Điều chế vaccine Covid-19 dạng xịt mũi

Nhiều chuyên gia cho rằng đối với các mầm bệnh hô hấp như nCoV, vaccine dạng xông có hiệu quả hơn so với vaccine tiêm bắp.

Hầu hết vaccine Covid-19 đang trong giai đoạn nghiên cứu đều được phát triển dựa trên hình thức tiêm bắp tay. Tuy nhiên, các nhà khoa học nhận định đối với một mầm bệnh hô hấp như nCoV, vaccine dạng xông (xịt mũi) hiệu quả hơn nhiều.

Theo Tiến sĩ Avery August, chuyên gia miễn dịch, Đại học Cornell, nhiều virus xâm nhập cơ thể qua niêm mạc (các mô ướt) chạy dọc mũi, họng, phổi và đường tiêu hóa. Chúng kích hoạt phản ứng miễn dịch tự nhiên từ các tế bào và phân tử ở bộ phận đó. Vaccine tiêm bắp thường kém hiệu trong việc khơi gợi phản ứng tại niêm mạc. Thay vào đó, chúng huy động tế bào miễn dịch từ các phần khác trong cơ thể đến vị trí nhiễm trùng.

Chính vì vậy, các nhà khoa học tin rằng việc phát triển vaccine dạng xông hoặc xịt mũi song song với vaccine tiêm bắp là điều hợp lý.

Một bé gái tại Saint Leonard được sử dụng vaccine dạng xịt mũi ngừa cúm mùa. Ảnh: AP
Một bé gái tại Saint Leonard được sử dụng vaccine dạng xịt mũi ngừa cúm mùa. Ảnh: AP

Một nhóm nghiên cứu, tập hợp chuyên gia từ Mỹ, Canada và Hà Lan đang tiến hành phát triển vaccine Covid-19 dạng xịt mũi. Trong khi đó, công ty công nghệ sinh học Vaxart bắt đầu điều chế vaccine đường uống, đưa thuốc thẩm thấu vào lớp xốp của ruột - một bề mặt giàu chất nhầy khác.

Họ kỳ vọng chúng có hiệu quả cao hơn hoặc ít nhất là ngang bằng với các sản phẩm tiêm bắp truyền thống, tấn công toàn diện nCoV khi virus mới bắt đầu xâm nhập vào cơ thể.

Trong kịch bản lý tưởng, cả hai loại vaccine sẽ tạo ra phản ứng miễn dịch trong máu, kích thích tế bào bạch cầu lympho B sinh kháng thể. Trong khi đó, tế bào lympho T sẽ hỗ trợ, tổ chức phản ứng miễn dịch nhanh, tìm kiếm và tiêu diệt mầm bệnh.

Cơ chế này là nền tảng cho sự thành công của vaccine bại liệt đường uống, giúp thế giới loại trừ căn bệnh từng là nỗi ám ảnh.

Các loại vaccine tiêm bắp vẫn đủ hiệu quả thúc đẩy phản ứng miễn dịch của cơ thể, phần lớn đều có tác dụng, chẳng hạn vaccine bệnh cúm mùa. Tuy nhiên, giữa đại dịch, việc chỉ dựa vào một chiến lược để ngăn ngừa sự lây lan của căn bệnh có thể khá rủi ro.

"Vấn đề cốt yếu là thời gian", Tiến sĩ Deepta Bhattacharya, chuyên gia miễn dịch, Đại học Arizona, nhận định.

Nếu không có phản ứng niêm mạc mạnh, vaccine tiêm bắp khó tạo ra miễn dịch khử trùng - hiện tượng trong đó mầm bệnh được thanh lọc khỏi cơ thể trước khi lây nhiễm tế bào.

Tuy nhiên, các loại vaccine nhắm mục tiêu vào virus tại chất nhầy niêm mạc đều có nhược điểm riêng. Ví dụ FluMist, loại vaccine dạng xịt ngăn ngừa cúm, được chứng minh là hiệu quả bảo vệ trẻ nhỏ, nhưng lại hoạt động kém hơn ở người lớn. Việc điều chế vaccine xông từ virus bất hoạt hoặc vật chất di truyền (RNA) có phần ít rủi ro, song công thức đôi khi quá yếu để kích thích phản ứng miễn dịch lâu dài.

Thục Linh (Theo NY Times)

Đọc tiếp cùng chuyên mục

Mắc rối loạn hoang tưởng, người vợ luôn ám ảnh chồng ngoại tình

Mắc rối loạn hoang tưởng, người vợ luôn ám ảnh chồng ngoại tình

Y học thường thức - 23/04/2024

Mắc rối loạn hoang tưởng, người vợ luôn ám ảnh chồng ngoại tình

Hi hữu phát hiện cụ bà có 2 bàng quang

Hi hữu phát hiện cụ bà có 2 bàng quang

Y học thường thức - 15/04/2024

Hi hữu phát hiện cụ bà có 2 bàng quang

Lý do gia tăng người trẻ mắc tiểu đường

Lý do gia tăng người trẻ mắc tiểu đường

Y học thường thức - 08/04/2024

Lý do gia tăng người trẻ mắc tiểu đường

Gia tăng người già, trẻ nhỏ nhập viện vì thời tiết

Gia tăng người già, trẻ nhỏ nhập viện vì thời tiết

Y học thường thức - 19/03/2024

Gia tăng người già, trẻ nhỏ nhập viện vì thời tiết

Nguy kịch tính mạng do điều trị basedow sai cách

Nguy kịch tính mạng do điều trị basedow sai cách

Y học thường thức - 10/03/2024

Nguy kịch tính mạng do điều trị basedow sai cách

Bảng thống kê bệnh nhân nhiễm bệnh nCoV các quốc gia trên thế giới