Covid-19, 'giọt nước tràn ly' với người mắc bệnh nền nặng
Bác sĩ Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, cho rằng nCoV tấn công phổi, làm bệnh nền tiến triển nặng lên, cùng với suy hô hấp, dẫn đến tử vong nhanh chóng. Khi đó, không chỉ những người tuổi cao, sức khỏe yếu mà cả người trẻ mắc bệnh nền nhiễm nCoV cũng khó chống cự. Mắc thêm Covid-19 chỉ như giọt nước tràn ly.
"Khi số ca tử vong được ghi nhận ở người trẻ, không có bệnh nền, tình trạng mới đáng lo ngại hơn", bác sĩ nhấn mạnh.
Tại Việt Nam, hầu hết bệnh nhân Covid-19 tử vong ở trong khoảng 47 đến 86 tuổi, mắc các bệnh nền như suy tim, ung thư, suy thận mạn tính, đái tháo đường, tăng huyết áp... Trong 17 người, có tới 12 người suy thận mạn. nCoV hoạt động tích cực ở thận, dẫn đến nhiều bệnh nhân tổn thương nặng nề ở cơ quan này.
Khả năng tấn công nhiều bộ phận khác nhau của nCoV có thể khiến tình trạng sức khỏe bệnh nhân trở nên trầm trọng. Hệ miễn dịch suy yếu, số lượng virus tăng lên quá nhiều khiến các phế quản và phế nang bị viêm, cơ thể không còn nhận được lượng oxy cần thiết dẫn đến sốt, ho, khó thở và nhiều biến chứng nặng khác như suy hô hấp, cần đến máy thở hỗ trợ thở.
Ngoài ra, người mắc bệnh tim mạch, tiểu đường và thận dễ chuyển nặng sau khi nhiễm nCoV. Virus cũng có thể xâm nhập vào máu, lây nhiễm các tế bào trong hệ thống tiêu hóa, gây ra các triệu chứng như tiêu chảy và khó tiêu.
Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, cho biết tình hình thế giới cho thấy một người bình thường cũng có thể tử vong do Covid-19, chiếm 3-5% tổng số tử vong; còn tỷ lệ người tử vong mắc kèm bệnh nền, bệnh mạn tính khoảng 13-15%. Riêng Việt Nam, những người tử vong kể cả người trẻ cũng có bệnh nền, tỷ lệ tử vong là 1,9% trên số ca nhiễm. Đa số bệnh nhân tử vong do những rối loạn từ trước, khi mắc thêm Covid-19, vấn đề càng khó giải quyết hơn.
"Chưa khẳng định được là mắc bệnh nền nặng có thể khiến người bệnh tử vong ngay, nhưng Covid-19 là lý do làm trầm trọng hơn sức khỏe của người bệnh", phó giáo sư Nga nói.
Hơn 200 người gồm chuyên gia, y bác sĩ từ các bệnh viện trung ương và một số tỉnh chi viện cho "chiến trường" Đà Nẵng chống Covid-19. Đà Nẵng cũng tăng tốc xét nghiệm được 7.000 mẫu, và đang áp dụng phương pháp xét nghiệm gộp, nâng công suất có thể lên tới 10.000. Gần 30.000 mẫu trong tổng số 35.000 mẫu bệnh phẩm đã có kết quả xét nghiệm. Sinh phẩm, hóa chất, vật tư xét nghiệm, trang thiết bị của Đà Nẵng hiện đầy đủ, chưa gặp khó khăn.
Các chuyên gia khuyến cáo Covid-19 đang trong tình trạng phức tạp, cần nâng cao cảnh giác. Ngoài 15 tỉnh đã ghi nhận ca nhiễm, các tỉnh khác chưa chắc đã an toàn. Mọi người phải xác định chung sống an toàn với dịch bệnh, nhất là các cơ sở y tế không được lơ là, phân luồng bệnh nhân cẩn thận và có kế hoạch ứng phó phù hợp, kịp thời trong mọi trường hợp.
Bên cạnh đó, người dân cần nhiệt tình hợp tác với chính quyền, khai báo đầy đủ, theo dõi sức khỏe, không lơ là các biện pháp do Bộ Y tế khuyến cáo phòng chống dịch bệnh. Riêng những người đã có kết quả âm tính bằng xét nghiệm nhanh tuyệt đối không chủ quan, cần tiếp tục thực hiện cách ly, tránh nguy cơ lây bệnh ra cộng đồng.
Đến nay, Việt Nam ghi nhận 321 ca nhiễm nhập cảnh được cách ly ngay, không lây lan cộng đồng từ nhóm này.
Từ ngày 25/7 đến nay ghi nhận 405 ca lây nhiễm trong nước tại 15 tỉnh, thành phố, đều có yếu tố dịch tễ liên quan tới ổ dịch tại Đà Nẵng.
Hơn 134.000 người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch được cách ly. Trong đó, cách ly tập trung tại bệnh viện hơn 5.600 người, tại cơ sở tập trung hơn 24.000, số còn lại tại nhà hoặc nơi lưu trú.
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Điều khác biệt của mùa sốt xuất huyết năm nay
Y học thường thức - 06/08/2024
Điều khác biệt của mùa sốt xuất huyết năm nay
Xuất hiện ổ dịch bệnh sởi tại Đắk Lắk
Y học thường thức - 16/07/2024
Xuất hiện ổ dịch bệnh sởi tại Đắk Lắk
Xử trí kiến ba khoang đốt, tránh để lại sẹo thâm
Y học thường thức - 03/07/2024
Xử trí kiến ba khoang đốt, tránh để lại sẹo thâm
Trẻ béo phì có vệt đen vùng cổ, có đáng lo?
Y học thường thức - 28/05/2024
Trẻ béo phì có vệt đen vùng cổ, có đáng lo?
Chớ chủ quan với bệnh giời leo
Y học thường thức - 02/05/2024
Chớ chủ quan với bệnh giời leo