Điều dưỡng cải tiến máy chạy thận
Anh Lập làm điều dưỡng khoa Thận - Lọc máu, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, hơn 5 năm. Nhiệm vụ của anh là vận hành máy chạy thận nhân tạo, chăm sóc bệnh nhân trong khoảng thời gian lọc máu.
Anh cho biết khoa Thận - Lọc máu có 26 máy chạy thận nhân tạo, hoạt động liên tục bốn ca mỗi ngày. Một chu trình chạy thận dài khoảng bốn tiếng, chưa kể thời gian vệ sinh giữa ca. Mỗi lần chạy thận xong đều bắt buộc phải rửa quả lọc bằng axit trước khi sử dụng cho bệnh nhân kế tiếp.
Tuy nhiên, máy không có hệ thống thải chất thải riêng biệt. Lượng nước thải khoảng hai lít sẽ được dẫn từ máy vào xô hứng. Hộ lý là người xách xô nước này đi đổ vào ống thải chính bên ngoài và ngâm rửa xô bằng chất tẩy rồi mới tái sử dụng.
Với khoảng 100 lượt bệnh nhân chạy thận mỗi ngày, lượng nước thải lên đến 200 lít. Hộ lý phải tiếp xúc trực tiếp với chất thải độc hại, đi lại hàng trăm lượt mới xử lý xong. Thêm vào đó, cách làm thủ công mang đến nhiều bất lợi, như mỗi máy cần kèm một xô bên cạnh, lượng nước thải từ trên cao đổ xuống khiến nước bẩn văng ra sàn, làm mất vệ sinh nhiễm khuẩn. Đã có trường hợp sàn nhà ướt, hộ lý bị ngã, đổ nước thải ra sàn. Xô không có nắp đậy, mùi khí thải khó chịu lan ra cả phòng.
Từ đây, ý tưởng chế tạo một hệ thống dẫn chất thải trực tiếp bên ngoài máy chạy thận nhân tạo đến ống thải chính đã nhen nhóm. Năm 2018, điều dưỡng Lập bắt đầu tìm hiểu và chế tạo. Được sự giúp đỡ từ đồng nghiệp ở Nhật Bản và mất khoảng nửa năm để thử các vật liệu khác nhau, cuối cùng anh thiết kế thành công chiếc phễu hứng nước thải bằng inox không gỉ, ống dẫn làm bằng nhựa chống ăn mòn có khóa. Mọi tồn tại lúc trước được xử lý gần như triệt để.
Khi phòng Chạy thận nhân tạo khi áp dụng sáng kiến này, các điều dưỡng và hộ lý giảm bớt lượng công việc. Phễu và ống dẫn được vệ sinh sau mỗi ca chạy thận, tương tự cách làm cũ. Cuối ngày chúng được ngâm trong chất tẩy rửa đặc hiệu 15 phút ngay tại chỗ mà không cần tháo rời bộ phận nào. Điều dưỡng chỉ việc khóa ống dẫn, đổ chất tẩy rửa và xả sạch. Quá trình vệ sinh máy móc trở nên thuận tiện, nhanh chóng. Tình trạng nhiễm khuẩn, bảo đảm an toàn chống lây nhiễm chéo cho bệnh nhân chạy thận nhân tạo vốn có sức đề kháng yếu. Không gian phòng trở nên gọn gàng, sạch sẽ hơn.
Bác sĩ Trương Công Minh, Trưởng phòng Quản lý chất lượng, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương cho hay, khi nghiệm thu sáng kiến, hội đồng khoa học bệnh viện tương đối lo lắng. Môi trường lọc thận nhiều axit, rõ ràng thủy tinh được xem là "chuẩn" nhất, có độ trơ cao, ít bị ăn mòn. Song, quá trình thử nghiệm, chất liệu inox y tế không gỉ mà điều dưỡng Lập lựa chọn đã chứng minh hiệu quả. Sau hơn hai năm vận hành, với khoảng 30.000 lượt sử dụng, chỉ có hai máy chạy thận nhân tạo cần thay phễu lọc trong khi dùng chất liệu thủy tinh tương đối dễ vỡ, khó bảo quản hơn.
Điều dưỡng Lập nói rằng một số bệnh viện sử dụng túi đựng nước tiểu y tế để thay thể xô hứng chất thải. Cách làm này giúp đảm bảo yếu tố vô khuẩn tốt hơn. Đối với bệnh nhân suy thận mạn điều kiện kinh tế khó khăn, mỗi tuần dùng ba chiếc túi như vậy sẽ tăng thêm gánh nặng cho họ. Thêm vào đó, chất thải y tế nhiều hơn cũng gây áp lực cho quá trình xử lý.
"Cả phễu và ống dẫn chỉ tốn khoảng hơn một triệu đồng, tái sử dụng được ít nhất hai năm giúp tiết kiệm cho cả bệnh nhân và bệnh viện", điều dưỡng Lập nói.
Thư Anh
Tin lên quan
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Điều khác biệt của mùa sốt xuất huyết năm nay
Y học thường thức - 06/08/2024
Điều khác biệt của mùa sốt xuất huyết năm nay
Xuất hiện ổ dịch bệnh sởi tại Đắk Lắk
Y học thường thức - 16/07/2024
Xuất hiện ổ dịch bệnh sởi tại Đắk Lắk
Xử trí kiến ba khoang đốt, tránh để lại sẹo thâm
Y học thường thức - 03/07/2024
Xử trí kiến ba khoang đốt, tránh để lại sẹo thâm
Trẻ béo phì có vệt đen vùng cổ, có đáng lo?
Y học thường thức - 28/05/2024
Trẻ béo phì có vệt đen vùng cổ, có đáng lo?
Chớ chủ quan với bệnh giời leo
Y học thường thức - 02/05/2024
Chớ chủ quan với bệnh giời leo