Chứng kiến cái chết của cụ ông, người phụ nữ hiến máu 95 lần
Bà Trần Thị Mai (sinh năm 1966, phường Cam Nghĩa, TP. Cam Ranh, Khánh Hòa) là một trong những gương mặt nổi bật được vinh danh tại lễ biểu dương người hiến máu tiêu biểu toàn quốc năm nay.
54 tuổi, bà Mai đã tham gia hiến máu tới 95 lần. Bà cho biết, hoạt động này giờ đây trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của bà. “Tới nỗi đủ điều kiện mà không được đi hiến máu, tôi thấy bứt rứt, khó chịu lắm”, bà Mai mỉm cười, nói.
Bà Mai bắt đầu tham gia hiến máu tình nguyện lần đầu tiên vào năm 2000. Ngày ấy, một lần lên chăm cha ốm tại bệnh viện, bà biết chuyện về một cụ già mắc bệnh hiểm nghèo điều trị cùng phòng với cha mình.
Cụ rất cần máu để truyền, tuy nhiên thời điểm đó ở bệnh viện không có ngân hàng máu sống, nguồn máu vô cùng khan hiếm. Gia đình cụ lại nghèo khổ, không có tiền để mua máu truyền. Cứ thế, cụ rệu rã dần rồi không qua khỏi.
Sự ra đi của cụ khiến bà Mai rất đau lòng, liên tiếp những đêm trăn trở tới không ngủ. Bà nghĩ, tại sao bản thân không thể làm gì đó giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn như họ?
Tình cờ, sau đó không lâu, Hội Chữ thập đỏ địa phương tới từng hộ gia đình để vận động hiến máu, bà Mai đã không chần chừ đăng ký tham gia. Lúc này, bà gặp rất nhiều khó khăn trong việc thuyết phục người chồng của mình.
“Ông xã phản đối vì rất lo lắng cho tôi. Thời điểm ấy, sức khỏe tôi khá yếu, chồng lại đi làm xa nhà, con cái còn nhỏ. Tuy nhiên, khao khát “cần phải làm gì đó” đã khiến tôi không muốn bỏ cuộc”, bà Mai kể.
Thế là, bà Mai cố gắng thuyết phục chồng, bày tỏ những trăn trở của mình, phân tích lợi ích tốt đẹp của việc hiến máu. Cuối cùng, người chồng đồng ý cho bà tham gia.
Bà Mai nhớ như in tháng 10 năm ấy, khi lần đầu tiên đi hiến máu. Trên người bà là một tấm bảng tên khổ lớn, ghi thông tin cá nhân; xung quanh là loằng ngoằng dây truyền. Bà thủ thỉ với cánh phóng viên, báo đài: “Lát nữa nhớ đừng quay chụp chị nhé”.
“Vì tôi sợ nhỡ đâu người nhà nhìn thấy, lần sau không cho tôi đi hiến tiếp thì sao”, bà Mai mỉm cười nhớ lại.
Sau khi hiến máu, bà Mai thấy cơ thể hoàn toàn bình thường. Một vài tháng sau hiến, bà thậm chí còn thấy sức khỏe tốt lên, da dẻ, dáng người đều đẹp hơn trông thấy. Thấy vợ khỏe mạnh, rạng rỡ, người chồng cũng bớt lo lắng hơn, an tâm để bà Mai làm những điều mình thích.
Từ thời điểm đó, trung bình mỗi năm, bà Mai hiến máu khoảng 4 lần. Tới nay, bà đã có 91 lần hiến máu toàn phần, 2 lần hiến tiểu cầu và 2 lần hiến máu cấp cứu.
Lần hiến máu mà bà Mai nhớ nhất là vào năm 2014, khi bà cùng tham gia cứu sống một cô bé 19 tuổi, cùng ở phường Cam Nghĩa. Cô bé bị tim bẩm sinh lâu năm, hoàn cảnh gia đình quá khó khăn nên không thể đưa em đi phẫu thuật. Tới khi bệnh tiến triển nặng, cô bé suy kiệt, không tránh khỏi nguy cơ tử vong nếu không được mổ tim gấp.
Để ca mổ được diễn ra, cô bé cần 4 đơn vị máu nhóm O, mỗi đơn vị 450ml. Ngay khi được gia đình nhờ cậy, bà Mai đã lập tức cùng 4 người khác lên đường, từ Khánh Hòa ra TP.HCM để giúp đỡ cô bé. Ngày ấy chưa có xe giường nằm, 5 thành viên phải ngồi khom gối trên xe khách, bụng đói meo.
“6h tối bắt đầu di chuyển, 7h sáng hôm sau tới bệnh viện. Tất cả chúng tôi không được ăn, chỉ được uống nước lọc để có thể sẵn sàng xét nghiệm máu. Đúng là có chút mệt mỏi, nhưng suy nghĩ phải cứu người đã khiến chúng tôi quên đi tất cả”, bà Mai chia sẻ.
Rất may mắn, 4/5 người trong đoàn, bao gồm cả bà Mai đủ tiêu chuẩn hiến máu. Cô bé được cứu sống trong niềm hạnh phúc vỡ òa của người thân. Hiện tại, cô bé năm ấy đã 35 tuổi, khỏe mạnh, xinh đẹp, có gia đình riêng với hai đứa trẻ kháu khỉnh.
Trong suốt 20 năm tham gia hiến máu tình nguyện, bà Mai không ít lần phải chịu những lời đàm tiếu không hay.
“Nhiều người nói rằng tôi vì ham khen thưởng, thành tích mới đi hiến máu. Lúc đầu tôi buồn và tủi thân lắm, nhưng rồi lại nhanh chóng tự động viên bản thân. Vì tôi đang làm những việc mình yêu thích, đúng với lương tâm của mình”, bà Mai bảo.
Có lẽ, chính cái tâm trong sáng ấy đã giúp người phụ nữ 54 tuổi dần xóa bỏ mọi định kiến.
Sau này, bà Mai vào làm việc tại Hội Chữ thập đỏ phường Cam Nghĩa và tham gia nhiều hơn vào công tác vận động người hiến máu. Lúc đầu, rất nhiều người từ chối tham gia với lý do: “Ăn 3 bát cơm mới được 1 giọt máu. Nhiều người mất tiền mua máu, sao mình có máu lại phải cho đi”.
Thế nhưng “mưa dầm thấm lâu”, bà Mai cùng các thành viên trong Hội tới gõ cửa từng nhà và tuyên truyền bằng chính câu chuyện của bản thân. Hình ảnh người phụ nữ quá tuổi tứ tuần vẫn mạnh khỏe, rạng rỡ và những câu chuyện cứu người của bà Mai đã khiến rất nhiều người xúc động và tin tưởng.
“Dần dần, chính những người từng chỉ trích tôi năm xưa cũng thay đổi quan điểm, rất nhiệt tình tham gia hiến máu”, bà Mai chia sẻ. Đến nay, bà Mai là Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ phường Cam Nghĩa, đã vận động được trên 1000 người dân địa phương tham gia hiến máu tình nguyện
Năm 2014, bà Mai lần đầu tiên được tôn vinh trong danh sách 100 cá nhân hiến máu tiêu biểu toàn quốc. Đến năm 2020, bà lại một lần nữa cùng 99 gương mặt khác đứng trên sân khấu của Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương trong buổi lễ trang trọng.
Bà Mai giờ đây trở thành niềm tự hào của cả gia đình. Cô con gái đã cùng mẹ tham gia hiến máu được 3 lần, luôn coi mẹ là thần tượng, niềm tự hào lớn nhất.
Người phụ nữ 54 tuổi cũng chia sẻ, người dân Cam Nghĩa hiện đã rất chủ động và yêu thích việc hiến máu tình nguyện.
“Nhiều người thậm chí còn trách chúng tôi sao họ đủ điều kiện rồi mà chưa có đợt hiến máu để tham gia, nhiều người thì phải bàn bạc trước giờ giấc để hiến máu xong còn về kịp giờ đi làm,… Tôi rất xúc động trước tình cảm, sự nhiệt tình của mọi người”, bà Mai tâm sự.
Bà Mai không biết sẽ tiếp tục thực hiện những công việc này đến bao giờ, tuy nhiên bà nói sẽ chỉ dừng lại khi cơ thể, sức khỏe không còn cho phép. Bởi lẽ, hiến máu tình nguyện đã trở thành phần tất yếu, không thể tách rời trong cuộc sống của bà.
Nguyễn Liên
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Điều khác biệt của mùa sốt xuất huyết năm nay
Y học thường thức - 06/08/2024
Điều khác biệt của mùa sốt xuất huyết năm nay
Xuất hiện ổ dịch bệnh sởi tại Đắk Lắk
Y học thường thức - 16/07/2024
Xuất hiện ổ dịch bệnh sởi tại Đắk Lắk
Xử trí kiến ba khoang đốt, tránh để lại sẹo thâm
Y học thường thức - 03/07/2024
Xử trí kiến ba khoang đốt, tránh để lại sẹo thâm
Trẻ béo phì có vệt đen vùng cổ, có đáng lo?
Y học thường thức - 28/05/2024
Trẻ béo phì có vệt đen vùng cổ, có đáng lo?
Chớ chủ quan với bệnh giời leo
Y học thường thức - 02/05/2024
Chớ chủ quan với bệnh giời leo