Di chứng suốt đời bởi đột quỵ
Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình ngày 18/1, cho biết ông được đưa vào viện ở giờ thứ 6 kể từ khởi phát đột quỵ não. Sau quá trình điều trị, bệnh nhân phục hồi chậm, di chứng liệt nửa người.
Một bệnh nhân khác, 64 tuổi, ba giờ trước khi vào viện đột nhiên méo miệng, nói khó, liệt nửa người trái. Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân đột quỵ não trên nền bệnh tăng huyết áp. Người này dù đến viện sớm trong giờ vàng (trước 4,5 giờ), tuy nhiên do não có ổ chảy máu nên không thể can thiệp, để lại di chứng lâu dài.
May mắn hơn hai bệnh nhân trên, một bệnh nhân 42 tuổi, vào viện trong khoảng hai giờ rưỡi kể từ khi bắt đầu đau đầu, đau vùng trán, thái dương đỉnh, hoa mắt, choáng váng, tê bì chân tay, đo huyết áp cao. Các bác sĩ kịp thời cho bệnh nhân dùng thuốc tiêu huyết khối. Sau đó, ảnh chụp cộng hưởng từ cho thấy vùng tắc mạch chỉ còn rải rác một vài điểm nhỏ, bệnh nhân hồi phục gần như hoàn toàn, ra viện chỉ sau 72 giờ điều trị.
Trung bình mỗi ngày đơn nguyên Đột quỵ khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình, tiếp nhận 4-5 bệnh nhân đột quỵ. Trong đợt rét đậm từ đầu tháng 1 đến nay, số bệnh nhân tăng gấp đôi, với 7-8 ca một ngày. Trong 40 ngày từ 1/12/2020 đến 10/1, bệnh viện tiếp nhận gần 240 bệnh nhân đột quỵ.
Bác sĩ Tạ Huy Kiên, Trưởng đơn nguyên Đột quỵ, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu, đột quỵ thường gặp ở người 50 tuổi trở lên, người có bệnh nền mạn tính như tăng huyết áp, suy tim, đái tháo đường... Nhóm người này khó thích nghi được khi thời tiết thay đổi, đặc biệt trời rét. Số người bệnh đột quỵ trẻ có xu hướng tăng, 13% bệnh nhân đột quỵ là dưới 50 tuổi.
"Nhiều người may mắn sống sót sau đột quỵ nhưng phải chịu các di chứng nặng nề, mất khả năng lao động, tạo gánh nặng cho gia đình và xã hội", bác sĩ nói.
Dấu hiệu cơ bản của đột quỵ như người bệnh đang tỉnh sẽ đột ngột lơ mơ, liệt, rối loạn ngôn ngữ, đau đầu, chóng mặt... Khi ấy cần sơ cứu kịp thời, báo cấp cứu 115, nhanh chóng đưa bệnh nhân đến viện.
Điều trị bằng thuốc tiêu huyết khối (Alteplase) là biện pháp được khuyến cáo hàng đầu cho người bệnh đột quỵ nhồi máu não giai đoạn cấp. Khi phát hiện dấu hiệu đột quỵ, cần nhanh chóng đưa người bệnh đi cấp cứu càng sớm càng tốt, tốt nhất trong 4 đến 5 giờ đầu.
Bác sĩ Kiên khuyến cáo giữ ấm cơ thể, kiểm soát các bệnh lý nền, đặc biệt là huyết áp, đái tháo đường, tăng mỡ máu và các bệnh lý về đường hô hấp, hạn chế các yếu tố nguy cơ như uống rượu bia, hút thuốc lá, uống cà phê, stress và sang chấn tâm lý đột ngột...
Thúy Quỳnh - Nguyễn Tuyết
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Điều khác biệt của mùa sốt xuất huyết năm nay
Y học thường thức - 06/08/2024
Điều khác biệt của mùa sốt xuất huyết năm nay
Xuất hiện ổ dịch bệnh sởi tại Đắk Lắk
Y học thường thức - 16/07/2024
Xuất hiện ổ dịch bệnh sởi tại Đắk Lắk
Xử trí kiến ba khoang đốt, tránh để lại sẹo thâm
Y học thường thức - 03/07/2024
Xử trí kiến ba khoang đốt, tránh để lại sẹo thâm
Trẻ béo phì có vệt đen vùng cổ, có đáng lo?
Y học thường thức - 28/05/2024
Trẻ béo phì có vệt đen vùng cổ, có đáng lo?
Chớ chủ quan với bệnh giời leo
Y học thường thức - 02/05/2024
Chớ chủ quan với bệnh giời leo