Cuộc gặp ngắn ngủi trước cách ly của vợ chồng bác sĩ Đà Nẵng

Nhận được tin bệnh viện phong tỏa, bác sĩ Trịnh Minh Thế gọi về cho vợ thông báo rồi tình nguyện ở lại viện chống dịch cùng đồng nghiệp.

"Ngày 24/7 có lẽ là ngày khó quên của toàn bộ các y bác sĩ. Ai cũng lo lắng, bần thần vì chưa kịp chuẩn bị gì. Còn tôi thì tranh thủ gọi về thông báo cho vợ, dặn mang tư trang cần thiết rồi sẵn sàng tâm lý chống dịch cùng bệnh viện", bác sĩ Trịnh Minh Thế kể lại.

Nhận được cuộc gọi, vợ anh đứng ngồi không yên. Gói ghém đồ dùng sinh hoạt cho chồng, chị nhanh chóng đi đến viện. Từ bên ngoài cánh cổng bệnh viện, chị động viên chồng. "Chưa bao giờ tôi ghé cơ quan anh mà vội vàng chóng vánh đến vậy", chị nói.

Trước cổng bệnh viện, anh Thế vội vàng lấy điện thoại trong túi, bảo vợ, mặt đeo khẩu trang, "cười lên!", để chụp một tấm hình trước khi ra về.

Bác sĩ Trịnh Minh Thế là trưởng khoa Gây mê Hồi sức, Bệnh viện C Đà Nẵng, nơi đầu tiên bị phong tỏa ở Đà Nẵng do xuất hiện nCoV. Vợ anh, chị Nguyễn Thị Ngọc Uyển, giáo viên môn địa lý trường THPT Phan Châu Trinh, Đà Nẵng.

Bệnh viện C ngừng tiếp nhận bệnh nhân mới từ ngày 24/7, không cho xuất viện đối với toàn bộ người bệnh đang ở viện, kể cả ca nặng người nhà xin về, đồng thời áp dụng các biện pháp phòng hộ đối với bác sĩ điều trị trực tiếp cho ca nghi nhiễm. Riêng khoa Gây mê hồi sức hiện không có bệnh nhân, chỉ điều trị khi có ca mổ, cũng không tiếp xúc người nghi nhiễm nên được phép cách ly ở nhà. Tuy nhiên, bác sĩ Thế cùng 4 nhân viên y tế khác đã xung phong ở lại, hỗ trợ đồng nghiệp chống dịch.

Cuộc gặp ngắn ngủi của bác sĩ Thế và vợ ở cổng bệnh viện trước giờ cách ly. Ảnh: Bác sĩ cung cấp.
Cuộc gặp ngắn ngủi của bác sĩ Thế và vợ ở cổng bệnh viện trước giờ cách ly. Ảnh: Bác sĩ cung cấp.

Trở về nhà, chị Uyển vào phòng, rơi nước mắt vì thương chồng, thương các y bác sĩ. "Chuyến đi lần này không biết kéo dài đến bao giờ", vừa nghĩ. Cảm xúc đầy trong lòng, cùng sự khích lệ của bạn, chị viết bài thơ "Đà Nẵng ngày bão giông" trưa 28/7, cũng là lúc Đà Nẵng cách ly toàn thành phố. Sau đó, nhạc sĩ Nguyễn Minh Châu nhanh chóng phổ nhạc, như món quà dành tặng tác giả thơ và các y bác sĩ Đà Nẵng.

Nhận được bài hát, bác sĩ Thế và bác sĩ Nguyễn Quý Thiện, Khoa Nội tiêu hóa, tranh thủ giờ nghỉ trưa để quay video rồi đăng lên trang cá nhân. Bài hát nhanh chóng nhận được nhiều sự quan tâm chia sẻ. Nhiều người chia sẻ rằng họ đã khóc khi nghe tiếng hát của bác sĩ và thêm thấu hiểu sự vất vả của bác sĩ nơi tuyến đầu chống dịch.

"Bản thân tôi, vợ, bác sĩ Thiện cũng không ngờ ca khúc nhận được nhiều quan tâm và khen ngợi đến vậy. Mục đích chính là để thư giãn, giúp mọi người lạc quan hơn trong trận chiến cam go, còn tiền tuyến thêm vững vàng", bác sĩ Thế nói.

Những ngày cách ly, công việc của anh không bị xáo trộn nhiều. Những khu có bệnh nhân nghi nhiễm và điều trị được cách ly riêng còn khu không có bệnh nhân thì các y bác sĩ sẽ hỗ trợ nhau vận chuyển vật tư, hàng cứu trợ, chuyển đồ cho người nhà hoặc giúp nhà bếp nấu ăn.

Mỗi ngày, anh và đồng nghiệp đều dành thời gian ba bữa để ngồi ăn cùng nhau, vừa tiện trao đổi công việc vừa tâm sự về mọi chuyện. "Nếu một ngày hết cách ly, điều tôi nhớ nhất chính là quãng thời gian kề vai sát cánh đồng đội này", anh nói.

Theo anh Thế, trong 5 nhân viên khoa gây mê hồi sức có một nữ điều dưỡng chưa lập gia đình. Do đó, anh phải tranh thủ tâm sự giúp mọi người lạc quan, yên tâm chống dịch. Người nào có biểu hiện lo lắng hơn thì động viên nhiều hơn. Anh cũng chia sẻ thêm bài viết lạc quan trên mạng xã hội để truyền tải thông điệp tích cực đến mọi người.

Thỉnh thoảng, bác sĩ Thế nghe được những câu nói kỳ thị đối với nhân viên y tế khiến anh chạnh lòng, nhưng không quá lâu. Anh tự nhắc nhở bản thân không được nản chí để làm tấm gương cho mọi người.

Dự kiến 0h ngày 7/8, Bệnh viện C Đà Nẵng hết phong tỏa, song chưa chắc chắn. Anh cũng không dám hẹn ngày trở về với vợ do diễn biến dịch phức tạp. Đây là lần đầu tiên phải cách ly với gia đình, nhớ nhà, nhớ con, hầu như ngày nào, anh cũng gọi về để dặn dò và hỏi thăm các thành viên trong gia đình.

Trở về phòng làm việc sau một ngày dài, anh Thế tựa đầu vào tường, tháo khẩu trang rồi nhẩm những câu thơ do vợ sáng tác: "Này những chiến binh áo trắng anh hùng! Cả Đà Nẵng nghiêng mình mong ngóngỞ trong kia tất cả sẽ yên bình. Ở ngoài này màu nắng sẽ lung linh...".

"Tôi mong ngóng ngày hết cách ly rồi tiếp tục góp sức mình cho cuộc chiến chống dịch. Tôi tin chỉ cần tất cả chúng ta, từ bác sĩ, bệnh nhân và cả người dân không ai đứng ngoài cuộc, cuộc chiến này sẽ thắng lợi", bác sĩ Thế chia sẻ.

Thùy An

Đọc tiếp cùng chuyên mục

Gia tăng người già, trẻ nhỏ nhập viện vì thời tiết

Gia tăng người già, trẻ nhỏ nhập viện vì thời tiết

Y học thường thức - 19/03/2024

Gia tăng người già, trẻ nhỏ nhập viện vì thời tiết

Nguy kịch tính mạng do điều trị basedow sai cách

Nguy kịch tính mạng do điều trị basedow sai cách

Y học thường thức - 10/03/2024

Nguy kịch tính mạng do điều trị basedow sai cách

Nổi mày đay có phải do suy giảm chức năng gan?

Nổi mày đay có phải do suy giảm chức năng gan?

Y học thường thức - 04/03/2024

Nổi mày đay có phải do suy giảm chức năng gan?

9 điều cần nhớ khi người thân đột quỵ não

9 điều cần nhớ khi người thân đột quỵ não

Y học thường thức - 28/02/2024

9 điều cần nhớ khi người thân đột quỵ não

Tránh biến chứng bàn chân ở người mắc tiểu đường

Tránh biến chứng bàn chân ở người mắc tiểu đường

Y học thường thức - 26/02/2024

Tránh biến chứng bàn chân ở người mắc tiểu đường

Bảng thống kê bệnh nhân nhiễm bệnh nCoV các quốc gia trên thế giới