen Washington, một giám đốc 60 tuổi bận rộn với những chuyến công tác, nhưng vẫn cố gắng tập luyện để giữ sức khỏe. Mỗi ngày ông đi bộ hơn 3km.
Cuộc đời ông thay đổi khi mắc Covid-19 hồi tháng 6. Washington nằm viện 3 tuần trong tình trạng hôn mê. Khi tỉnh lại, toàn cơ thể suy yếu. Ông có vết loét do nằm lâu, không thể ngồi hoặc đứng dậy. Dây thần kinh ảnh hưởng đến 2 chân, cổ và vai. Không chỉ vậy, ông còn mất trí nhớ và suy thận.
Giành lại sự sống sau Covid-19, giờ đây ông Washington vật lộn với hậu quả để lại. Ông đang trong hành trình vật lý trị liệu và tập luyện phục hồi chức năng tại Shirley Ryan AbilityLab, Chicago, nơi giúp đỡ những bệnh nhân suy nhược sau Covid-19 và những bệnh nặng.
Từ khi xuất viện, ông phải tập những kỹ năng đơn giản, như cách bước lên bậc thang, buộc dây giày, mặc quần áo mỗi sáng. Lúc này, chúng thật khó đối với ông bởi ảnh hưởng từ mất trí nhớ và yếu cơ. "Thoát khỏi cánh cửa tử thần, và giờ tôi có rất nhiều việc phải cố gắng tốt hơn", Washington nói.
Dù sống sót sau Covid-19, nhiều bệnh nhân nặng phải tiếp tục đối mặt quá trình phục hồi dài và gian nan. Các vấn đề gặp phải rất đa dạng, có người teo cơ, tổn thương thận, giảm khả năng hô hấp khiến khó khăn để ra ngoài hay ra khỏi giường. Nhiều người gặp vấn đề về nhận thức và tâm lý như mất trí nhớ, trầm cảm và lo lắng. Nhìn chung các bệnh nhân đều có khó thở, mệt mỏi, lú lẫn và đau khắp người.
Các bác sĩ đã biết rằng người bệnh sau cơn hiểm nghèo chịu ảnh hưởng cả thể chất, lẫn nhận thức và tâm lý kéo dài, có thể nhiều năm sau khi rời phòng chăm sóc đặc biệt. Y khoa gọi đây là PICS, hội chứng sau chăm sóc đặc biệt, và hiện phổ biến với bệnh nhân Covid-19 nhập viện. Những người thở máy nhiều ngày, dùng thuốc an thần liều cao, suy các bộ phận và mắc hội chứng suy hô hấp cấp tính (ARDS), dịch tràn trong phổi khiến lượng oxy trong máu thấp.
Đại dịch Covid-19 bùng phát, hơn 7 triệu người Mỹ nhiễm, và sắp tới lượng lớn bệnh nhân sau Covid-19 sẽ mắc hội chứng PICS, Tiến sĩ Michelle Biehl, chuyên gia về hô hấp và chăm sóc tích cực ở Cleveland Clinic cho biết. Một báo cáo mới đây từ các chuyên gia y tế công cộng Harvard, ước tình hàng triệu người Mỹ cần chăm sóc đặc biệt khi đại dịch đi qua. Một báo cáo khác trên tạp chí y khoa Heart & Lung cho rằng lượng bệnh nhân Covid-19 phục hồi chức năng có thể trở thành cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng.
Tiến sĩ Biehl cho biết "nhiều nhân viên y tế đang đối mặt với khủng hoảng ban đầu từ lượng bệnh nhân điều trị và trong phòng chăm sóc tích cực (ICU). Là một hệ thống chăm sóc sức khỏe, chúng tôi cần chuẩn bị và tổ chức tốt hơn cho những điều sắp tới, sẽ có nhiều người bệnh cần chăm sóc đặc biệt ".
Một nghiên cứu ở những người đã khỏi Covid-19 sau 2 tháng xuất viện tại Ý cho thấy 87% chịu ít nhất một ảnh hưởng dai dẳng, như đau khớp, mệt mỏi, thở gấp. Theo báo cáo trên tạp chí uy tín JAMA, khoảng 44% người bệnh có chất lượng sống xấu đi. Một nghiên cứu khác tại Đại học Y New York cho thấy 74% bệnh nhân Covid-19 sau 1 tháng xuất viện tiếp tục khó thở, và nhiều ghi nhận sức khỏe thể chất và tinh thần tồi tệ.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) đã công bố nghiên cứu ở người mắc Covid-19 nhẹ, không cần nhập viện, 1/ 3 số đó có triệu chứng kéo dài hàng tuần.
Nhiều trường hợp giống như Washington, tổn thương thần kinh suốt đời có thể là hệ quả nặng nề từ điều trị Covid-19. Nghiên cứu công bố trên tạp chí Gây mê Hồi sức của Anh tháng này, cho thấy tổn thương thần kinh phố biến ở người thở máy, bởi thường xuyên úp mặt trên giường bệnh. Tư thế nằm sấp giúp hỗ trợ thở và giữ mạng sống. Tuy nhiên có thể làm chèn ép dây thần kinh vai, chân và các chi, tăng tỷ lệ khuyết tật.
Tiến sĩ Colin Franz, bác sĩ và là nhà nghiên cứu ở Shirley Ryan AblilityLab cho biết: "Đây là một trong những tổn thương thần kinh nghiêm trọng gặp ở bệnh nhân Covid-19".
Tại San Francisco, bệnh nhân sau khi rời UCSF Health, sẽ được giới thiệu đến Optimal Clinic, nơi chuyên chăm sóc sau Covid-19. Bệnh nhân được kiểm tra hàng giờ tổng quát từ phổi, thể chất, nhận thức và tâm lý.
Sau đó đi sâu hơn kiểm tra não bộ tìm kiếm dấu hiệu căng thẳng tâm lý. Nhiều bệnh nhân nguy kịch, phải cách ly gia đình và bạn bè, cần an thần liều cao và thở máy có thể trấn thương, mê sảng, trầm cảm hoặc nặng hơn.
Tiến sĩ Lekshmi Santhosh, người sáng lập Optimal Clinic, cùng đồng nghiệp sẽ khám phá xem có phải bệnh nhân đang gặp vấn đề từ dịch bệnh như mất việc, xấu hổ và cô đơn. Snthosh cho biết 15 phút thăm khám từ bác sĩ điều trị chính không đủ để phát hiện hết những ảnh hưởng.
Tiến sĩ Justin Seashore, chuyên gia về hô hấp và điều trị bệnh nhân nguy kịch, giám đốc của phòng khám hồi phục sau Covid-19 tại Đại học Texas Midecal Branch ở Galveston kể: "Tôi có những bệnh nhân trẻ và khỏe trước khi mắc Covid-19, có thể chạy 5 km và giờ đã không thể chạy".
Từ khi mở phòng khám hồi tháng 7, tiến sĩ Seashore và đồng nghiệp đã điều trị cho hơn 70 người, một nửa số đó chưa từng nhập viện nhưng phải chịu ảnh hường dai dẳng từ Covid-19. Danh sách chờ hơn 200 người. Tiến sĩ Seashore cho biết bệnh nhân dường như có tiến bộ từ tập phục hồi chức năng phổi, kết hợp vận động và kỹ thuật thở.
Các nhà nghiên cứu cho rằng bệnh nhân tập phục hồi chức năng phổi sau khi rời ICU càng sớm sẽ nhanh cải thiện khả năng thở, và vận động cơ bắp.
Tiến sĩ Benjamin Abramoff, đồng sáng lập phòng khám Penn Medicine ở Philadelphia cho biết nhiều bệnh nhân cảm thấy lo lắng do khó thở dai dẳng, đến mức sợ rời khỏi nhà đối với một số người. Tại phòng khám Penn Medicine, bệnh nhân được kiểm tra và bắt đầu tập vật lý trị liệu, kết hợp trị liệu phổi để xây dựng độ khỏe và sức bền. Đồng thời cũng tập các kỹ thuật kiểm soát hơi thở và sự lo lắng
"Cần lưu ý về những tác động kéo dài của Covid-19. Chúng sẽ phổ biến và ảnh hưởng cuộc sống của nhiều người", tiến sĩ Abramoff nói.
Nguyễn Ngọc (Theo NY Times)
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Điều khác biệt của mùa sốt xuất huyết năm nay
Y học thường thức - 06/08/2024
Điều khác biệt của mùa sốt xuất huyết năm nay
Xuất hiện ổ dịch bệnh sởi tại Đắk Lắk
Y học thường thức - 16/07/2024
Xuất hiện ổ dịch bệnh sởi tại Đắk Lắk
Xử trí kiến ba khoang đốt, tránh để lại sẹo thâm
Y học thường thức - 03/07/2024
Xử trí kiến ba khoang đốt, tránh để lại sẹo thâm
Trẻ béo phì có vệt đen vùng cổ, có đáng lo?
Y học thường thức - 28/05/2024
Trẻ béo phì có vệt đen vùng cổ, có đáng lo?
Chớ chủ quan với bệnh giời leo
Y học thường thức - 02/05/2024
Chớ chủ quan với bệnh giời leo