Khác biệt giữa chuỗi lây nhiễm nCoV ở TP HCM và đợt dịch Đà Nẵng
Hai đợt cách nhau gần bốn tháng. Ngày 25/7, "bệnh nhân 416", nam, 57 tuổi, là trường hợp đầu tiên tại Đà Nẵng, bắt đầu làn sóng Covid-19 thứ hai. Ca nhiễm này khi ấy chấm dứt chuỗi 99 ngày cả nước không ghi nhận lây nhiễm cộng đồng. Tại TP HCM, ngày 28/11, "bệnh nhân 1342", nam tiếp viên hàng không 28 tuổi, kết thúc 120 ngày của TP HCM và 88 ngày của cả nước không lây nhiễm cộng đồng.
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Trần Nam, Trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, TP HCM, cho rằng điểm khác biệt lớn nhất giữa dịch từ Đà Nẵng và chuỗi lây nhiễm tại TP HCM lần này là ở tính chất.
Xác định F0, thần tốc khoanh vùng, cách ly
Tại Đà Nẵng, dù ngành y tế đã sàng lọc, điều tra dịch tễ kỹ càng vẫn không truy vết được nguồn lây (F0). Không xác định được F0 khiến việc khoanh vùng, dập dịch gặp khó. Thêm vào đó, nCoV tấn công vào bệnh viện, nơi có nhiều bệnh nhân lớn tuổi, nhiều bệnh nền mạn tính nặng, gây thiệt hại nặng nề về người.
Các ca nhiễm lần này tại TP HCM, F0 được phát hiện nhanh, sớm. Ngay khi "bệnh nhân 1342" có kết quả dương tính nCoV, ngày 28/11, nhà chức trách đã xác định được anh ta lây nhiễm từ "bệnh nhân 1325", tiếp viên cùng hãng, phục vụ trên chuyến bay về từ Rumani. Rõ nguồn lây, tìm được F0, ngành y tế không cần truy vết ngược, mà tập trung vào khai thác lịch trình bệnh nhân. Hơn 2.500 F1 và F2 được khoanh vùng, cách ly, lấy mẫu xét nghiệm.
Trong bốn ngày, các "bệnh nhân 1347", 1348 và 1349 lần lượt được phát hiện nhờ khoanh vùng, xét nghiệm, hoàn toàn không có triệu chứng bệnh. Đến tối 4/12, chưa ghi nhận thêm ca nhiễm cộng đồng nào khác. Ngoài ra, các bệnh nhân đều trẻ tuổi, sức khỏe tốt, không có triệu chứng, nguy cơ tử vong thấp.
Phối hợp dập dịch, bảo vệ bệnh viện
Đà Nẵng từ tháng 7 từng được coi là ổ dịch lớn nhất Việt Nam, lây lan nhiều tỉnh thành. Hơn một triệu dân phải cách ly xã hội, đóng cửa toàn thành phố Đà Nẵng. Mất hai tháng (từ ngày 25/7 đến 25/9), Đà Nẵng mới trở về trạng thái hoạt động bình thường, khi bệnh nhân cuối cùng mắc Covid-19 xuất viện, thành phố kiểm soát được nguy cơ lây nhiễm. Theo thống kê của Bộ Y tế, tính từ ngày ghi nhận "bệnh nhân 416", đã xuất hiện hơn 550 ca liên quan đến Đà Nẵng, 35 người tử vong do Covid-19 kèm bệnh nền mạn tính nặng.
Bác sĩ Nam nhận định, được "thực tập nhiều trận" trước đó, cộng với bài học kinh nghiệm từ Đà Nẵng, đối với chuỗi lây nhiễm lần này, các cơ quan TP HCM phối hợp nhịp nhàng, ăn ý và nhanh chóng. Do đó, hạn chế tối đa quy mô lây nhiễm, dập dịch thần tốc, không phải phong tỏa diện rộng. Thành phố tiếp tục dồn lực lượng truy vết kỹ, tránh bỏ sót đối tượng nguy cơ.
"Các bệnh viện ở TP HCM đến nay vẫn rất an toàn. Riêng Bệnh viện Nhi đồng Thành phố luôn sẵn sàng trực chiến trong mọi tình huống. Khi tiếp nhận điều trị bệnh nhân 1348, chúng tôi vẫn đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các bệnh nhân khác", bác sĩ Nam nói.
Bài học từ chuỗi lây nhiễm tại TP HCM
Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Viết Nhung, Chủ tịch Hội Phổi Việt Nam, cho rằng mặc dù chuỗi lây nhiễm mới ở TP HCM đã nhanh chóng xác định được F0 nên không nhiều khó khăn như Đà Nẵng, tuy nhiên, đây là bài học "quá đắt giá", đe dọa sức khỏe cộng đồng và gây tốn kém cho ngành y tế.
Theo ông Nhung, dịch ở TP HCM đang kiểm soát tốt, khả năng lây lan thấp nhưng tuyệt đối không chủ quan, do tình hình dịch Covid-19 trên thế giới vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp. Nguy cơ bùng phát dịch bệnh vẫn luôn thường trực, nếu không thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch.
"Chúng ta phải siết mạnh hơn, chặt hơn các biện pháp để đảm bảo an toàn cho người dân đồng thời điều tra truy vết, tìm kiếm tất cả những địa điểm đi lại và người có tiếp xúc với các bệnh nhân, cách ly tập trung trường hợp tiếp xúc gần", tiến sĩ Nhung nhấn mạnh.
Người dân được khuyến cáo tuyệt đối không lơ là, cần theo dõi địa điểm bệnh nhân dương tính đi đến để dự phòng nguy cơ. Nếu là F1, cần nhanh chóng liên hệ y tế địa phương để được cách ly tập trung. Nếu là F2, chủ động thông báo và theo dõi sức khỏe và kết quả xét nghiệm của F1.
Các trường hợp cách ly tại nhà cần tuân thủ cách ly tại nhà 14 ngày kể từ ngày cuối cùng đi đến các khu vực trên và hướng dẫn tự cách ly tại nhà của Bộ Y tế. Chỉ ra khỏi nhà khi cần thiết, đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà, tại nơi làm việc, học tập, sinh hoạt. Không đến nơi tập trung đông người. Hạn chế tiếp xúc, không tiếp xúc gần với người khác. Rửa tay thường xuyên bằng nước sạch và xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay nhanh.
Người dân tự theo dõi sức khỏe bản thân, khi có các dấu hiệu nghi ngờ bệnh Covid-19 như sốt, ho, khó thở... phải khai báo ngay với y tế địa phương hoặc đến ngay bệnh viện quận, huyện để được khám và xét nghiệm.
Trao đổi với VnExpress ngày 3/12, ông Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp Sự kiện Y tế công cộng Việt Nam cũng nhận định "dịch tại TP HCM chỉ như đốm lửa nhỏ", phát hiện sớm có thể dập tắt hoàn toàn.
Thư Anh - Thùy An
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Điều khác biệt của mùa sốt xuất huyết năm nay
Y học thường thức - 06/08/2024
Điều khác biệt của mùa sốt xuất huyết năm nay
Xuất hiện ổ dịch bệnh sởi tại Đắk Lắk
Y học thường thức - 16/07/2024
Xuất hiện ổ dịch bệnh sởi tại Đắk Lắk
Xử trí kiến ba khoang đốt, tránh để lại sẹo thâm
Y học thường thức - 03/07/2024
Xử trí kiến ba khoang đốt, tránh để lại sẹo thâm
Trẻ béo phì có vệt đen vùng cổ, có đáng lo?
Y học thường thức - 28/05/2024
Trẻ béo phì có vệt đen vùng cổ, có đáng lo?
Chớ chủ quan với bệnh giời leo
Y học thường thức - 02/05/2024
Chớ chủ quan với bệnh giời leo