Hiểm họa với người tăng huyết áp, đái tháo đường thời dịch
Tăng huyết áp, đái tháo đường là những căn bệnh nguy hiểm, nhất là với người cao tuổi. Nếu đường huyết, huyết áp tăng cao gây gánh nặng cho thận, khiến tim bị ảnh hưởng, giảm thị lực, tổn thương các chi...
Biến chứng tim mạch
Giáo sư Trần Hữu Dàng, Chủ tịch Hội Nội tiết và Đái tháo đường Việt Nam cho biết, biến chứng trên tim mạch là nguyên nhân gây tử vong thường gặp nhất ở bệnh nhân đái tháo đường với hai biểu hiện lâm sàng là bệnh mạch vành và đột quỵ. Khi nồng độ đường trong máu cao kéo dài qua thời gian làm hình thành các mảng xơ vữa, cục máu đông. Những cục máu đông là nguyên nhân gây tắc mạch, khiến não bị thiếu máu cục bộ, gây biến chứng tim mạch, đột quỵ.
Tăng huyết áp cũng gây biến chứng tim mạch như nhồi máu cơ tim, suy tim, tai biến mạch máu não, đột quỵ... Khi huyết áp cao đồng nghĩa với tăng áp lực của mạch máu lên thành động mạch, khiến tim phải hoạt động nhiều hơn. Những thay đổi này kéo dài gây rối loạn hệ thống dẫn truyền tim, chức năng tim khiến các cơn đau tim xuất hiện. Thống kê ở Bệnh viện Nhân dân 115 TP HCM năm 2018 cho thấy, cứ 10 người Việt bị đột quỵ lần đầu thì có tám liên quan đến huyết áp cao.
Suy thận
Thận giữ vai trò thanh lọc máu trong cơ thể nên khi lượng đường trong máu tăng cao tạo gánh nặng cho thận. Lâu ngày có thể dẫn đến thận giảm chức năng, suy thận. Thận còn có chức năng điều hòa, giữ cho huyết áp được ổn định. Huyết áp cao gây tổn thương thận, phá hủy bộ lọc ở cầu thận khiến thận không thể loại bỏ những chất cặn bã ra ngoài. Người bị huyết áp thường xuyên, lâu ngày càng có nguy cơ bị suy thận cao hơn.
Người bị đái tháo đường cần kiểm soát đường huyết với đường huyết khi đói trong khoảng 80-120mg/dL và đường huyết bất kỳ nên dưới 180mg/dL. Bệnh nhân huyết áp cao cần giữ huyết áp ở mức ổn định, uống thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ. Bên cạnh đó, điều trị các yếu tố nguy cơ như mỡ máu, giữ cân nặng ở mức hợp lý giúp những đối tượng này phòng tránh biến chứng nguy hiểm.
Suy giảm hệ miễn dịch
Những người bị đái tháo đường, cao huyết áp thường bị suy giảm hệ miễn dịch, sức đề kháng yếu. Do đó, bệnh nhân dễ bị virus, vi khuẩn tấn công, nhất là khi có dịch. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tăng huyết áp và đái tháo đường có thể làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh cũng như tỷ lệ tử vong ở bệnh nhân nhiễm Covid-19.
Báo cáo của WHO tại Trung Quốc cho thấy, tỷ lệ tử vong vì Covid-19 vào ngày 20/2 là 2.114 trong số 55.924 ca nhiễm, chiếm khoảng 1,4%. Tỷ lệ tử vong gia tăng đáng kể ở nhóm bệnh nhân tăng huyết áp (8,4%) và đái tháo đường (9,2%). Cơ quan y tế Italy hôm 17/3 đưa ra số liệu cho thấy, 355 người chết ở quốc gia này có hơn 76% bệnh nhân tử vong mắc bệnh tăng huyết áp, 36% bị đái tháo đường.
Chủ động phòng ngừa và thực hiện các khuyến cáo của chuyên gia y tế nhằm giảm thiểu tối đa các ảnh hưởng của Covid-19 với hai nhóm bệnh nhân này rất cần thiết. Giáo sư Đặng Vạn Phước, Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam cho biết, trong thời gian diễn ra Covid-19, bệnh nhân tăng huyết áp cần tuân thủ chặt chẽ các khuyến cáo. Thứ nhất, ở nhà, không giao tiếp xã hội khi không cần thiết. Thứ hai, theo dõi huyết áp thường xuyên, ghi nhận triệu chứng nếu có và báo cho bác sĩ điều trị thông qua điện thoại, các công cụ hỗ trợ trực tuyến. Thứ ba, phải uống thuốc đều, không tự ý bỏ thuốc, dừng thuốc. Các nhà thuốc vẫn mở cửa để bệnh nhân có thể mua thuốc đầy đủ trong mùa dịch.
Chủ tịch Hội Nội tiết và Đái tháo đường, Giáo sư Trần Hữu Dàng thông tin thêm, bệnh nhân đái tháo đường là đối tượng dễ bị tổn thương bởi dịch bệnh. Tuân thủ điều trị của bác sĩ và giữ lối sống lành mạnh theo các khuyến cáo rất quan trọng trong thời điểm hiện tại.
Nhằm hỗ trợ bệnh nhân tăng huyết áp và đái tháo đường, Hội Tim mạch học Việt Nam, Hội Nội tiết và Đái tháo đường Việt Nam thực hiện chương trình hỗ trợ thông tin "Khuyến cáo phòng chống Covid-19 cho bệnh nhân tăng huyết áp và đái tháo đường" trên www.ngaydautien.vn/covid19 bắt đầu từ ngày 8/4.
"Ngày đầu tiên" là dự án phi lợi nhuận dưới sự bảo trợ của Hội Tim mạch học Việt Nam, Hội Nội tiết và Đái tháo đường Việt Nam nhằm mục tiêu giúp bệnh nhân được chẩn đoán sớm và tuân thủ dài hạn. Bệnh nhân sẽ được hỗ trợ đúng bao gồm thông tin chính thống và kỹ năng cần thiết để kiểm soát các yếu tố nguy cơ tim mạch, ngăn ngừa biến cố và giảm chi phí điều trị.
Chương trình bao gồm các khuyến cáo phòng chống dịch, cách sử dụng thuốc cho bệnh nhân tăng huyết áp và đái tháo đường, tư vấn trực tuyến với sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành đến từ hai hội. Chương trình còn giúp người bệnh chủ động theo dõi các chỉ số đường huyết, huyết áp cũng như các bài tập vận động tại nhà. Nhiều bài viết cho các bệnh nhân được cập nhật thường xuyên tại wesite của chương trình.
Tại Việt Nam, dân số có xu hướng già hóa dẫn đến mô hình bệnh tật thay đổi làm gia tăng tỷ lệ bệnh tăng huyết áp và đái tháo đường. Theo thống kê của Hội Nội tiết và Đái tháo đường Việt Nam năm 2019, tiểu đường là nguyên nhân gây tử vong thứ ba ở nước ta với gần 5 triệu người mắc bệnh. Thống kê của Hội Tim mạch học Việt Nam năm 2017 cho thấy, tỷ lệ tăng huyết áp ở người lớn từ 18 tuổi trở lên là 47,5% và đang gia tăng. Cả nước hiện có khoảng 12 triệu người tăng huyết áp.
Kim Uyên
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Điều khác biệt của mùa sốt xuất huyết năm nay
Y học thường thức - 06/08/2024
Điều khác biệt của mùa sốt xuất huyết năm nay
Xuất hiện ổ dịch bệnh sởi tại Đắk Lắk
Y học thường thức - 16/07/2024
Xuất hiện ổ dịch bệnh sởi tại Đắk Lắk
Xử trí kiến ba khoang đốt, tránh để lại sẹo thâm
Y học thường thức - 03/07/2024
Xử trí kiến ba khoang đốt, tránh để lại sẹo thâm
Trẻ béo phì có vệt đen vùng cổ, có đáng lo?
Y học thường thức - 28/05/2024
Trẻ béo phì có vệt đen vùng cổ, có đáng lo?
Chớ chủ quan với bệnh giời leo
Y học thường thức - 02/05/2024
Chớ chủ quan với bệnh giời leo