Hai năm sống trong nguy hiểm của cô gái mất khứu giác
Một trong những triệu chứng lạ của Covid-19 là mất khứu giác, vị giác. Dù đó chỉ là tình trạng tạm thời nhưng cũng khiến bệnh nhân cảm thấy rất khổ sở và phiền toái trong công việc.
Trên thực tế có những người không nhiễm virus nCoV vẫn không thể cảm nhận được các mùi vị trong một thời gian kéo dài nhiều năm. Mới đây, Lucy Farrington-Smith, cô gái người Anh 25 tuổi, đã chia sẻ về căn bệnh này của mình:
Tôi bị mất khứu giác và vị giác - nhưng đó là thường trực, chứ không phải triệu chứng của Covid-19.
Một vài tháng trước, hầu như không ai biết về bệnh anosmia (mất khứu giác). Bây giờ, cùng với các cụm từ “giãn cách xã hội”, “làm việc ở nhà”, căn bệnh trên được mọi người nhắc tới hàng ngày khi đó là một trong những triệu chứng của Covid-19.
Tôi đã sống với chứng mất khứu giác trong hơn 2 năm qua. Trước khi cụm từ “bình thường mới” trở nên quen thuộc, tôi đã tự điều chỉnh thích nghi với sự “bình thường mới” của bản thân mình. Khi biết nhiều người đột nhiên bị mất vị giác và khứu giác khiến tôi có một cảm giác liên quan lạ lùng và tôi muốn giúp đỡ họ.
Tháng 3/2018, tôi nhận ra có điều gì đó không ổn. Tôi vật vã với cảm cúm suốt một tháng. Tôi nhớ mình đã tô son môi có mùi kẹo bơ nhưng không cảm thấy mùi như mọi khi. Tôi ăn bữa sáng và nhận ra vị giác của mình cũng không còn. Mẹ cam đoan với tôi mọi chuyện sẽ bình thường trở lại - sau tất cả, đó chỉ là một trận cúm.
Nhiều tuần trôi qua, tôi ra tủ bếp để lựa chọn những loại có mùi nhất: mù tạc, tỏi, cà phê. Tôi xì mùi thật mạnh tới mức chảy máu. Cuối cùng, tôi đi gặp bác sĩ đa khoa nhưng ông ấy nói: “Tôi không biết phải nói sao, tôi chưa từng gặp chuyện này bao giờ” và kê cho tôi vitamin C.
Sau nửa năm tôi không tiến triển, bác sĩ đó hướng dẫn tôi tới một chuyên gia tai mũi họng. Người này không phát hiện khối u hay dị vật bất thường nào cả - lý do chính gây ra mất khứu giác - và cho rằng tình trạng của tôi là tổn thương thần kinh.
Khi đó, chuyên gia cho rằng, tôi sẽ trở lại bình thường sau 1 năm. Nhưng giờ đây, sau 2 năm, bác sĩ vẫn không thể giải thích tại sao tôi mất đi khứu giác.
Căn bệnh này khiến tôi cảm thấy bị cách biệt. Từ chối những lời mời ăn tối hoặc uống rượu cùng bạn bè nhanh chóng trở thành bản năng của tôi khi tìm cách tránh xa khỏi những người có thể tận hưởng mùi vị.
Tôi đã chạy vào WC ở chỗ làm để khóc khi các đồng nghiệp khen ngợi chiếc bánh tự làm của một ai đó ngon thế nào. Tôi khóc khi nhớ người yêu nhưng không thể cảm nhận mùi hương của anh ấy vương trên áo tôi như trước đây.
Những ngày đầu mới mắc bệnh, tôi ở một mình trong bếp khi bật bếp ga, vòi nước đang mở. Bởi vậy, tôi không thể nghe thấy tiếng ga xì. Thật may mắn một người bạn bước vào phòng và kéo tôi ra do mùi ga nồng nặc, bốc ra ngoài sảnh. Nhưng tôi không ngửi thấy gì.
Mất khứu giác có thể gây ra những hậu quả nguy hiểm. Tôi cảm thấy không thể tin tưởng bản thân, phải học cách dựa vào gia đình và bạn bè để nói sữa đã hỏng hay khí thải của chiếc xe phía trước quá mạnh nên đừng hít thở sâu.
Tôi sẵn sàng làm bất cứ thứ gì để ngửi được mùi nước hoa của mẹ mình thêm một lần nữa - tôi từng rền rĩ mùi của nó quá mạnh.
Căn bệnh này có thể gây ra trầm cảm và khiến bạn cảm thấy bị cách ly khỏi thế giới.
Nếu bạn tạm thời gặp tình trạng này, hãy tập trung vào những điều thú vị mà các giác quan khác đem lại cho bạn. Bạn cần biết rằng mình không cô đơn. Thậm chí trong những ngày tồi tệ nhất, chúng ta vẫn phải tiếp tục kiên nhẫn chờ đợi cơn bão trôi qua cho tới khi những ngày “bình thường mới” đến.
An Yên (Theo Metro)
Tin lên quan
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Điều khác biệt của mùa sốt xuất huyết năm nay
Y học thường thức - 06/08/2024
Điều khác biệt của mùa sốt xuất huyết năm nay
Xuất hiện ổ dịch bệnh sởi tại Đắk Lắk
Y học thường thức - 16/07/2024
Xuất hiện ổ dịch bệnh sởi tại Đắk Lắk
Xử trí kiến ba khoang đốt, tránh để lại sẹo thâm
Y học thường thức - 03/07/2024
Xử trí kiến ba khoang đốt, tránh để lại sẹo thâm
Trẻ béo phì có vệt đen vùng cổ, có đáng lo?
Y học thường thức - 28/05/2024
Trẻ béo phì có vệt đen vùng cổ, có đáng lo?
Chớ chủ quan với bệnh giời leo
Y học thường thức - 02/05/2024
Chớ chủ quan với bệnh giời leo