Kỳ tích hồi sinh của 2 ca Covid-19 từng nguy kịch

Con gái của bệnh nhân 1045 gọi sự hồi phục của cha mình là “kỳ tích”, trong khi bệnh nhân 793 tâm sự ông như được sinh ra lần thứ hai.

Ông Nguyễn Hữu Th. (72 tuổi, Hải Dương) – bệnh nhân 1045 là một trong bốn ca Covid-19 nặng nhất miền Bắc giai đoạn mới. Ông Th. bắt đầu khởi bệnh hôm 19/8 với triệu chứng ban đầu là sốt cao liên tục, sốt tăng nhiều hơn vào cuối ngày và đau đầu. Ông đã đi bệnh viện địa phương khám và được truyền nước, tuy nhiên bệnh không thuyên giảm.

Ngày 1/9, sau khi có kết quả dương tính SARS-CoV-2, ông Th. chuyển lên Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh điều trị. Lúc này, các triệu chứng đã rất nặng.

“Tôi chỉ nhớ mình thấy rất mệt, khó thở. Tôi đã ngất ngay khi vừa lên Khoa Hồi sức tích cực”, ông Th. kể.

Bệnh nhân 1045
Bệnh nhân 1045

Các bác sĩ cho biết, thời điểm nhập viện, ông Th. ở trong tình trạng suy hô hấp nặng, phải lập tức đặt ống thở máy. Tiên lượng bệnh nhân rất xấu do tuổi cao, mắc bệnh nền, lại thêm tình trạng bội nhiễm vi khuẩn khác ngoài SARS-CoV-2.

Tuy nhiên, ông đã may mắn đáp ứng điều trị tốt, rút được ống nội khí quản sau 8 ngày, chuyển dần sang thở máy ở mức thấp và thở oxy. Đến ngày 14/9, ông Th. đã có thể dừng thở oxy, toàn trạng ổn định, ngừng dùng thuốc.

Ông Th. rơi nước mắt khi chia sẻ về 3 tuần nằm điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực. Dù đã 72 tuổi, nhưng đây mới chỉ là lần thứ 2 ông nhập viện điều trị ngoại trú, lại trong tình trạng “thập tử nhất sinh”. Không có con cái bên cạnh chăm sóc, các bác sĩ, điều dưỡng thay vai trò người thân đồng hành cùng ông.

Chị Nguyễn Thị Thu H. (44 tuổi), con gái ông Th. tâm sự, khi cha đã ổn hơn, ông hay gọi điện để kể về các cô chú y bác sĩ. “Ông bảo họ thậm chí còn nhẹ nhàng, chu đáo với ông hơn cả chúng tôi. Ra viện rồi, nhất định ông sẽ rất nhớ các bác sĩ. Gia đình tôi thực lòng biết ơn”, Chị H. nói.

Chị H. gọi sự hồi phục của cha mình là “kỳ tích”. Chị chia sẻ, thời điểm cha nhập viện, cả gia đình cũng phải di tản tới khu cách ly. Họ vô cùng hoảng sợ khi được bác sĩ thông báo về tình trạng nguy kịch của ông.

“Có thời điểm, chức năng phổi của cha tôi tổn thương tới 70%, gia đình đã phải lường đến việc ông khó lòng qua khỏi. Bây giờ, ông khỏe mạnh thế này là ngoài sức tưởng tượng của chúng tôi, là điều kỳ diệu với cả gia đình”, chị H. xúc động nói.

Hôm nay, người thân của ông Th. đã đến rất đông chỉ để nhìn thấy hình ảnh ông khỏe mạnh xuất viện, dù không được tiếp xúc gần.

null
Ông Th. cùng các bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực ngày ra viện

Với ông Nguyễn Văn H. (58 tuổi, Bắc Giang), sự hồi phục của bản thân giống như việc “sinh ra lần thứ hai”. Ông H. là bệnh nhân 793, ca Covid-19 nặng nhất miền Bắc giai đoạn mới. Có thời điểm, chức năng phổi của ông tổn thương tới 90%, phải huy động tối đa mọi hỗ trợ, trong đó có chạy ECMO (kỹ thuật tim phổi nhân tạo). Tuy nhiên, đáp ứng của ông vẫn rất kém.

3 ngày liên tiếp, các bác sĩ phải túc trực bên cạnh bệnh nhân 24/24 để điều chỉnh thuốc, máy thở, ECMO. “Riêng bệnh nhân 793, chúng tôi phải ngồi bên giường bệnh, chỉnh căn số liên tục từng chút . Vô cùng lo lắng, căng thẳng”, bác sĩ Phúc cho hay.

May mắn, ông cũng đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất và dần hồi phục. Trong suốt thời gian dài điều trị, ông H. nhớ nhất là hình ảnh các y bác sĩ liên tục vỗ trước và sau ngực nhiều tiếng đồng hồ giúp ông cải thiện hô hấp. “Có những hôm, 12h đêm họ vẫn miệt mài như vậy, nếu tôi mỏi sẽ bóp chân tay giúp tôi ngủ ngon hơn. Tôi cảm động lắm”, ông H. chia sẻ.

Những ngày gần đây, ông H. đã khỏe mạnh hoàn toàn, duy chỉ còn cảm giác hơi mệt khi phải đi bộ lâu. Giờ phút chia tay, ông H. cho biết sẽ khó lòng quên hình ảnh các y bác sĩ đã nỗ lực giành lại sự sống cho ông.

Bệnh nhân 793 (thứ 2 từ trái sang) trong buổi lễ công bố khỏi bệnh. Ông được chuyển từ Khoa Hồi sức tích cực lên Khoa Nội tổng hợp một vài ngày trước đây sau khi bệnh đã ổn định
Bệnh nhân 793 (thứ 2 từ trái sang) trong buổi lễ công bố khỏi bệnh. Ông được chuyển từ Khoa Hồi sức tích cực lên Khoa Nội tổng hợp một vài ngày trước đây sau khi bệnh đã ổn định

Bác sĩ Phúc chia sẻ, anh đã dặn dò các bệnh nhân rất cẩn thận về việc chăm sóc sức khỏe và nghỉ ngơi tại nhà. Đặc biệt, bệnh nhân cần lưu ý hạn chế tối đa người chăm sóc, không gặp gỡ người quen cho tới đủ 14 ngày.

Hiện tại, Khoa Hồi sức tích cực không còn bệnh nhân Covid-19 điều trị, các bác sĩ sẽ chia thành từng đợt để về thăm gia đình. Song song với đó, họ vẫn luôn chuẩn bị tinh thần sẵn sàng cho những tình huống mới của dịch.

Nguyễn Liên

Đọc tiếp cùng chuyên mục

Điều khác biệt của mùa sốt xuất huyết năm nay

Điều khác biệt của mùa sốt xuất huyết năm nay

Y học thường thức - 06/08/2024

Điều khác biệt của mùa sốt xuất huyết năm nay

Xuất hiện ổ dịch bệnh sởi tại Đắk Lắk

Xuất hiện ổ dịch bệnh sởi tại Đắk Lắk

Y học thường thức - 16/07/2024

Xuất hiện ổ dịch bệnh sởi tại Đắk Lắk

Xử trí kiến ba khoang đốt, tránh để lại sẹo thâm

Xử trí kiến ba khoang đốt, tránh để lại sẹo thâm

Y học thường thức - 03/07/2024

Xử trí kiến ba khoang đốt, tránh để lại sẹo thâm

Trẻ béo phì có vệt đen vùng cổ, có đáng lo?

Trẻ béo phì có vệt đen vùng cổ, có đáng lo?

Y học thường thức - 28/05/2024

Trẻ béo phì có vệt đen vùng cổ, có đáng lo?

Chớ chủ quan với bệnh giời leo

Chớ chủ quan với bệnh giời leo

Y học thường thức - 02/05/2024

Chớ chủ quan với bệnh giời leo

Bảng thống kê bệnh nhân nhiễm bệnh nCoV các quốc gia trên thế giới