Công nghệ AI giải 'nỗi đau' ngành y tế
"Trong chuyến đi đến tỉnh, một đồng chí bí thư từng tâm sự, khó khăn lớn nhất là mời được các bác sĩ về. Tỷ lệ số bác sĩ trên một vạn dân tại Việt Nam hiện là 8, thuộc loại thấp trên thế giới. Các bác sĩ ra trường thường chọn ở thành phố", Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ tại Diễn đàn phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam hôm 23/12 vừa qua.
Một hệ thống y tế hiệu quả - ước mơ của nhiều tỉnh, cũng là trăn trở mà Bộ trưởng chia sẻ tới diễn đàn công nghệ lớn nhất năm, quy tụ hơn 1.000 đại diện doanh nghiệp, nhà chính sách, người làm công nghệ. "Các doanh nghiệp hãy nhìn ra nỗi đau của đất nước, xã hội, giải chúng bằng công nghệ", Bộ trưởng nói.
Là ứng dụng y tế duy nhất nhận giải tại hạng mục "Giải pháp số xuất sắc" tại lễ trao giải thưởng "Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam 2020" trong khuôn khổ diễn đàn, DrAid mang tham vọng lớn của VinBrain giải điểm nghẽn này của ngành y tế. "Với DrAid, một bác sĩ ở tuyến huyện cũng có thể chẩn đoán hình ảnh chính xác như bác sĩ tuyến trung ương. Bệnh nhân không phải lên thành phố lớn, đông người, dẫn đến tắc nghẽn hệ thống. Chúng ta có thể kết nối 1.000 bệnh viện tuyến huyện với trung ương", Bộ trưởng nói về sáng kiến do VinBrain xây dựng.
Giành giải nhì hạng mục giải pháp số xuất sắc tại giải thưởng Make in Vietnam, DrAid không chỉ đáp ứng tiêu chí hội tụ công nghệ, chất xám của người Việt, mà còn mang sứ mệnh giải bài toán cộng đồng.
Giải bài toán y tế cho 4,7 tỷ người
Là người trực tiếp lãnh đạo đội ngũ phát triển ứng dụng, ông Trương Quốc Hùng - Tổng giám đốc Công ty VinBrain chia sẻ, hiện có khoảng 4,7 tỷ người trên thế giới thiếu điều kiện tiếp cận với chẩn đoán hình ảnh, 12 triệu người bị chẩn đoán sai mỗi năm tại Mỹ, dẫn đến hàng loạt hệ quả tiêu cực trong chẩn đoán và điều trị.
Thời gian về Việt Nam chăm sóc mẹ do bị đột quỵ, ông chứng kiến các bệnh nhân phải xếp hàng trong bệnh viện từ 3-4h sáng để đợi khám bệnh. Điều này thôi thúc vị chuyên gia từng giữ vị trí cấp cao tại Microsoft quyết định trở về, thực hiện sứ mệnh đem AI giải bài toán cho ngành y tế Việt.
Theo đó, DrAid hỗ trợ bác sĩ chẩn đoán các dấu hiệu bất thường và bệnh lý về tim-phổi-xương dựa trên hình ảnh X-quang ngực. Hệ thống DrAid gồm 3 phần: ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), nền tảng điện toán đám mây và hệ sinh thái các thiết bị di động. Đến tháng 11/2020, DrAid đã hỗ trợ chẩn đoán 18 dấu hiệu bất thường trong vòng 5 giây với độ chính xác trên 88%. Đồng thời, tự động đưa ra báo cáo y tế có khoanh vùng, bản đồ nhiệt và đo kích thước chính xác tại điểm bất thường. DrAid là sản phẩm AI đầu tiên tại Việt Nam có bộ dữ liệu lớn 1,3 triệu hình ảnh X-quang với hơn 250 nghìn hình ảnh đã được gán nhãn và bộ dữ liệu Covid-19 lớn thứ hai toàn cầu (7.490 hình ảnh dương tính của bệnh nhân COVID-19).
Danh mục định nghĩa các dấu hiệu bất thường và bệnh lý của DrAid được phối hợp thực hiện bởi Đại học Stanford, Mỹ và đội ngũ chuyên gia, bác sĩ chẩn đoán hình ảnh (CĐHA) hàng đầu Việt Nam.
Với dịch COVID-19, hệ thống còn tự động đưa ra cảnh báo, kể cả các trường hợp không có triệu chứng hoặc tổn thương phổi nhẹ.
"Bác sĩ ít kinh nghiệm có thể dùng hệ thống này, để làm được như bác sĩ 25-30 năm kinh nghiệm. AI trong y tế sẽ giúp giải quyết các bài toán khám chữa bệnh và mang đến ý nghĩa cho cộng đồng. Đồng thời đẩy mạnh công nghệ chuyển đổi số trong y tế, không phim cứng, bệnh án giấy, tạo ra môi trường làm việc nhanh chóng, liên kết hiệu quả cho bác sĩ và bệnh nhân", ông Hùng khẳng định.
Hội tụ tài năng Việt
95% đội ngũ chuyên gia công nghệ phát triển DrAid là những tài năng người Việt từng nghiên cứu và làm việc nhiều năm tại Microsoft, Google, Adobe, Amazon... cùng hơn 50 bác sĩ chẩn đoán hình ảnh đầu ngành tại Việt Nam và hội đồng chuyên môn gồm các Giáo sư, bác sĩ đầu ngành. Đây là đội ngũ đang hợp sức để xây dựng sản phẩm AI cho y tế của Việt Nam đạt chuẩn quốc tế và mang chất lượng của người Việt.
DrAid đã hoàn thành ba bằng sáng chế tại Mỹ và Việt Nam. Ra mắt vào tháng 6/2020, hiện DrAid đang được hơn 350 bác sĩ sử dụng trong chẩn đoán bệnh.
Đại diện VinBrain nhận định, Việt Nam có nhiều bác sĩ giỏivà được rèn luyện trong môi trường làm việc quá tải. Bên cạnh đó, chúng ta còn có rất nhiều nhân tài trong lĩnh vực khoa học công nghệ. Việt Nam còn có nền tảng công nghệ cao, được hỗ trợ bởi Chính phủ có tầm nhìn rộng.
"Hành trình thực hiện ước mơ cũng gắn liền với nỗi sợ thất bại và mất mát, nhưng khi cảm nhận được đều mình đang làm mang lại ý nghĩa cho cộng đồng thì sẽ học được cách trân trọng, yêu những gì mình làm ra", ông Hùng chia sẻ tại diễn đàn. Ông cũng bày tỏ kỳ vọng đưa sản phẩm AI về y tế của Việt Nam vươn tầm thế giới.
Phong Vân
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Điều khác biệt của mùa sốt xuất huyết năm nay
Y học thường thức - 06/08/2024
Điều khác biệt của mùa sốt xuất huyết năm nay
Xuất hiện ổ dịch bệnh sởi tại Đắk Lắk
Y học thường thức - 16/07/2024
Xuất hiện ổ dịch bệnh sởi tại Đắk Lắk
Xử trí kiến ba khoang đốt, tránh để lại sẹo thâm
Y học thường thức - 03/07/2024
Xử trí kiến ba khoang đốt, tránh để lại sẹo thâm
Trẻ béo phì có vệt đen vùng cổ, có đáng lo?
Y học thường thức - 28/05/2024
Trẻ béo phì có vệt đen vùng cổ, có đáng lo?
Chớ chủ quan với bệnh giời leo
Y học thường thức - 02/05/2024
Chớ chủ quan với bệnh giời leo