Hướng dẫn phòng nCoV ở chung cư

Người dân sống trong chung cư cần hạn chế nói chuyện, tiếp xúc trực tiếp với các bề mặt khi sử dụng cầu thang máy, cầu thang bộ, theo Bộ Y tế.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Bộ Y tế ngày 12/3 ban hành Hướng dẫn phòng chống dịch Covid-19 tại chung cư. 

Với người dân cần thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng dịch theo khuyến cáo của Bộ Y tế như thường xuyên rửa tay với xà phòng và nước sạch, đặc biệt ngay sau khi về nhà. Che kín mũi, miệng khi ho. Tránh đưa tay lên mắt, mũi, miệng. Không khạc nhổ bừa bãi.

Người dân cần đảm bảo sức khỏe bằng cách giữ ấm cơ thể, tập thể dục, ăn chín, uống chín, uống sôi, đầy đủ dinh dưỡng. Súc miệng, súc họng bằng nước muối hoặc nước súc miệng thường xuyên.

Ngoài ra, cần thay và giặt sạch quần áo đi làm, đi chơi hoặc đến chỗ đông người ngay sau khi về nhà. Hạn chế nói chuyện, hạn chế tiếp xúc trực tiếp với các bề mặt khi sử dụng cầu thang máy, cầu thang bộ. Hạn chế đến chỗ đông người. Đeo khẩu trang khi đến chỗ đông người.

Đặc biệt, cần hạn chế tiếp xúc với người có biểu hiện ho, sốt, khó thở. Giữ khoảng cách trên 2 mét và đeo khẩu trang nếu phải tiếp xúc.

Người dân cũng cần vệ sinh nhà cửa sạch sẽ hàng ngày bằng các dung dịch tẩy rửa thông thường. Đặc biệt là tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, tay vịn lan can. Thường xuyên mở cửa ra vào và cửa sổ; hạn chế sử dụng điều hòa. Thu gom rác hàng ngày và đổ đúng nơi quy định.

Mọi người cũng nên tự theo dõi sức khỏe, đo nhiệt độ hàng ngày. Nếu thấy có biểu hiện sốt, ho, đau họng, khó thở thì đeo khẩu trang, hạn chế tiếp xúc với mọi người, gọi cho đường dây nóng 1900 3228 hoặc 1900 9095 để được tư vấn và đến ngay cơ sở y tế gần nhất để khám và điều trị.

Khi có trường hợp bệnh xác định, nghi ngờ mắc bệnh, cách ly tại nhà thì thực hiện theo hướng dẫn của Ban quản lý chung cư.

Với ban quản lý chung cư, Bộ Y tế yêu cầu phải bố trí đủ thùng đựng chất thải có nắp đậy, đảm bảo nhà vệ sinh sạch sẽ, luôn có đủ nước sạch và xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay có chứa ít nhất 60% cồn.

Không tổ chức các sự kiện có tập trung đông người tại khu chung cư. Khuyến cáo các hộ dân không tổ chức các sự kiện có đông người tại căn hộ.

Khi khử khuẩn chung cư cần khử khuẩn bằng các chất tẩy rửa thông thường như dung dịch tẩy rửa đa năng hoặc các dung dịch khử khuẩn có chứa 0,05% Clo hoạt tính hoặc có chứa ít nhất 60% cồn. Ưu tiên khử khuẩn bằng cách lau rửa.

Đối với nền nhà, tường, bàn ghế, các đồ vật tại khu vực công cộng (sảnh chờ, khu vui chơi, khu thể dục thể thao...), khu vệ sinh chung, cầu thang bộ, thang máy cần khử khuẩn ít nhất một lần mỗi ngày.

Đối với vị trí có tiếp xúc thường xuyên như tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, nút bấm thang máy, tay vịn lan can: khử khuẩn ít nhất 2 lần một ngày.

Ngoài ra, ban quản lý chung cư cần thông báo, đề nghị các đơn vị cung cấp dịch vụ tại khu chung cư (siêu thị, nhà hàng, phòng tập gym...) cam kết đảm bảo thực hiện các quy định về phòng chống dịch bệnh. Chất thải phải được thu gom và đưa đi xử lý hàng ngày. Cung cấp đầy đủ khẩu trang cho người lao động có tiếp xúc với cư dân hoặc khách đến chung cư.

Khi có trường hợp sốt, ho, khó thở hoặc nghi ngờ mắc Covid-19, cần thông báo ngay cho cơ quan y tế địa phương hoặc đường dây nóng 1900 3228 hoặc 1900 9095. Đồng thời, phối hợp với cơ quan y tế địa phương xử lý khi có trường hợp bệnh xác định, nghi ngờ mắc bệnh hoặc cách ly tại nhà.

Với người cho thuê căn hộ chung cư cũng cần yêu cầu người thuê căn hộ cam kết thực hiện đúng các quy định, khuyến cáo về phòng chống dịch bệnh và quy định của chung cư đối với cư dân.

Lê Nga

Nguồn: https://vnexpress.net/suc-khoe/huong-dan-phong-ncov-o-chung-cu-4068361.html

Đọc tiếp cùng chuyên mục

Điều khác biệt của mùa sốt xuất huyết năm nay

Điều khác biệt của mùa sốt xuất huyết năm nay

Y học thường thức - 06/08/2024

Điều khác biệt của mùa sốt xuất huyết năm nay

Xuất hiện ổ dịch bệnh sởi tại Đắk Lắk

Xuất hiện ổ dịch bệnh sởi tại Đắk Lắk

Y học thường thức - 16/07/2024

Xuất hiện ổ dịch bệnh sởi tại Đắk Lắk

Xử trí kiến ba khoang đốt, tránh để lại sẹo thâm

Xử trí kiến ba khoang đốt, tránh để lại sẹo thâm

Y học thường thức - 03/07/2024

Xử trí kiến ba khoang đốt, tránh để lại sẹo thâm

Trẻ béo phì có vệt đen vùng cổ, có đáng lo?

Trẻ béo phì có vệt đen vùng cổ, có đáng lo?

Y học thường thức - 28/05/2024

Trẻ béo phì có vệt đen vùng cổ, có đáng lo?

Chớ chủ quan với bệnh giời leo

Chớ chủ quan với bệnh giời leo

Y học thường thức - 02/05/2024

Chớ chủ quan với bệnh giời leo

Bảng thống kê bệnh nhân nhiễm bệnh nCoV các quốc gia trên thế giới