Dự báo sau Covid-19 là 'đại dịch' trẻ nghiện thiết bị điện tử
John Reichert kết thúc tranh cãi nảy lửa với con trai 14 tuổi James bằng câu nói: "Bố đã thất bại trong việc dạy dỗ con".
Trong thời gian giãn cách xã hội, trường học đóng cửa, ông Reichert, như những cha mẹ khác, để con mình dành hàng giờ chơi điện tử và dùng mạng xã hội. Từ cậu trai thích đạp xe leo núi, chơi bóng rổ, James giờ đây sử dụng điện thoại 40 tiếng một tuần. Cậu bé nói điện thoại là điều quan trọng nhất cuộc đời mình.
Gần một năm từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, các phụ huynh trên toàn thế giới chứng kiến con cái lệ thuộc dần vào công nghệ. Nhiều người cho phép trẻ sử dụng điện thoại để giải trí, giải tỏa năng lượng do các hoạt động ngoài trời bị hạn chế. Lớp học online cũng khiến máy tính trở nên cần thiết hơn.
Keith Humphreys, giáo sư tâm lý tại Đại học Stanford, cựu cố vấn cấp cao về chính sách ma túy của Tổng thống Barack Obama, cho biết: "Trong tương lai sẽ có vô số trẻ em, thanh thiếu niên trải qua quá trình ‘cai nghiện’, khi chúng buộc phải tập trung vào hoạt động xã hội thông thường mà không được chơi điện tử hay dùng mạng xã hội".
Theo các chuyên gia, não bộ trẻ em và thiếu niên có thể thay đổi để thích nghi hoàn cảnh, giúp chúng trở lại hoạt động thể chất dễ dàng sau khi đại dịch kết thúc. Song việc này sẽ khó khăn hơn nếu trẻ dành quá nhiều thời gian đắm chìm trong thế giới ảo.
Tiến sĩ Jenny Radesky, bác sĩ nhi khoa nghiên cứu vấn đề sử dụng điện thoại ở trẻ em tại Đại học Michigan, cho biết vào đầu dịch, các bậc cha mẹ không cảm thấy tội lỗi khi cho con sử dụng thiết bị công nghệ. Song đó là khi họ chưa biết lệnh giãn cách kéo dài lâu đến vậy.
"Tôi khuyến khích các gia đình tắt Wifi, ngoại trừ vào giờ học. Sẽ rất khó để thay đổi thói quen khi bọn trẻ đã duy trì chúng quá lâu", cô nói.
Không chỉ thiếu niên, trẻ dưới 10 tuổi cũng dành nhiều thời gian cho trò chơi điện tử. Một ứng dụng phổ biến đối với trẻ 9-12 tuổi tại Mỹ là Roblox ghi nhận lượng người dùng tăng 82% so với năm 2019.
Theo Qustodio, công ty theo dõi tần suất thiết bị công nghệ, trên toàn thế giới, thời gian sử dụng của trẻ từ 4 đến 15 tuổi vào tháng 5/2020 tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2019. Hoạt động khác bị hạn chế buộc chúng phải dùng điện thoại hoặc máy tính. Đây cũng là nơi các em học tập và giao lưu với bạn bè. Nhiều công ty công nghệ vì thế dùng chiến thuật kiếm lời như tặng tiền ảo hay đặc quyền nếu người dùng duy trì tần suất truy cập hàng ngày.
Tiến sĩ Dimitri Christakis, giám đốc Trung tâm Sức khỏe, Hành vi và Phát triển của Trẻ em tại Viện Nghiên cứu về Trẻ em ở Seattle, cho biết: "Đây như một món quà dành cho các nhà phát triển ứng dụng. Chúng ta trao cho họ đối tượng dễ bị ảnh hưởng nhất: con cái chúng ta".
Dùng quá nhiều điện thoại, máy tính có thể gây ra lo lắng, trầm cảm, gây hấn, nghiện công nghệ hay bệnh thể chất như béo phì. Theo nghiên cứu, lạm dụng internet không phải nguyên nhân trực tiếp gây bệnh. Việc sử dụng các thiết bị công nghệ thay thế hoạt động thể chất hay các tương tác xã hội khiến trẻ mất đi các kỹ năng cần thiết.
Song trong đại dịch, nhiều bậc phụ huynh không còn sự lựa chọn nào khác. Paraskevi Briasouli, bà mẹ 4 con, than phiền: "Nếu tôi không cho chúng dùng điện thoại thì chúng sẽ làm gì? Xếp hình? Học may? Học đan? Tôi không biết nên xử lý thế nào".
Tại gia đình cô, thiết bị công nghệ đã thay thế các hoạt động thể thao mỗi buổi chiều. Thời gian sử dụng Internet tăng tới 70% vào cuối tuần. Trước đại dịch, thỉnh thoảng con trai 8 tuổi sẽ sử dụng Ipad Pro của bố. Nhưng hiện tại, cậu và em gái 6 tuổi đều sở hữu iPad mini của riêng mình. Trái với vợ, ông Jesse Tayler tin rằng con cái đang trở thành những công dân của kỷ nguyên số, khi mọi mặt cuộc sống được điều khiển bởi thiết bị công nghệ.
Tháng trước, báo cáo về các hành vi gây nghiện đã kết luận: "Lạm dụng công nghệ chính là hệ quả của Covid-19".
Hải Chi (Theo NY Times)
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Điều khác biệt của mùa sốt xuất huyết năm nay
Y học thường thức - 06/08/2024
Điều khác biệt của mùa sốt xuất huyết năm nay
Xuất hiện ổ dịch bệnh sởi tại Đắk Lắk
Y học thường thức - 16/07/2024
Xuất hiện ổ dịch bệnh sởi tại Đắk Lắk
Xử trí kiến ba khoang đốt, tránh để lại sẹo thâm
Y học thường thức - 03/07/2024
Xử trí kiến ba khoang đốt, tránh để lại sẹo thâm
Trẻ béo phì có vệt đen vùng cổ, có đáng lo?
Y học thường thức - 28/05/2024
Trẻ béo phì có vệt đen vùng cổ, có đáng lo?
Chớ chủ quan với bệnh giời leo
Y học thường thức - 02/05/2024
Chớ chủ quan với bệnh giời leo