Giải mã các ca bệnh Covid-19 nặng nhất
Từ khi đại dịch đạt cao điểm, số bệnh nhân đủ nhiều để tiến hành so sánh, các nhà khoa học bắt đầu tìm kiếm lời giải cho câu hỏi: Tại sao một số người mắc Covid-19 chuyển nặng nhanh chóng, trong khi số khác hồi phục dễ dàng?
Theo các nghiên cứu gần đây, ở nhiều bệnh nhân, virus dường như gây rối loạn hệ miễn dịch. Cơ thể của họ không còn đủ khả năng sắp xếp thứ tự phản ứng phù hợp để chống lại mầm bệnh. Từ đó, lượng phân tử cytokine được giải phóng ồ ạt (còn gọi là hiện tượng bão cytokine), quay lại tàn phá các mô khỏe mạnh của con người.
"Các triệu chứng kỳ lạ cũng diễn ra ở các giai đoạn bệnh khác nhau", Akiko Iwasaki, chuyên gia miễn dịch Đại học Yale, tác giả của một trong những nghiên cứu mới, xuất bản trên Tạp chí Nature ngày 27/7, cho biết. Từ những phản ứng bất thường này, các nhà khoa học tìm ra cách phân biệt những người đang phục hồi với các bệnh nhân nghiêm trọng hơn nhiều. Thông tin thu được có thể giúp điều trị phù hợp cho từng cá nhân, làm giảm triệu chứng, thậm chí tiêu diệt virus trước khi nó có cơ hội gây bão cytokine.
"Nhiều công trình chỉ ra rằng chúng ta cần hành động rất sớm, điều này có thể thay đổi ‘quỹ đạo’ của căn bệnh", tiến sĩ John Wherry, Pennsylvania, tác giả của nghiên cứu công bố trên Tạp chí Science ngày 31/7, nhận định.
Khi một mầm bệnh quen thuộc như cúm mùa xâm nhập cơ thể, phản ứng miễn dịch sẽ khởi động hai cơ chế phòng thủ riêng biệt.
Đầu tiên, nó điều động kháng thể nói chung đến cơ quan virus cư trú (thường là đường hô hấp), cố gắng tiêu diệt chúng trong khi cơ thể tự tìm được hình thức bảo vệ hiệu quả hơn. Phần lớn phản ứng sớm phụ thuộc vào cytokine. Sau đó, các phân tử này sẽ rút lui, nhường chỗ cho kháng thể đặc trị và tế bào T - những "sát thủ chuyên nghiệp" đối với từng mầm bệnh nhất định.
Song đối với các bệnh nhân Covid-19 nặng, sự phối hợp bài bản này dường như bị phá vỡ. Thay vì rút lui êm đẹp, phân tử cytokine tiếp tục tấn công virus khi không còn cần thiết, vô tình làm tổn hại mô và các tế bào.
"Phản ứng viêm thường xảy ra trong quá trình nhiễm bệnh. Vấn đề trở nên nghiêm trọng khi cơ thể bạn không tự giải quyết được nó", Catherine Blish, chuyên gia miễn dịch, Đại học Stanford, cho biết.
Dù không quá rạch ròi, phản ứng của hệ miễn dịch đối với mầm bệnh được chia thành ba loại. Loại 1 định hướng chống lại virus và một số vi khuẩn xâm nhập tế bào. Loại 2 tiêu diệt ký sinh trùng và giun sán. Loại ba được kích hoạt sau khi cơ thể nhiễm nấm. Mỗi loại sử dụng các cytokine khác nhau để huy động kháng thể.
Theo tiến sĩ Iwasaki, hệ miễn dịch của người mắc Covid-19 cần tập trung thực hiện phản ứng loại 1. Nhưng trong quá trình vật lộn phục hồi, lượng "tài nguyên" đáng kể trong cơ thể họ đổ dồn cho phản ứng loại 2 và 3, dù nCoV không phải ký sinh trùng, nấm hay vi khuẩn.
"Dường như hệ miễn dịch đang bị nhiễu loạn và không thể ‘chọn một con đường’", tiến sĩ John Wherry nói.
Theo nghiên cứu của ông Wherry và các đồng nghiệp, xuất bản trên tạp chí Science ngày 15/7, để điều trị các ca mắc Covid-19 nghiêm trọng nhất, về mặt lý thuyết, bác sĩ cần "thiết lập lại trật tự hệ miễn dịch". Điều này giúp khôi phục trạng thái cân bằng của cơ thể, hồi sinh phương thức liên lạc cho tế bào. Các liệu pháp như vậy thậm chí có thể điều trị trường hợp cá biệt hơn: những người bị phóng thích cytokine ngay từ đầu, theo tiến sĩ Catherine Blish.
Tuy nhiên, điều này trên thực tế khá khó khăn. "Thách thức ở đây là cố gắng làm giảm phản ứng chứ không triệt tiêu hoàn toàn nó, đưa hệ miễn dịch về trạng thái phù hợp", Avery August, chuyên gia miễn dịch tại Đại học Cornell nói.
Yếu tố thời gian cũng rất quan trọng. Sử dụng thuốc ức chế miễn dịch quá sớm có thể làm suy yếu cơ chế phòng thủ của cơ thể, khiến nó không đủ hiệu quả chống lại mầm bệnh. Nếu dùng quá muộn, các tổn thương lớn nhất có thể đã xảy ra.
Đến nay, các phương pháp điều trị đối với bệnh nhân bị bão cytokine cho ra kết quả không nhất quán hoặc kém tác dụng. Hồi tháng 7, giới chuyên gia tìm ra loại thuốc phù hợp cho hiện tượng này là dexamethasone, thuộc dòng steroid. Thuốc có thể hạn chế hoạt động của nhiều phân tử cytokine cùng một lúc. Các thử nghiệm lâm sàng cho thấy hiệu quả nhất định. Nhược điểm của phương pháp là chỉ có thể áp dụng với các ca nhiễm nghiêm trọng. Song nhiều nhà khoa học cho rằng đây vẫn là chiến lược tốt.
Thục Linh (Theo NY Times)
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Điều khác biệt của mùa sốt xuất huyết năm nay
Y học thường thức - 06/08/2024
Điều khác biệt của mùa sốt xuất huyết năm nay
Xuất hiện ổ dịch bệnh sởi tại Đắk Lắk
Y học thường thức - 16/07/2024
Xuất hiện ổ dịch bệnh sởi tại Đắk Lắk
Xử trí kiến ba khoang đốt, tránh để lại sẹo thâm
Y học thường thức - 03/07/2024
Xử trí kiến ba khoang đốt, tránh để lại sẹo thâm
Trẻ béo phì có vệt đen vùng cổ, có đáng lo?
Y học thường thức - 28/05/2024
Trẻ béo phì có vệt đen vùng cổ, có đáng lo?
Chớ chủ quan với bệnh giời leo
Y học thường thức - 02/05/2024
Chớ chủ quan với bệnh giời leo