Đại dịch thay đổi thế giới năm 2020

Khi thế giới chuẩn bị bước vào thập kỷ mới tiệc tùng và pháo hoa ngày 1/1, ít ai tưởng tượng điều gì đang chờ đợi phía trước trong năm 2020.

Suốt 12 tháng qua, Covid-19 làm tê liệt nền kinh tế, tàn phá nhiều cộng đồng và khiến gần 4 tỷ người phải ở trong nhà. Năm 2020 đã thay đổi thế giới theo cách chưa từng có tiền lệ, kể từ Thế chiến Thứ hai.

Hơn 1,6 triệu người chết, ít nhất 72 triệu người nhiễm nCoV. Con số thực tế có thể cao hơn nhiều. Trẻ em bỗng mồ côi, người cao tuổi qua đời và nhiều bệnh nhân phải ra đi cô độc trong bệnh viện, bởi thăm viếng là quá nguy hiểm.

Sten Vermund, chuyên gia dịch tễ học bệnh truyền nhiễm, hiệu trưởng Trường Y tế Công cộng Yale, cho biết: "Đây là trải nghiệm về đại dịch duy nhất trong cuộc đời mỗi người trên hành tinh. Nó ảnh hưởng đến gần như tất cả mọi người".

Covid-19 không phải đại dịch chết chóc nhất lịch sử. Bệnh dịch hạch thế kỷ 14 đã xóa sổ một phần tư dân số. Ít nhất 50 triệu người tử vong trong dịch Cúm Tây Ban Nha năm 1918-1919. Bệnh AIDS cướp đi mạng sống của 33 triệu dân.

Song người ta có thể nhiễm nCoV một cách dễ dàng chỉ qua hơi thở.

"Tôi đã trở về từ cõi chết. Tôi tận mắt chứng kiến những người khác không thể hồi phục, điều này ảnh hưởng lớn đến tôi", Wan Chunhui, một bệnh nhân Covid-19 người Trung Quốc sống sót sau 17 ngày nằm viện, chia sẻ.

Vào ngày 31/12, khi Covid-19 còn chưa có tên gọi, khó ai lường được quy mô của thảm họa toàn cầu này. Trung Quốc khi công bố 27 trường hợp "viêm phổi do virus không rõ nguồn gốc", khiến bác sĩ ở thành phố Vũ Hán bối rối.

Ngày hôm sau, chính quyền lặng lẽ đóng cửa chợ hải sản Hoa Nam có liên quan đến ổ bệnh. Đến ngày 7/1, giới chức Trung Quốc thông báo đã xác định được loại virus mới, sau này được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đặt tên là SARS-CoV2, song khi ấy người ta đã quen với tên gọi ban đầu là nCoV. Bốn hôm sau, Trung Quốc ghi nhận ca tử vong đầu tiên. Chỉ trong ít ngày, khắp châu Á, Pháp và Mỹ bắt đầu thông báo về các ca nhiễm lẻ tẻ.

Cuối tháng 1, nhiều nước đã cho công dân từ Trung Quốc hồi hương và bắt đầu đóng cửa biên giới. Hơn 50 triệu người ở tỉnh Hồ Bắc, Vũ Hán, phải sống trong cảnh cách ly.

Dịch bệnh và phong tỏa

Ngày 31/1, AFP ghi nhận hình ảnh một người đàn ông nằm chết bên ngoài cửa hàng đồ nội thất ở Vũ Hán, vẫn còn đeo khẩu trang và cầm túi nilon. Bức ảnh đủ để gói gọn tình cảnh hoảng loạn đang bao trùm khắp thành phố. Tiêu biểu cho nỗi kinh hoàng còn là cụm dịch siêu lây nhiễm trên con tàu Diamond Princess, khiến hơn 700 người nhiễm virus và 13 người tử vong.

Khi dịch bệnh lan ra toàn cầu, cuộc chạy đua điều chế vaccine được khởi động. Công ty công nghệ sinh học nhỏ của Đức, BioNTech, lặng lẽ gác lại công việc nghiên cứu ung thư và bắt đầu một dự án khác với tên gọi "Tốc độ Ánh sáng".

Một người đàn ông nằm chết trên vỉa hè, trước cửa hàng đồ nội thất ở Vũ Hán, ngày 31/1. Ảnh: AFP
Một người đàn ông nằm chết trên vỉa hè, trước cửa hàng đồ nội thất ở Vũ Hán, ngày 31/1. Ảnh: AFP

Đến ngày 11/3, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chính thức đặt tên đại dịch là Covid-19. Bốn ngày sau đó, Pháp ghi nhận ca tử vong vì virus đầu tiên bên ngoài châu Á. Châu Âu kinh hoàng chứng kiến miền bắc Italy trở thành tâm dịch.

Orlando Gualdi, thị trưởng Vertova, nơi có 36 người chết trong 25 ngày, than thở: "Nó còn tồi tệ hơn cả chiến tranh. Thật vô lý khi nghĩ rằng 2020 có thể trở thành một năm đại dịch thế này".

Italy, Tây Ban Nha, Pháp và Anh lần lượt áp lệnh phong tỏa. Mỹ đóng cửa biên giới với Trung Quốc và phần lớn châu Âu. Lần đầu tiên trong thời bình, Thế vận hội Mùa hè bị hoãn.

Giữa tháng 4, 3,9 tỷ người trên hành tinh sống dưới tình trạng giãn cách xã hội. Từ Paris đến New York, từ Delhi đến Lagos, từ London đến Buenos Aires, đường phố im lặng một cách kỳ lạ. Tiếng còi xe cấp cứu trở nên quen thuộc, như lời nhắc nhở về cái chết cận kề.

Trong nhiều thập kỷ, các nhà khoa học đã cảnh báo về một đại dịch toàn cầu, song ít người lắng nghe. Các quốc gia, dù giàu có, lúng túng và chật vật khi phải đối mặt với kẻ thù vô hình. Dưới nền kinh tế toàn cầu hóa, các chuỗi cung ứng ngừng hoạt động. Kệ hàng siêu thị bị những người hoảng loạn "vét sạch".

Y tế yếu kém, thực trạng thiếu đầu tư hệ thống cho chăm sóc sức khỏe bị phơi bày một cách trần trụi. Các bệnh viện vật lộn đối phó khi khu hồi sức tích cực quả tải. Nhân viên y tế được trả lương thấp, làm việc kiệt sức, chiến đấu mỗi ngày mà không có thiết bị bảo hộ.

Tại New York, thành phố có nhiều tỷ phú nhất thế giới, các bác sĩ phải mặc nilon lót thùng rác thay áo bảo hộ. Bệnh viện dã chiến được dựng ở Công viên Trung tâm. Những ngôi mộ tập thể lần lượt mọc lên ở Đảo Hart.

Thảm họa kinh hoàng

Virgilio Neto, thị trưởng Manaus, Brazil, cho biết: "Đây là cảnh tượng trong phim kinh dị. Chúng tôi không còn ở tình trạng khẩn cấp nữa mà trong thảm họa tuyệt đối".

Hàng loạt doanh nghiệp bị đóng cửa. Các trường học dừng hoạt động. Nhiều sự kiện thể thao bị hủy bỏ. Du lịch thương mại và ngành hàng không chứng kiến mức sụt giảm lớn nhất lịch sử.

Những người có điều kiện làm việc tại nhà. Các cuộc họp, công tác và cả tiệc tùng được thực hiện qua màn hình máy tính. Những nhân công không thể chuyển đổi cách làm việc thường bị sa thải, hoặc buộc phải mạo hiểm sức khỏe của mình.

Tháng 5, đại dịch khiến 20 triệu người Mỹ thất nghiệp, gây suy thoái nền kinh tế toàn cầu và có thể đẩy 150 triệu người vào cảnh nghèo cùng cực vào năm 2021, Ngân hàng Thế giới cảnh báo.

Tình trạng bất bình đẳng xã hội bộc lộ rõ hơn bao giờ hết. Những cái ôm hôn, bắt tay, sự tương tác của con người diễn ra sau tấm kính, khẩu trang hay nước rửa tay. Số vụ bạo hành tăng vọt, kéo theo đó là vấn đề về sức khỏe tâm thần.

Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới nhưng không có dịch vụ chăm sóc sức khỏe cộng đồng, nhanh chóng bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Hơn 300.000 người đã chết trong khi Tổng thống Donald Trump tuyên truyền về các phương pháp điều trị có vấn đề như thuốc sốt rét hydroxychloroquine.

Chính phủ Mỹ khởi động Chiến dịch Thần tốc, chi 11 tỷ USD để phát triển vaccine Civid-19 đến cuối năm. Trump coi đây là nỗ lực lớn nhất của Mỹ kể từ Thế chiến Thứ hai.

Tháng 10, Tổng thống Trump nhiễm nCoV. Trước đó, hồi tháng 4, Thủ tướng Anh Boris Johnson cũng mất 4 ngày điều trị Covid-19 trong khu hồi sức tích cực. Dịch bệnh lây lan các ngôi sao và tuyển thủ nổi tiếng như Tom Hanks, Cristiano Ronaldo, Novak Djokovic, Madonna...

Cuộc đua vaccine và chiến dịch tiêm chủng lịch sử

Khi năm 2020 sắp kết thúc, chính phủ các nước nỗ lực tiêm chủng cho hàng triệu dân, khởi đầu với người già, nhân viên y tế và những người dễ bị tổn thương bởi virus. Đây là bước đệm trước khi tiêm chủng đại trà, vốn được coi là chuyến tàu duy nhất đưa cuộc sống của nhân loại trở lại bình thường.

Ngày 2/12, Anh trở thành quốc gia phương tây đầu tiên phê duyệt vaccine Covid-19 của Pfizer-BioNTech và triển khai chiến dịch tiêm chủng với tên gọi V-day (Ngày Vaccine). Mỹ nhanh chóng theo sau, chấp thuận các mũi tiêm của hãng vào 11/12 và triển khai tiêm phòng hôm 14/12.

Margaret Keenan, cụ bà người Anh, người đầu tiên tiêm vaccine, cho biết: "Nếu tôi có thể tiêm chủng ở tuổi 90, bạn cũng có thể".

Margaret Keenan, cụ bà 90 tuổi, là người Anh đầu tiên tiêm vaccine Pfizer, ngày 8/12. Ảnh: AFP
Margaret Keenan, cụ bà 90 tuổi, là người Anh đầu tiên tiêm vaccine Pfizer, ngày 8/12. Ảnh: AFP

Hệ lụy lâu dài của đại dịch hiện chưa rõ ràng. Một số chuyên gia cảnh báo thế giới có thể mất nhiều năm để đạt được miễn dịch cộng đồng thông qua tiêm chủng hàng loạt, đặc biệt là khi nhiều nước đối mặt với tư tưởng chống vaccine cố hữu. Số khác dự đoán cuộc sống có thể trở lại bình thường vào giữa năm sau.

Nhiều người chờ đợi những thay đổi linh hoạt trong cách làm việc và tăng cường tương tác thông qua công nghệ số, đồng thời bản địa hóa chuỗi cung ứng. Du lịch có thể được nối lại, song chưa chắc chắn sẽ nhanh chóng như thế nào.

"Tôi nghĩ sẽ có những thay đổi sâu sắc trong xã hội chúng ta", Sten Vermund cảnh báo.

Nền kinh tế thế giới đang trong giai đoạn khó khăn. Quỹ Tiền tệ Quốc tế cảnh báo về cuộc suy thoái tồi tệ hơn khủng hoảng tài chính năm 2008. Song đối với nhiều người, đại dịch chỉ là một chấm nhỏ trong chuỗi những thảm họa chết chóc, thách thức và làm thay đổi cuộc sống nhiều hơn.

Nhà sinh học thiên văn Lewis Dartnell, tác giả cuốn The Knowledge, nhận định: "Covid-19 là cơn sóng lớn đang tấn công chúng ta và đằng sau nó là đợt sóng thần do biến đổi khí hậu và sự nóng lên toàn cầu".

Thục Linh (Theo AFP)

Đọc tiếp cùng chuyên mục

Điều khác biệt của mùa sốt xuất huyết năm nay

Điều khác biệt của mùa sốt xuất huyết năm nay

Y học thường thức - 06/08/2024

Điều khác biệt của mùa sốt xuất huyết năm nay

Xuất hiện ổ dịch bệnh sởi tại Đắk Lắk

Xuất hiện ổ dịch bệnh sởi tại Đắk Lắk

Y học thường thức - 16/07/2024

Xuất hiện ổ dịch bệnh sởi tại Đắk Lắk

Xử trí kiến ba khoang đốt, tránh để lại sẹo thâm

Xử trí kiến ba khoang đốt, tránh để lại sẹo thâm

Y học thường thức - 03/07/2024

Xử trí kiến ba khoang đốt, tránh để lại sẹo thâm

Trẻ béo phì có vệt đen vùng cổ, có đáng lo?

Trẻ béo phì có vệt đen vùng cổ, có đáng lo?

Y học thường thức - 28/05/2024

Trẻ béo phì có vệt đen vùng cổ, có đáng lo?

Chớ chủ quan với bệnh giời leo

Chớ chủ quan với bệnh giời leo

Y học thường thức - 02/05/2024

Chớ chủ quan với bệnh giời leo

Bảng thống kê bệnh nhân nhiễm bệnh nCoV các quốc gia trên thế giới