Hội chứng kỳ lạ khiến người bệnh thèm ăn đồ vật
Hôm 17/1, các bác sĩ Bệnh viện Quân y 175, TP HCM, đã phẫu thuật lấy khỏi dạ dày thanh niên 27 tuổi gần một kg kim loại gồm đinh, thìa, bấm móng tay, lưỡi dao... Đại tá Nguyễn Quốc Dũng, Phó Chủ nhiệm Khoa Ngoại bụng, cho biết bệnh nhân, quê Tân Uyên, Bình Dương, có dấu hiệu trầm cảm, thích nuốt vật kim loại sắc nhọn. Khoảng một tháng nay, bệnh nhân đau bụng, bệnh viện địa phương khám và phát hiện dị vật, chuyển đến Bệnh viện Quân y 175. Bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân mắc hội chứng Pica, tổn thương dạ dày do dị vật, tiến hành phẫu thuật ngày 16/1.
Hội chứng Pica là chứng bệnh mà người mắc luôn thèm ăn những thứ phi thực phẩm như bụi bẩn, giấy, than đá, phấn, đất, hồ dán, kim loại... dễ dẫn đến những tổn thương nguy hiểm. Hội chứng xuất hiện ở nhiều lứa tuổi, thường gặp ở trẻ em, có thể xảy ra với phụ nữ mang thai do thiếu sắt, kẽm hoặc chất dinh dưỡng khác. Nó thường mang tính tạm thời và kết thúc sau một thời gian.
Năm 2017, Clara Bates, sống tại Derby, Anh, cho biết cô cảm thấy có gì đó không ổn với cô con gái nhỏ Farrah, từ khi bé được 10 tháng tuổi. Cô kể lại: "Con bé thường mút chân. Đó là điều bình thưởng ở trẻ sơ sinh nên tôi đã không lo lắng. Sau này, khi những đôi tất của con lần lượt biến mất, tôi bắt đầu hoảng sợ vì Farrah có thể đã ăn chúng".
Khi được bác sĩ tư vấn, cô Clara an tâm phần nào vì hiện tượng này chỉ là tạm thời do con cô đang mọc răng. Tuy nhiên, tình trạng của Farrah nghiêm trọng hơn và cô bé bắt đầu ăn quần áo, giày của em trai. Người mẹ hoảng sợ khi cô phát hiện những mẩu nhỏ của tấm thảm trong bô của Farrah.
Để bảo vệ con khỏi thói quen ăn uống kỳ cục, Clara quyết định bỏ tấm thảm đi. Thật không may, chủ nhà đã phạt cô 500 bảng vì thay đổi căn nhà và yêu cầu cô chuyển đi. Sau đó, gia đình cô phải chuyển nhà lần nữa cũng vì lý do tương tự.
Căn bệnh của Farrah khiến bố mẹ cô bé tốn kém khá nhiều tiền để mua đồ đạc thay thế những thứ bị làm hỏng. Việc điều trị trở nên khó khăn vì Farrah vẫn còn nhỏ. Clara hy vọng con gái mình có thể khỏi bệnh khi bé lớn lên.
"Đó là một hội chứng nghiêm trọng có thể dẫn đến cái chết. Tôi đã lo lắng rất nhiều nhưng thật không may, chúng tôi chưa tìm được hướng chữa bệnh cho con gái. Tôi chỉ biết hy vọng con bé sẽ bỏ được thói quen này khi lớn lên", cô nói.
Bé Farrah không phải trường hợp duy nhất. Candice Knox, đến từ Boksburg (Nam Phi), có thói quen ăn bọt biển. Anh Zhang Yue, sống tại Trung Khánh (Trung Quốc) bị ám ảnh với nước giặt quần áo, xà phòng và dầu gội.
Để điều trị hội chứng Pica, trước hết, bác sĩ cần tiến hành khám sức khỏe cho người bệnh để sàng lọc nguyên nhân gây ra cơn "nghiện" những thứ không ăn được. Ví dụ, nếu một người bị ngộ độc chì nặng, bác sĩ có thể chỉ định thuốc giúp bệnh nhân đào thải chì qua nước tiểu.
Nếu nguyên nhân gây Pica là do suy dinh dưỡng, người bệnh cần bổ sung vitamin và chất khoáng. Đối với người bị Pica do các vấn đề tâm lý, tùy vào tình trạng mỗi người, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc hoặc áp dụng các biện pháp trị liệu. Người bị thiểu năng trí tuệ có thể được hỗ trợ kiểm soát hành vi, giảm thiểu hoặc loại bỏ cơn thèm ăn.
Mai Dung (Theo Healthline, Sun)
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Điều khác biệt của mùa sốt xuất huyết năm nay
Y học thường thức - 06/08/2024
Điều khác biệt của mùa sốt xuất huyết năm nay
Xuất hiện ổ dịch bệnh sởi tại Đắk Lắk
Y học thường thức - 16/07/2024
Xuất hiện ổ dịch bệnh sởi tại Đắk Lắk
Xử trí kiến ba khoang đốt, tránh để lại sẹo thâm
Y học thường thức - 03/07/2024
Xử trí kiến ba khoang đốt, tránh để lại sẹo thâm
Trẻ béo phì có vệt đen vùng cổ, có đáng lo?
Y học thường thức - 28/05/2024
Trẻ béo phì có vệt đen vùng cổ, có đáng lo?
Chớ chủ quan với bệnh giời leo
Y học thường thức - 02/05/2024
Chớ chủ quan với bệnh giời leo