Hội chứng thị giác màn hình do Covid
Bác sĩ Phạm Huy Vũ Tùng, chuyên khoa Mắt, khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết trong thời gian dịch bệnh Covid-19, bệnh viện tiếp nhận nhiều bệnh nhân đến khám các triệu chứng nhức mỏi, khô mắt, đau đầu, căng mắt, mắt khó tập trung, đỏ mắt, chảy nước mắt, ngứa mắt, tăng độ cận... Nguyên nhân do họ gia tăng thời gian sử dụng các thiết bị điện tử do phải làm việc online (trên máy tính) nhiều.
Tại Việt Nam chưa có nghiên cứu nào về Covid ảnh hưởng đến mắt. Bác sĩ Tùng dẫn một cuộc khảo sát của Hiệp hội Nhãn khoa Mỹ (AOA), có đến 83% bác sĩ nhận thấy sự gia tăng các vấn đề thị lực liên quan đến thời gian sử dụng màn hình hoặc máy tính kéo dài. Một phân tích tổng hợp năm 2021 của Nasiri, trong 7.300 bệnh nhân Covid-19 đến 11% trường hợp có những biểu hiện ở mắt, thường gặp l viêm kết mạc, khô mắt, đỏ mắt, chảy nước mắt và ngứa. Trong đó, 30% bệnh nhân mắc di chứng Covid-19 kéo dài có các triệu chứng khô mắt, nặng mắt, đau mắt.
Trung tâm cung cấp thông tin sức khỏe cộng đồng về Covid-19 toàn cầu tổng hợp 31 nghiên cứu trên tổng số 1.373 người (gồm 972 bệnh nhân Covid-19 và 401 người không mắc) cho thấy có những thay đổi mạch máu võng mạc ở người bị Covid. Cụ thể, người từng mắc Covid-19 có khả năng mắc bệnh vi mạch võng mạc cao gấp 8,8 lần so với người không bị nhiễm. Đây có thể xem là yếu tố tiền báo cho những biến chứng võng mạc trong tương lai, như tắc động mạch võng mạc (đột quỵ mắt); xuất huyết võng mạc... dẫn đến suy giảm thị lực nghiêm trọng thậm chí mù lòa.
Các chuyên gia cảnh báo người đang mắc bệnh tiểu đường, huyết áp cao, rối loạn mỡ máu có nguy cơ cao mắc bệnh võng mạc sau khi bị Covid-19. Ngoài ra, hầu hết mọi người đều có khả năng mắc "hội chứng thị giác màn hình" (CVS) nếu thời gian tiếp xúc với màn hình máy tính vượt quá mức cho phép.
Theo bác sĩ Tùng, khoảng 10 triệu chứng rối loạn thị lực do CVS như chảy nước mắt sống, mỏi mắt, nhức mắt, nóng rát, nhức đầu, mờ mắt, đỏ, lác, nhìn đôi, khô hoặc cảm giác dị vật trong mắt... Các vấn đề thứ phát có thể là mỏi cứng cổ, đau lưng, chóng mặt và mệt mỏi toàn thân.
Nguyên nhân của hội chứng thị giác màn hình là do mắt bị tác động bởi - loại ánh sáng có bước sóng ngắn nằm trong khoảng 380 đến 495 nanomet (nm), phát ra từ các thiết bị điện tử, gồm máy tính, máy tính bảng, điện thoại, tivi, ánh sáng từ đèn LED, đèn huỳnh quang...
Bác sĩ Tùng cho hay, mắt tiếp xúc ánh sáng xanh thường xuyên với cường độ cao sẽ gây hại và làm tổn thương, thậm chí chết các tế bào thị giác, nhất là tế bào biểu mô sắc tố võng mạc. Tình trạng này làm rối loạn điều tiết mắt, suy giảm thị lực và tăng nguy cơ mù lòa. Ngoài ra, ánh sáng xanh có thể làm gián đoạn nhịp sinh học và có thể gây rối loạn giấc ngủ.
Để bảo vệ mắt trước ánh sáng xanh và hạn chế di chứng mắt hậu Covid-19, bác sĩ khuyên F0 khỏi bệnh cần kiểm soát thị lực bằng cách dùng thuốc, chăm sóc các triệu chứng ở mắt. Người bệnh cũng cần kiểm soát tốt các bệnh lý nền như tiểu đường, huyết áp cao, rối loạn mỡ máu...
Người chưa mắc Covid-19 hạn chế chạm trực tiếp vào mắt, nên đeo kính râm, kính chống giọt bắn khi đi ra ngoài để bảo vệ mắt, hạn chế đeo kính áp tròng trong thời gian dịch bùng phát, không nên dùng mỹ phẩm cho vùng mắt. Nên giữ vệ sinh, không gian sống thoáng mát, thay ga giường, vỏ gối và khăn tắm thường xuyên.
Không nên ngồi trước màn hình quá lâu. Trẻ đang học online, giáo viên nên gói gọn thời gian bài giảng, cho trẻ nghỉ giải lao sau mỗi 20 phút sử dụng màn hình, để mắt nghỉ 20 giây và tập trung mắt vào một thứ cách đó khoảng 6 mét. Phương pháp này sẽ làm giảm căng thẳng và tăng cường khả năng tập trung cho mắt.
Để làm chậm quá trình tăng độ cận thị và tránh các vấn đề về mắt, bác sĩ Tùng khuyến cáo nên khám mắt định kỳ 3-6 tháng một lần, có chế độ dinh dưỡng khoa học. Thực đơn ăn uống hàng ngày đầy đủ dưỡng chất và bổ sung các nhóm thực phẩm giàu vitamin A, C, omega-3... Các nhà khoa học đã tìm thấy tinh chất broccophane chiết xuất từ một loại bông cải xanh giàu sulforaphane, có thể làm tăng thioredoxin - loại protein tự nhiên có khả năng bảo vệ tế bào võng mạc, phòng ngừa bệnh võng mạc hiệu quả, cải thiện các triệu chứng do hội chứng thị giác màn hình.
Không dùng các thiết bị điện tử ít nhất hai tiếng trước khi ngủ, kích hoạt bộ lọc ánh màu xanh trong chức năng cài đặt màn hình hoặc đeo kính chống ánh sáng xanh. Màn hình nên được làm sạch thường xuyên vì bụi bẩn có thể cản trở tầm nhìn rõ ràng, làm tăng mỏi mắt. Tham gia các hoạt động ngoài trời, tập luyện mắt bằng cách nhìn xa, áp dụng các bài tập, massage mắt, ngồi đúng tư thế khi làm việc giúp bảo vệ thị lực.
Phan Quyên
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Điều khác biệt của mùa sốt xuất huyết năm nay
Y học thường thức - 06/08/2024
Điều khác biệt của mùa sốt xuất huyết năm nay
Xuất hiện ổ dịch bệnh sởi tại Đắk Lắk
Y học thường thức - 16/07/2024
Xuất hiện ổ dịch bệnh sởi tại Đắk Lắk
Xử trí kiến ba khoang đốt, tránh để lại sẹo thâm
Y học thường thức - 03/07/2024
Xử trí kiến ba khoang đốt, tránh để lại sẹo thâm
Trẻ béo phì có vệt đen vùng cổ, có đáng lo?
Y học thường thức - 28/05/2024
Trẻ béo phì có vệt đen vùng cổ, có đáng lo?
Chớ chủ quan với bệnh giời leo
Y học thường thức - 02/05/2024
Chớ chủ quan với bệnh giời leo