Giới y tế hoài nghi sức khỏe Trump xấu hơn công bố
Tiến sĩ Peter Chin-Hong, chuyên gia bệnh truyền nhiễm tại Đại học California, San Francisco, cho biết ông sẽ rất ngạc nhiên nếu Tổng thống Donald Trump hồi phục nhanh chóng như tuyên bố ban đầu của bác sĩ Nhà Trắng Sean Conley. Theo tiến sĩ Chin-Hong, điều thường xảy ra là bệnh nhân ổn định và được xuất viện, song bệnh diễn biến tồi tệ hơn nhiều và phải nhập viện trở lại.
"Chúng tôi gọi tình trạng này là ‘rơi từ vách đá’, thường xảy ra sau một tuần đến 10 ngày", ông nói.
Các chuyên gia khuyến nghị theo dõi chặt chẽ sức khỏe của Tổng thống tại bệnh viện, lưu ý các rủi ro như độ tuổi và tình trạng thừa cân. Đây là các yếu tố có thể khiến bệnh chuyển nặng nhanh chóng. Ông Trump năm nay 74 tuổi, béo phì độ một.
Nhiều bác sĩ nhấn mạnh khoảng thời gian từ 7 đến 10 ngày sau nhiễm nCoV đặc biệt quan trọng. Bệnh nhân có thể diễn tiến theo chiều hướng xấu hơn. Cơ thể một số người chống lại mầm bệnh bằng phản ứng miễn dịch quá mạnh, có thể dẫn đến tử vong.
Ông Trump đang điều trị tại Bệnh viện Quân y Walter Reed. Trong ba ngày qua, ông Trump được dùng kháng thể REGN-COV, thuốc kháng virus remdesiver, bổ sung kẽm, vitamin D, famotidine (thuốc ngăn chặn sản xuất axit dạ dày), melatonin và aspirin. Tổng thống Mỹ sốt cao, phải thở oxy, theo Sean Conley, bác sĩ Nhà Trắng thừa nhận hôm 4/10, một ngày sau khi chính ông này tuyên bố Tổng thống "khỏe hơn". Nồng độ oxy trong máu ông Trump giảm xuống 94% trong khi người khỏe mạnh trung bình là 95-100%. Nồng độ oxy là chỉ số quan trọng để biết bệnh có đang tiến triển nặng hơn hay không.
Tiến sĩ Carlos del Rio, giáo sư y khoa tại Đại học Emory ở Atlanta cho biết: "Đưa ông ấy về Bệnh viện Quân y Walter Reed điều trị là một điều đúng đắn. Bất kỳ ai trong chúng tôi từng gặp bệnh nhân Covid-19, đặc biệt ở độ tuổi đó, đều biết rằng phút trước trông họ có vẻ ổn, phút sau thì không".
Giáo sư Robert Finberg, chủ nhiệm khoa y tại Đại học Y khoa Massachusetts, cho biết Covid-19 ở những người bị bệnh nặng chia làm hai giai đoạn. Đầu tiên, virus nhân lên khiến hệ thống miễn dịch phản ứng quá mức, tạo nên tình trạng 'bão cytokine' khó kiểm soát. Sau đó hóa chất do bạch cầu tiết ra dẫn đến chứng viêm nghiêm trọng, đặc biệt ảnh hưởng tim phổi. Phản ứng này có thể gây tử vong.
Ông Trump đang được điều trị với thuốc mới nhất hiện nay là kháng thể đơn dòng REGN-COV2. Chỉ vài ngày trước khi ông Trump dương tính nCoV, nhà sản xuất Regeneron lần đầu công bố một thông cáo về tính hiệu quả của sản phẩm. Trong thử nghiệm, hỗn hợp thuốc được dùng cho người mới tiếp xúc virus, đặc biệt những ai không thể tự kích hoạt phản ứng miễn dịch. Theo độ tuổi và giới tính, ông Trump nằm trong nhóm này.
REGN-COV hiện chưa được phê duyệt, cũng không được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) cấp phép khẩn cấp. Bác sĩ đôi khi sử dụng thuốc cho bệnh nhân theo chương trình cứu trợ nhân đạo.
Một số chuyên gia tỏ ra lạc quan về triển vọng của thuốc. Nhìn chung, kháng thể đơn dòng khá an toàn, từng được sử dụng cho người nhiễm HIV và Ebola.
"Nó đã được kiểm định và rủi ro rất thấp", John Moore, chuyên gia virus tại Trường Y Weill Cornell, cho biết.
Chưa rõ Tổng thống Mỹ nhiễm virus trong bao lâu. Các bác sĩ sẽ không đưa ra kết luận trước khi có xét nghiệm âm tính cuối cùng.
Tiến sĩ Finberg lưu ý cả kháng thể đơn dòng và thuốc điều trị tiêu chuẩn remdesivir đều tấn công trực tiếp nCoV. Vì vậy tốt nhất là nên sử dụng chúng sớm, khi bệnh vẫn do chính virus gây ra. Song điều chưa chắc chắn là liệu sự kết hợp của hai loại thuốc có phải cách tối ưu chống lại virus hay không.
Thục Linh (Theo NY Times)
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Điều khác biệt của mùa sốt xuất huyết năm nay
Y học thường thức - 06/08/2024
Điều khác biệt của mùa sốt xuất huyết năm nay
Xuất hiện ổ dịch bệnh sởi tại Đắk Lắk
Y học thường thức - 16/07/2024
Xuất hiện ổ dịch bệnh sởi tại Đắk Lắk
Xử trí kiến ba khoang đốt, tránh để lại sẹo thâm
Y học thường thức - 03/07/2024
Xử trí kiến ba khoang đốt, tránh để lại sẹo thâm
Trẻ béo phì có vệt đen vùng cổ, có đáng lo?
Y học thường thức - 28/05/2024
Trẻ béo phì có vệt đen vùng cổ, có đáng lo?
Chớ chủ quan với bệnh giời leo
Y học thường thức - 02/05/2024
Chớ chủ quan với bệnh giời leo