'Gửi' tinh trùng chờ ngày làm cha

Cường, 28 tuổi, ở Hà Nội, vừa lấy vợ chưa có con, không may mắc quai bị, lập tức đến bệnh viện đông lạnh tinh trùng.

Các bác sĩ lấy cho anh 6 tuýp tinh trùng để đông lạnh. Không yên tâm, một tháng sau anh đến gửi thêm, song biến chứng của quai bị khiến anh không còn tinh trùng nữa.

Bác sĩ lý giải quai bị gây biến chứng teo tinh hoàn, không còn khả năng sinh tinh, làm mất khả năng sinh sản ở nam giới. May mắn, anh Cường đến viện kịp, đã lưu trữ được tinh trùng của mình, về sau có thể chủ động có con.

Mẫu tinh trùng của anh Cường là một trong hơn 600 mẫu đang được đông lạnh tại Trung tâm Hỗ trợ sinh sản và Công nghệ mô ghép, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.

Bác sĩ Đỗ Thùy Hương cho biết người đến gửi tinh trùng tại ngân hàng của Trung tâm chủ yếu là bệnh nhân đang điều trị bệnh ung thư, người nguy cơ phẫu thuật vùng bẹn, vùng chậu. Có thanh niên, người làm ngành nghệ thuật đến đông lạnh tinh để bảo toàn chức năng sinh sản sau này. Họ sợ chất lượng tinh trùng bị suy giảm khi kết hôn muộn.

Đông lạnh tinh trùng cũng là giải pháp cho những người đã và đang có nguy cơ suy giảm chất lượng tinh dịch như viêm tinh hoàn do quai bị, giãn tĩnh mạch tinh, thường xuyên phải tiếp xúc với yếu tố độc hại do nghề nghiệp như tia xạ, hóa chất.

Một số trường hợp đã được chỉ định can thiệp hỗ trợ sinh sản, phải sử dụng kỹ thuật đông tinh để dự phòng do người chồng có lượng tinh trùng cực ít.

"Nam giới bình thường có trên 15 triệu tinh trùng trong mỗi ml tinh dịch, song nhiều người xét nghiệm chỉ có vài con", bác sĩ Hương nói.

Bác sĩ xét nghiệm mẫu tinh trùng tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Ảnh: Lê Nga.
Bác sĩ xét nghiệm mẫu tinh trùng tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Ảnh: Lê Nga.

Bảo quản lạnh tinh trùng là kỹ thuật mà trong đó mẫu tinh trùng được lưu trữ ở nhiệt độ rất thấp, thường ở - 196 độ C. Tại nhiệt độ này, các hoạt động chuyển hóa của tế bào sẽ bị ngưng trệ hoàn toàn.

Khi vợ chồng muốn có con, các bác sĩ tiến hành rã đông tinh trùng, lựa chọn những con tinh trùng tốt nhất để kết hợp với trứng của người vợ, tạo thành phôi.

Phó giáo sư Nguyễn Mạnh Hà, Phó giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản và công nghệ mô ghép, cho biết tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội có triển khai kỹ thuật bảo quản tinh trùng trong màng trong suốt của noãn. Kỹ thuật này dùng vi thao tác bắt tinh trùng đưa vào trong màng trong suốt của noãn, sau đó màng trong suốt chứa tinh trùng sẽ được đông bằng phương pháp thủy tinh hóa.

"Kỹ thuật này áp dụng cho bảo quản những mẫu tinh trùng số lượng rất ít, thậm chí chỉ có khoảng 5-10 tinh trùng, mang lại hy vọng có con cho nam giới", bác sĩ Hà nói.

Nhiều bệnh nhân gửi tinh trùng tại Trung tâm đã làm bố thành công. Như trường hợp anh Thanh 32 tuổi, quê Thanh Hóa, bị ung thư máu từ năm 2015. Anh đông lạnh tinh trùng trước khi điều trị hóa chất, dự trữ được 6 tuýp. Sau khi điều trị hóa chất, anh kiểm tra lại không còn tinh trùng.

Năm 2017, anh Thanh kết hôn. Hai vợ chồng can thiệp bằng phương pháp IUI (bơm tinh trùng vào buồng tử cung) hai lần không thành công. Đầu năm nay, anh tiến hành thụ tinh trong ống nghiệm, đạt 12 phôi. Hiện, vợ anh đã mang thai đôi 9 tuần, anh vẫn còn nhiều phôi dự trữ tại trung tâm.

Bác sĩ khuyến cáo nam giới bị bệnh lý ảnh hưởng đến khả năng sinh sản, nên dự trữ tinh trùng để chủ động thời gian làm bố. Chi phí ba triệu đồng cho lần đông tinh đầu tiên, những năm sau chỉ tốn một ít tiền bảo tồn.

Theo lý thuyết, mẫu tinh trùng có thể bảo quản trong nitơ lỏng hàng thập kỷ. Báo cáo cho thấy có trẻ ra đời bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm với tinh trùng được trữ lạnh 21 năm.

Hiện tại, Việt Nam cũng như thế giới, chưa có khuyến cáo về thời gian tối đa cho bảo quản lạnh tinh trùng.

*Tên bệnh nhân đã được thay đổi

Lê Nga

Đọc tiếp cùng chuyên mục

Chớ chủ quan với bệnh giời leo

Chớ chủ quan với bệnh giời leo

Y học thường thức - 02/05/2024

Chớ chủ quan với bệnh giời leo

Mắc rối loạn hoang tưởng, người vợ luôn ám ảnh chồng ngoại tình

Mắc rối loạn hoang tưởng, người vợ luôn ám ảnh chồng ngoại tình

Y học thường thức - 23/04/2024

Mắc rối loạn hoang tưởng, người vợ luôn ám ảnh chồng ngoại tình

Hi hữu phát hiện cụ bà có 2 bàng quang

Hi hữu phát hiện cụ bà có 2 bàng quang

Y học thường thức - 15/04/2024

Hi hữu phát hiện cụ bà có 2 bàng quang

Lý do gia tăng người trẻ mắc tiểu đường

Lý do gia tăng người trẻ mắc tiểu đường

Y học thường thức - 08/04/2024

Lý do gia tăng người trẻ mắc tiểu đường

Gia tăng người già, trẻ nhỏ nhập viện vì thời tiết

Gia tăng người già, trẻ nhỏ nhập viện vì thời tiết

Y học thường thức - 19/03/2024

Gia tăng người già, trẻ nhỏ nhập viện vì thời tiết

Bảng thống kê bệnh nhân nhiễm bệnh nCoV các quốc gia trên thế giới