Hiểu đúng về các loại xét nghiệm nCoV
Bác sĩ Hoàng Công Tình, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình, cho biết xét nghiệm RT-PCR nhằm tìm virus trong các dịch xuất tiết đường hô hấp (mũi, hầu họng, khí phế quản, phổi) của bệnh nhân; còn xét nghiệm nhanh tìm kháng thể kháng lại virus, hình thành trong máu của bệnh nhân.
"Tùy thuộc vào từng giai đoạn của bệnh, diễn biến lâm sàng và nguồn lực kinh tế mà chúng ta sử dụng một trong hai hoặc cả hai loại xét nghiệm trên cho bệnh nhân. Mỗi loại xét nghiệm đều có ưu, nhược điểm riêng", bác sĩ Tình nhấn mạnh.
Xét nghiệm RT-PCR cho phép xác định sự hiện diện của virus trong cơ thể, thường được chỉ định cho nhóm người bị phơi nhiễm trong vòng hai tuần đầu hoặc theo dõi quá trình điều trị các bệnh nhân đã được chẩn đoán nhiễm nCoV. Phương pháp này tốn kém về kinh tế, quy trình kỹ thuật phức tạp, thời gian chờ kết quả lâu.
Ngoài ra, những ngày đầu mới nhiễm, virus chưa nhân lên đủ lớn và chưa xuất hiện nhiều trong dịch đường hô hấp. Khi ấy kết quả xét nghiệm có thể âm tính mặc dù cơ thể đã bị nhiễm. Nếu kỹ thuật lấy mẫu, kỹ thuật bảo quản mẫu bệnh phẩm không đảm bảo, thì cũng cho kết quả xét nghiệm không chính xác. Hoặc, sau hai tuần bị nhiễm, xét nghiệm có thể từ dương tính chuyển thành âm tính đối với các trường hợp tự khỏi hoặc được điều trị khỏi.
Xét nghiệm tìm kháng thể kháng virus trong máu (xét nghiệm nhanh) cho phép xác định việc bệnh nhân có đang nhiễm hoặc trước đó phơi nhiễm với virus hay không. Nếu người đang nhiễm hoặc trước đó phơi nhiễm thì trong máu sẽ có kháng thể kháng nCoV.
Xét nghiệm này thường chỉ định cho các trường hợp sau hai tuần bị phơi nhiễm, thời gian đủ để cơ thể sản xuất ra kháng thể. Kỹ thuật đơn giản, chi phí ít, cho kết quả nhanh nhưng nếu làm sớm trong hai tuần đầu khi cơ thể chưa sinh ra kháng thể thì kết quả vẫn âm tính mặc dù cơ thể đã nhiễm nCoV. Trong trường hợp kết quả dương tính, cũng không thể xác định được kháng thể được sinh ra trong lần nhiễm gần đây hay lần nhiễm trong quá khứ. Khi đó, cần làm bổ sung xét nghiệm RT-PCR để có khẳng định chính xác.
Ngoài ra, xét nghiệm nhanh còn để xác định xem cơ thể có kháng thể kháng lại virus chưa. Tuy nhiên, kháng thể thường hình thành sau hai tuần bị nhiễm.
"Có nghĩa là trong hai tuần đầu bị nhiễm, xét nghiệm nhanh vẫn âm tính mặc dù cơ thể đã nhiễm. Vì vậy, những ai đi từ Đà Nẵng hoặc từ vùng dịch về trong vòng hai tuần gần đây thì xét nghiệm test nhanh không có mấy giá trị, nếu âm tính cũng không được chủ quan", bác sĩ Tình phân tích.
Do đó, nếu xét nghiệm nhanh dương tính mà xét nghiệm RT-PCR âm tính thì có thể lý giải rằng người đó đã từng phơi nhiễm với nguồn lây hoặc đã từng nhiễm bệnh và khả năng lây bệnh cho người khác không còn.
Ngược lại, nếu xét nghiệm nhanh âm tính mà xét nghiệm RT-PCR dương tính, thì khả năng người đó mới bị nhiễm bệnh trong một vài ngày gần đây (<7 ngày) và kháng thể chưa kịp hình thành trong máu.
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cũng khuyến cáo những người xét nghiệm sớm trước ngày thứ 14, nếu kết quả âm tính cũng không nên chủ quan tự phá vỡ các quy tắc cách ly. Một người nếu bị nhiễm nCoV, virus sau khi xâm nhập vào cơ thể sẽ âm thầm nhân lên đến khi đạt tải lượng nhất định thì mới phát tán ra đường hô hấp và gây triệu chứng.
"Quá trình âm thầm nhân lên của virus gọi là thời gian ủ bệnh", bác sĩ Cấp nói. Trong thời gian này, do virus chưa phát tán ra qua đường hô hấp nên các xét nghiệm vẫn có thể âm tính mặc dù cơ thể có virus. Những người này hoàn toàn có thể dương tính vào những ngày sau. Thời gian ủ bệnh của hầu hết bệnh nhân là dưới 14 ngày, nhưng vẫn có một tỷ lệ rất nhỏ có thể dài hơn.
Hiện nay, vì lý do kinh tế, kỹ thuật và thời gian cho nên xét nghiệm RT-PCR không thể làm rộng rãi trong cộng đồng. Xét nghiệm nhanh hiện nay vẫn là công cụ hữu hiệu nhất giúp cho ngành y tế chống dịch.
Do đó, nếu một người đi qua vùng có dịch hoặc tiếp xúc gần với người bệnh, việc tự cách ly và theo dõi trong 14 ngày mới là điều quan trọng nhất. Ưu tiên xét nghiệm cho những người có triệu chứng hô hấp nhằm phát hiện các ca bệnh để điều trị kịp thời. Xét nghiệm sớm khi chưa có triệu chứng lâm sàng có rất ít giá trị, gây tâm lý chủ quan, không cách ly và có thể trở thành nguồn lây cho cộng đồng nếu những ngày sau đó họ trở thành dương tính.
Người đi về từ vùng dịch không nên vội vàng đi xét nghiệm ngay với tâm lý "để cho yên tâm". Nên thông báo cho y tế địa phương để vào danh sách giám sát và được hướng dẫn tự cách ly trong 14 ngày. Trong thời gian cách ly, nếu có biểu hiện sốt, ho, đau họng, tiêu chảy... cần báo cho y tế để xét nghiệm sớm. Các trường hợp khác sẽ xét nghiệm vào ngày thứ 13-14 để khẳng định âm tính và đảm bảo an toàn trước khi tái hòa nhập cộng đồng.
"Việc cần làm nhất đối với mọi người lúc này là đeo khẩu trang, vệ sinh tay, tránh tập trung đông người, giữ khoảng cách khi tiếp xúc tối thiểu 2 m, khai báo y tế đầy đủ để giảm nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng", bác sĩ Tình khuyến cáo.
Thùy An
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Điều khác biệt của mùa sốt xuất huyết năm nay
Y học thường thức - 06/08/2024
Điều khác biệt của mùa sốt xuất huyết năm nay
Xuất hiện ổ dịch bệnh sởi tại Đắk Lắk
Y học thường thức - 16/07/2024
Xuất hiện ổ dịch bệnh sởi tại Đắk Lắk
Xử trí kiến ba khoang đốt, tránh để lại sẹo thâm
Y học thường thức - 03/07/2024
Xử trí kiến ba khoang đốt, tránh để lại sẹo thâm
Trẻ béo phì có vệt đen vùng cổ, có đáng lo?
Y học thường thức - 28/05/2024
Trẻ béo phì có vệt đen vùng cổ, có đáng lo?
Chớ chủ quan với bệnh giời leo
Y học thường thức - 02/05/2024
Chớ chủ quan với bệnh giời leo