Hơn 1 năm sống cùng lá phổi mới

Dáng đi lại nhanh nhẹn thoăn thoắt, có thể leo 3 tầng cầu thang không bị mệt, phổi hồi phục gần như 100% là kỳ tích với bệnh nhân N.X.T (Bỉm Sơn, Thanh Hóa) sau hơn 1 năm được ghép phổi thành công.
Hơn 1 năm sống cùng lá phổi mới
Bệnh nhân T. hồi phục sức khỏe hoàn toàn sau 1 năm ghép phổi.

 

Tôi tăng 9 kg và chờ hết dịch để về nhà

Ngày 16/9/2021 không phải là ngày sinh nhật nhưng lại là ngày người bệnh N.X.T được sinh ra một lần nữa, ngày mà cách đây một năm, 2 lá phổi khỏe mạnh được đưa vào trong lồng ngực giúp người bệnh hồi sinh kỳ diệu và sống vui, sống khỏe như ngày hôm nay.

Hơn 1 năm trước, bệnh nhân N.X.T bị xơ phổi giai đoạn cuối đã được ghép thành công phổi từ người cho chết não với sự phối hợp của Bệnh viện Phổi Trung ương và Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Kỷ lục đầu tiên về hồi sức ghép phổi ở ca này là chỉ sau 2 ngày sau ghép phổi, bệnh nhân đã rời khỏi giường và tập phục hồi chức năng. Ngày thứ 3, bệnh nhân đã tập đi lại. 

Ngày 10/11/2020, bệnh nhân xuất viện hoàn toàn khỏe mạnh trong niềm hạnh phúc lớn của gia đình. Từ đó tới nay, bệnh nhân vẫn đều đặn tái khám và vừa qua bị kẹt lại ở Hà Nội do dịch Covid-19.

Hơn 1 năm sống cùng lá phổi mới
 Bệnh nhân được ghép 2 lá phổi hơn 1 năm trước.

Gặp lại bệnh nhân vào sáng 22/10, ông T. cho biết, ông rất hạnh phúc với cuộc sống hoàn toàn khỏe mạnh hiện tại. “Trước đây tôi khó thở, mệt mỏi khi vận động, chỉ đi bộ 5 phút là đã thở gấp, leo cầu thang thì không chịu nổi thì giờ đây, tôi leo 3 tầng bằng cầu thang bộ mà không vấn đề gì”.

Ông T. cũng cho biết, hơn 1 năm qua, ông đã tăng 9 kg so với trước (từ 62kg tăng lên gần 72kg), tự chăm sóc bản thân được mọi vấn đề sinh hoạt bình thường không cần sự trợ giúp. Giờ ông đang chờ đợi tình hình dịch ổn để được trở về nhà tại Thanh Hóa.

TS Đinh Văn Lượng, Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết, lá phổi của người bệnh đã trở lại 100% như bình thường, không có tình trạng khó thở, không ho, sốt. Sức khỏe tốt hơn trước khi ghép. Hiện nay chỉ số SpO2 của ông T. dao động từ 95-97%, ổn định, sinh hoạt bình thường, không có hạn chế hoạt động thể lực, các xét nghiệm đều trong giới hạn bình thường.

“Đây là một ca ghép phổi thành công đúng như mong đợi với mức độ thành công, đạt tiêu chuẩn cao nhất như Trung tâm ghép phổi lớn nhất tại Mỹ là đại học UCSF (Mỹ)”, TS Lượng cho hay.

Cứ ngỡ cơ hội sống chỉ còn 6 tháng vì phổi đã xơ hóa, xúc động khi được nối dài sự sống sau ca ghép phổi, ông N.X.T chia sẻ: "Nếu không được phẫu thuật ghép phổi 1 năm trước, tôi không biết giờ này mình có còn sống hay không vì phổi của tôi đã hỏng hết. Sức khỏe của tôi lúc này đã gần như bình thường, ăn được, ngủ được, tập thể dục được... đó là niềm hạnh phúc vô giá không gì đánh đổi được. Tôi vô cùng, vô cùng biết ơn các giáo sư, bác sĩ, điều dưỡng của bệnh viện đã chăm sóc và điều trị cho tôi suốt thời gian qua”.

Hơn 1 năm sống cùng lá phổi mới
 Bệnh nhân đón sinh nhật tại bệnh viện.

Để có được kỳ tích này, việc hồi sức sau mổ với bệnh nhân T. được các y, bác sĩ dốc sức chăm sóc. Bác sĩ Lê Ngọc Huy, Trung tâm Ghép phổi cho biết, sau khi ghép 2 phổi cùng lúc, người bệnh được chuyển về tiếp tục quản lý và điều trị tại Trung tâm Ghép phổi của Bệnh viện Phổi Trung ương. Tại đây, người bệnh đã được tiến hành quản lý và điều trị bệnh nhân theo quy trình chuẩn của bệnh viện cũng như hướng dẫn từ Hiệp hội cấy ghép tim phổi quốc tế ISHLT và đại học UCSF (Mỹ).

Bên cạnh đó, bệnh viện cũng phối hợp các bệnh viện khác như Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện E và đặc biệt là thực hiện hội chẩn hàng tuần với giáo sư tại UCSF để phát hiện, quản lý và điều trị sớm những bất thường sau ghép phổi nhằm giữ cho người bệnh được ổn định.

Việc phối hợp và điều chỉnh các loại thuốc trong điều trị sau ghép, điều chỉnh nồng độ thuốc cũng đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu tác dụng phụ cũng như những biến chứng sau ghép như thải mảnh ghép, nhiễm trùng, viêm tủy xương, biến chứng giảm bạch cầu...

Sớm đưa ghép phổi thành thường quy, xây dựng chương trình ghép phổi quốc gia

Tự hào về ca ghép phổi đầu tiên có sự tham gia tới 65% các công đoạn, trong đó quan trọng nhất là chăm sóc trước ghép và hồi sức sau ghép, TS Đinh Văn Lượng cho biết, sự hồi phục của bệnh nhân là động lực lớn để bệnh viện 1 năm qua tiếp tục xây dựng thêm quy trình chuẩn ghép phổi, học tập không ngừng.

Hơn 1 năm sống cùng lá phổi mới
 TS Đinh Văn Lượng, Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương.

Theo TS Lượng, việc ghép phổi đạt 3 mục đích lớn. Đầu tiên, ghép phổi thành công góp phần thành công vào chương trình ghép tạng quốc gia Việt Nam. Thứ hai, hàng năm Việt Nam có khoảng 30-40 bệnh nhân có chỉ định ghép phổi, nếu không ghép chỉ sau 6-8 tháng bệnh nhân sẽ chết nên ghép phổi là cơ hội kéo dài sự sống thêm cho hàng chục bệnh nhân/năm. Mục tiêu cuối cùng là bệnh viện đã hoàn thiện quy trình chẩn đoán, điều trị nội khoa, ngoại khoa về bệnh phổi, phẫu thuật phổi đạt mức độ cao nhất.

“Ca ghép phổi đầu tiên của Bệnh viện Phổi Trung ương với bệnh nhân T. là một thành công đạt cả ba tiêu chí. Chúng tôi đã đạt được đỉnh cao kỹ thuật thực hiện nội khoa và ngoại khoa về phổi, giúp nâng chất lượng chẩn đoán điều trị bệnh phổi và người dân sẽ được hưởng thụ thành tựu này”, TS Lượng nói.

Sau ca ghép phổi thành công này sẽ dần hình thành chương trình ghép phổi quốc gia nhưng để làm tốt nhất, bệnh viện sẽ phải hoàn thiện thêm. Hiện nay, bệnh viện đầu tư 10 phòng mổ, trong đó có 2 phòng mổ dành riêng cho ghép phổi. Nhân lực ngoại khoa và nội khoa đều được cử đi đào tạo tại Mỹ và nhiều nước khác, tăng cường học hỏi từ chuyên gia trong nước.

Các ghép tạng khác hiện nay đã là kỹ thuật thường quy nhưng với ghép phổi giờ mới đang xây dựng thành thường quy. Sau này khi ghép phổi thành thường quy, Bệnh viện Phổi Trung ương phấn đấu một năm mổ 10-20 ca để đưa bệnh viện thành trung tâm ghép phổi lớn.

Tuy nhiên, TS Lượng cho biết, khó nhất vẫn là vấn đề tài chính. Do đó, ông đề xuất Việt Nam cần học tập kinh nghiệm của nhiều nước, trong đó có Mỹ về việc bảo hiểm xã hội, ngân sách nhà nước và các chương trình xã hội hóa khác sẽ chi trả cho các ca ghép tạng, trong đó có ghép phổi. "Chúng ta phải phấn đấu người nghèo khó nhất có bảo hiểm xã hội cũng sẽ được ghép phổi mà không bị rào cản bởi kinh phí quá lớn”, TS Lượng bày tỏ.

THIÊN LAM

Đọc tiếp cùng chuyên mục

Điều khác biệt của mùa sốt xuất huyết năm nay

Điều khác biệt của mùa sốt xuất huyết năm nay

Y học thường thức - 06/08/2024

Điều khác biệt của mùa sốt xuất huyết năm nay

Xuất hiện ổ dịch bệnh sởi tại Đắk Lắk

Xuất hiện ổ dịch bệnh sởi tại Đắk Lắk

Y học thường thức - 16/07/2024

Xuất hiện ổ dịch bệnh sởi tại Đắk Lắk

Xử trí kiến ba khoang đốt, tránh để lại sẹo thâm

Xử trí kiến ba khoang đốt, tránh để lại sẹo thâm

Y học thường thức - 03/07/2024

Xử trí kiến ba khoang đốt, tránh để lại sẹo thâm

Trẻ béo phì có vệt đen vùng cổ, có đáng lo?

Trẻ béo phì có vệt đen vùng cổ, có đáng lo?

Y học thường thức - 28/05/2024

Trẻ béo phì có vệt đen vùng cổ, có đáng lo?

Chớ chủ quan với bệnh giời leo

Chớ chủ quan với bệnh giời leo

Y học thường thức - 02/05/2024

Chớ chủ quan với bệnh giời leo

Bảng thống kê bệnh nhân nhiễm bệnh nCoV các quốc gia trên thế giới