'Chữa bệnh đồng tính' trong thế kỷ 19

Năm 1899, bác sĩ tâm thần người Đức Albert von Schrenck-Notzing tuyên bố sẽ khiến một người đồng tính nam trở nên biết yêu đàn bà.

"Tất cả chỉ mất 45 buổi thôi miên và vài chuyến đi tới nhà thổ", bác sĩ Albert von Schrenck-Notzing hùng hồn nói.

Cách làm của ông đặt tiền đề cho một kỹ thuật ngụy khoa học, tên gọi "liệu pháp chuyển đổi", để ngăn chặn hành vi quan hệ tình dục đồng giới, ép những người thuộc cộng đồng LGBT (đồng tính, song tính, chuyển giới) vào khuôn khổ và kỳ vọng xã hội thời bấy giờ. Phương pháp này bị các cơ sở y tế ngày nay bác bỏ, song nó từng được sử dụng rộng rãi suốt thế kỷ 20, để lại sự xấu hổ, đau đớn và cảm giác oán hận bản thân cho nhiều người.

Trong hàng thế kỷ, đồng tính luyến ái, đặc biệt đồng tính nam, bị coi là lệch lạc, thậm chí là một tội ác. Cuối thế kỷ 19, các bác sĩ tâm lý bắt đầu tìm cách giải quyết vấn đề này. Họ coi ham muốn giữa người đồng giới là phạm trù y tế, tìm cách đảo ngược xu hướng tình dục của nhiều người.

Các bác sĩ nỗ lực lý giải nguyên nhân khiến một người có xu hướng tình dục đồng tính. Đối với Eugen Steranty, chuyên gia nội tiết đến từ Đức, đồng tính bắt nguồn từ vấn đề của tinh hoàn một người đàn ông. Giả thuyết này dẫn đến hàng loạt thí nghiệm cấy ghép tinh hoàn năm 1920, trong đó người đồng tính nam được cấy ghép thay thế "tinh hoàn dị tính".

Những người khác cho rằng đồng tính là một chứng rối loạn tâm lý. Theo Sigmund Freud, cha đẻ ngành tâm thần học, con người bẩm sinh đã lưỡng tính, người đồng tính có xu hướng này là do điều kiện môi trường. Dù ông nhấn mạnh đây không phải một căn bệnh, các đồng nghiệp cùng ngành đã phản đối quan điểm này. Họ sử dụng các biện pháp can thiệp để "chữa bệnh".

Bác sĩ người Đức Eugen Steinach từng coi đồng tính là vấn đề xuất phát từ tinh hoàn của nam giới. Ảnh: Imagno
Bác sĩ người Đức Eugen Steinach từng coi đồng tính là vấn đề xuất phát từ tinh hoàn của nam giới. Ảnh: Imagno

Một số người thuộc cộng đồng LGBT đã được điều trị bằng hình thức sốc điện, số khác thậm chí trải qua thủ thuật nguy hiểm hơn như phẫu thuật cột sống. Robert Galbraith Heath, một bác sĩ người New Orleans, đi tiên phong trong việc dùng điện cực được cấy vào não, thuê gái mại dâm hay sử dụng nội dung khiêu dâm dị tính để thay đổi xu hướng tình dục của một con người. Phương pháp sau này nhận nhiều chỉ trích.

Một trong những hình thức chữa trị gây tranh cãi nhất là "liệu pháp ác cảm". Ý tưởng tiền đề là nếu để người thuộc cộng đồng LGBT trở nên chán ghét xu hướng tình dục của mình, họ sẽ không còn có ham muốn với người đồng giới.

Dưới sự giám sát y tế, họ phải uống các loại hóa chất có thể gây nôn mửa khi xem ảnh người yêu. Số khác bị giật điện, cả vào bộ phận sinh dục, khi đang xem phim khiêu dâm đồng tính nam hoặc mặc trang phục nữ giới. Nhà sử học y khoa Elise Chenier lưu ý: "Dù những người ủng hộ liệu pháp ác cảm khẳng định tỷ lệ chữa khỏi bệnh cao tới 50%, tuyên bố này chưa bao giờ được ghi vào y văn".

Các nhóm LGBT từ lâu đã phản đối cách làm tàn nhẫn và phản khoa học này. Song khi ấy, khái niệm "bệnh đồng tính" được đa số cơ sở y tế chấp nhận. Thậm chí, Hiệp hội Tâm thần Mỹ (APA) từng coi đây là chứng rối loạn tâm lý.

Đến những năm 1960-1970, khi phong trào đòi quyền bình đẳng cho người đồng tính nở rộ, giới chuyên môn bắt đầu có cái nhìn khác. Năm 1973, APA loại bỏ đồng tính luyến ái ra khỏi cẩm nang các bệnh tâm thần. Nhiều bác sĩ, chuyên gia cũng rời xa kỹ thuật mà họ từng áp dụng.

Bệnh nhân trải nghiệm liệu pháp chuyển đổi giới tính năm 1950. Ảnh: Three Lions
Bệnh nhân trải nghiệm liệu pháp chuyển đổi giới tính năm 1950. Ảnh: Three Lions

Tuy nhiên, đây không phải dấu chấm hết cho nỗ lực bài xích LGBT. Khi mức độ nhận thức của cộng đồng tăng lên, các chuyên gia tự phong và nhóm hội tôn giáo đã tự mình thực hiện điều trị. Hình thức đa dạng, từ trò chuyện tư vấn đến trừ tà.

Tại các trại hè và hội nghị chuyển đổi đồng tính, người thuộc cộng đồng LGBT bị cô lập khỏi gia đình, bị thôi miên, được yêu cầu cầu nguyện cho đến khi ham muốn đồng giới giảm xuống. Họ thậm chí bị chế nhạo, giáo huấn về vai trò của loại giới tính phù hợp, được dạy rằng tình dục không tự nhiên là tội lỗi.

Những người từng nếm trải liệu pháp chuyển đổi thường xuyên cảm thấy đau đớn, xấu hổ. Trong một số trường hợp, họ bị lạm dụng tâm lý, thậm chí cả tình dục. Nhiều người đã tự sát sau quá trình này.

Càng về sau, làn sóng phản đối ý tưởng chuyển đổi người đồng tính trở nên dữ dội hơn. Tại Mỹ, 13 bang đã thi hành luật cấm thực hiện hành vi này. Nhiều nạn nhân đã khởi kiện các trung tâm điều trị vì tội lừa đảo. Năm 2013, Exodus International, nhóm bảo trợ cho những chương trình chuyển đổi đồng tính tuyên bố đóng cửa sau gần 40 năm hoạt động, thừa nhận không thể thay đổi xu hướng tình dục của bất cứ ai.

Đối với 698.000 người đồng tính trưởng thành tại Mỹ từng tham gia điều trị hồi thập niên 70, hậu quả còn hiện hữu. Họ cho biết cảm thấy bị tổn thương lòng tự trọng, có xu hướng tự tử và chịu nhiều sang chấn tâm lý.

Thục Linh (Theo History)

Đọc tiếp cùng chuyên mục

Chớ chủ quan với bệnh giời leo

Chớ chủ quan với bệnh giời leo

Y học thường thức - 02/05/2024

Chớ chủ quan với bệnh giời leo

Mắc rối loạn hoang tưởng, người vợ luôn ám ảnh chồng ngoại tình

Mắc rối loạn hoang tưởng, người vợ luôn ám ảnh chồng ngoại tình

Y học thường thức - 23/04/2024

Mắc rối loạn hoang tưởng, người vợ luôn ám ảnh chồng ngoại tình

Hi hữu phát hiện cụ bà có 2 bàng quang

Hi hữu phát hiện cụ bà có 2 bàng quang

Y học thường thức - 15/04/2024

Hi hữu phát hiện cụ bà có 2 bàng quang

Lý do gia tăng người trẻ mắc tiểu đường

Lý do gia tăng người trẻ mắc tiểu đường

Y học thường thức - 08/04/2024

Lý do gia tăng người trẻ mắc tiểu đường

Gia tăng người già, trẻ nhỏ nhập viện vì thời tiết

Gia tăng người già, trẻ nhỏ nhập viện vì thời tiết

Y học thường thức - 19/03/2024

Gia tăng người già, trẻ nhỏ nhập viện vì thời tiết

Bảng thống kê bệnh nhân nhiễm bệnh nCoV các quốc gia trên thế giới