Cứu sống bệnh nhân bị xuất huyết tiêu hóa nguy kịch

Ngày 4/11, thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết, các bác sỹ khoa Tiêu hóa kết hợp với khoa Nội soi của bệnh viện đã cấp cứu thành công một trường hợp xuất huyết tiêu hóa nguy kịch bằng kỹ thuật Argon Plasma.
Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân L.K.O sau phẫu thuật. Ảnh: TTXVN phát
Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân L.K.O sau phẫu thuật. Ảnh: TTXVN phát

Bệnh nhân L.K.O (nữ, 56 tuổi, quê Cà Mau) nhập viện ngày 27/10 trong tình trạng nguy kịch với biểu hiện choáng mất máu nặng, nguy cơ tử vong cao, kèm theo tiền sử bị đái tháo đường, tăng huyết áp nhiều năm, thoái hóa khớp. Bệnh nhân tự ý sử dụng thuốc Nam, thuốc giảm đau, kháng viêm để điều trị tình trạng đau nhức khớp. Trước khi nhập viện một tuần, bệnh nhân đi tiêu phân đen nhiều lần, lượng ít, mệt, chóng mặt, nhập viện điều trị tại bệnh viện địa phương nhưng do tình trạng bệnh không giảm nên gia đình xin chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy. 

Trên đường di chuyển đến địa phận thành phố Cần Thơ thì bệnh nhân nôn khoảng 1 lít máu đỏ tươi và mệt lả. Nhận thấy bệnh nhân có chuyển biến xấu nên người nhà đưa thẳng đến Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ. Qua thăm khám, các bác sỹ nhận thấy bệnh nhân có tình trạng mạch nhanh nhẹ, huyết áp thấp, da niêm trắng nhợt, tri giác lơ mơ, lượng huyết sắc tố trong máu giảm nghiêm trọng 2,4g/dl (chỉ số bình thường là 12-15g/dl). Bệnh nhân được chẩn đoán: Xuất huyết tiêu hóa trên mức độ nặng, kèm đái tháo đường type 2 - choáng mất máu. 

Kết quả nội soi cho thấy, bệnh nhân bị viêm teo niêm mạc dạ dày (là biểu hiện giai đoạn cuối của các bệnh lý như viêm dạ dày mạn tính do nhiễm vi khuẩn H. Pylori, sau viêm teo sẽ là viêm teo có chuyển sản ruột và cuối cùng có thể đưa đến ung thư dạ dày), giãn mao mạch, xuất huyết phình vị - thân vị bờ cong nhỏ mức độ nặng. 

Ngay lập tức, ê kíp do bác sỹ chuyên khoa II Nguyễn Thị Quỳnh Mai, Trưởng khoa Nội soi và cộng sự đã tiến hành nội soi can thiệp cầm máu cho bệnh nhân. Trong quá trình phẫu thuật các bác sỹ phát hiện vùng thân vị phía bờ cong nhỏ có nhiều mao mạch giãn đang chảy máu nên đã dùng kỹ thuật Argon Plasma (Argon Plasma Coagulation-APC) phun vào vị trí các mao mạch đang chảy.

Thời gian can thiệp chỉ kéo dài 5 phút. Sau thủ thuật, tình trạng xuất huyết ổn định, bệnh nhân tiếp tục điều trị tại khoa Tiêu hóa. Lượng huyết sắc tố tăng lên 9g/dl. Ngày 4/11, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân đã ổn định, tiêu phân vàng, da niêm hồng, sinh tồn ổn định và dự kiến xuất viện trong ngày.

Theo bác sỹ chuyên khoa II Bồ Kim Phương (Trưởng khoa Tiêu hóa), nội soi điều trị bệnh lý xuất huyết tiêu hóa do loét dạ dày tá tràng ngày càng phát triển với nhiều phương pháp như: tiêm cầm máu, đốt điện cầm máu, kẹp cầm máu và gần đây là phương pháp cầm máu bằng phun chất bột Hemospray. Hầu hết các phương pháp đều có hiệu quả cầm máu cao khoảng 90%, từ đó làm giảm xuất huyết tái phát, giảm tỷ lệ phẫu thuật và giảm tỷ lệ tử vong.

Tuy nhiên, với tổn thương có nhiều mao mạch đang chảy máu thì kỹ thuật đông bằng APC là kỹ thuật cầm máu tối ưu. Đây là kỹ thuật cầm máu sử dụng năng lượng nhiệt từ đầu dò có dẫn khí trơ argon được ion hóa thành plasma. Phương pháp này ít gây tai biến do sức xuyên thấu của đầu dò với niêm mạc ống tiêu hóa nhỏ hơn 5mm, được áp dụng rất tốt với các tổn thương do dị dạng mạch máu của ống tiêu hóa.

Qua ca phẫu thuật này, các bác sỹ đưa ra lời khuyên, bệnh nhân dùng thuốc kháng viêm, giảm đau lâu dài nên được tầm soát vi khuẩn H.Pyloi để điều trị kịp thời, tránh tình trạng viêm nặng và xuất huyết. Các thuốc kháng viêm có các tác dụng phụ nguy hiểm, có thể gây ra những tác hại nghiêm trọng đến cơ thể người sử dụng (đặc biệt với nhóm NSAID và nhóm corticosteroid). Do đó, người bệnh không được tự ý sử dụng thuốc kháng viêm mà phải tuân theo đúng chỉ định của thầy thuốc.

                                                                                                                  Ánh Tuyết

Đọc tiếp cùng chuyên mục

Điều khác biệt của mùa sốt xuất huyết năm nay

Điều khác biệt của mùa sốt xuất huyết năm nay

Y học thường thức - 06/08/2024

Điều khác biệt của mùa sốt xuất huyết năm nay

Xuất hiện ổ dịch bệnh sởi tại Đắk Lắk

Xuất hiện ổ dịch bệnh sởi tại Đắk Lắk

Y học thường thức - 16/07/2024

Xuất hiện ổ dịch bệnh sởi tại Đắk Lắk

Xử trí kiến ba khoang đốt, tránh để lại sẹo thâm

Xử trí kiến ba khoang đốt, tránh để lại sẹo thâm

Y học thường thức - 03/07/2024

Xử trí kiến ba khoang đốt, tránh để lại sẹo thâm

Trẻ béo phì có vệt đen vùng cổ, có đáng lo?

Trẻ béo phì có vệt đen vùng cổ, có đáng lo?

Y học thường thức - 28/05/2024

Trẻ béo phì có vệt đen vùng cổ, có đáng lo?

Chớ chủ quan với bệnh giời leo

Chớ chủ quan với bệnh giời leo

Y học thường thức - 02/05/2024

Chớ chủ quan với bệnh giời leo

Bảng thống kê bệnh nhân nhiễm bệnh nCoV các quốc gia trên thế giới