Học ngoại ngữ 'bổ' não
Một thời gian ngắn sau khi chuyển đến California, giáo sư Kathy Jones quyết định cô cần học tiếng Tây Ban Nha. Cô mong chờ các buổi học hàng tuần và yêu thích hoạt động ngoại khóa tổ chức tại Trung tâm Văn hóa và Ngôn ngữ ở San Diego.
"Trước đại dịch, chúng tôi gặp gỡ để đi cà phê, tiệc tùng, làm đồ thủ công và du lịch khắp Mỹ Latinh. Tất cả đều nói tiếng Tây Ban Nha", cô nói. Kể từ khi chăm chỉ học tiếng, kỹ năng của cô gần như đạt đến độ trôi chảy, trí nhớ cũng nâng cao.
Theo nghiên cứu được đăng tải trên Trung tâm Thông tin Công nghệ sinh học Quốc gia (NCBI), người nói song ngữ được chẩn đoán mắc bệnh Alzheimer muộn hơn từ 4 đến 5 năm so với những người chỉ dùng một ngôn ngữ.
Để tiến hành nghiên cứu, các nhà khoa học đã thu thập dữ liệu từ 211 bệnh nhân được chẩn đoán mắc Alzheimer, ghi lại độ tuổi mà họ bắt đầu có triệu chứng suy giảm nhận thức cũng như ngôn ngữ mà họ sử dụng.
Kết quả cho thấy nói hai ngoại ngữ có thể làm chậm quá trình khởi phát bệnh đãng trí. Các yếu tố khác như trình độ học vấn, tình trạng nghề nghiệp hoặc nhân khẩu dường như không ảnh hưởng đến điều này. Ngoại ngữ trực tiếp giúp não bộ con người lưu trữ nhận thức, có thể bù đắp cho tác động của bệnh lý thần kinh.
"Càng sử dụng ngoại ngữ nhiều, bạn càng tiến bộ hơn. Điều này không có gì đặc biệt. Nhưng đồng thời, việc nói hai ngôn ngữ khiến bộ não bạn trở nên nhanh nhạy và tinh vi", tiến sĩ Ellen Bialystok, Đại học York ở Toronto, tác giả nghiên cứu, giải thích.
Thực tế, tổn thương về não bộ khi về già ảnh hưởng mạnh mẽ hơn đến những người không biết chữ và không được học hành. Song ngữ là nguồn kích thích tinh thần, cung cấp sự bảo vệ cho bộ não bị lão hóa theo thời gian.
"Tôi tin rằng nó ảnh hưởng đến hệ thống nhận thức", bà Bialystok nói.
Việc sử dụng hai hay nhiều ngôn ngữ sẽ giúp não bộ được tổ chức lại một cách hiệu quả hơn. Tiến sĩ Tamar Gollan, Trung tâm Nghiên cứu Bệnh Alzheimer của Đại học California, San Diego, giải thích khi nói một thứ tiếng, não người không thể "tắt" chế độ tư duy về ngôn ngữ còn lại. Vì vậy, nó luôn "hoạt động chăm chỉ" hơn so với bình thường.
Những người có trình độ học vấn cao hoặc có công việc đòi hỏi khắt khe được hưởng lợi tương tự. Tỷ lệ mắc bệnh Alzheimer của họ thấp hơn.
Chính vì vậy, các chuyên gia cho rằng dùng song ngữ là sự lựa chọn đúng đắn nếu muốn giữ bộ não hoạt động tốt. "Bởi ngay cả khi không nói được hai thứ tiếng, việc học ngoại ngữ đã rất khó. Nói song ngữ kéo theo nhiều điều thuận lợi khác. Bạn có thể trò chuyện với nhiều người hơn và giao tiếp luôn là điều tốt", tiến sĩ Gollan nhận định.
Đối với Kathy Jones, các lớp học ngoại ngữ đem lại những lợi ích mà trước đó bà không nghĩ tới. "Nó giúp bạn tiếp xúc với nghệ thuật, văn hóa. Có cả một cộng đồng những người thích học ngoại ngữ và họ luôn rất thú vị. Họ thích đi du lịch, có nhiều trải nghiệm, coi trọng những nền văn hóa khác và tiếp xúc với những điều mới mẻ. Họ tạo thành một nhóm bạn tuyệt vời", bà nói.
Thục Linh (Theo CNN)
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Điều khác biệt của mùa sốt xuất huyết năm nay
Y học thường thức - 06/08/2024
Điều khác biệt của mùa sốt xuất huyết năm nay
Xuất hiện ổ dịch bệnh sởi tại Đắk Lắk
Y học thường thức - 16/07/2024
Xuất hiện ổ dịch bệnh sởi tại Đắk Lắk
Xử trí kiến ba khoang đốt, tránh để lại sẹo thâm
Y học thường thức - 03/07/2024
Xử trí kiến ba khoang đốt, tránh để lại sẹo thâm
Trẻ béo phì có vệt đen vùng cổ, có đáng lo?
Y học thường thức - 28/05/2024
Trẻ béo phì có vệt đen vùng cổ, có đáng lo?
Chớ chủ quan với bệnh giời leo
Y học thường thức - 02/05/2024
Chớ chủ quan với bệnh giời leo