Liệu vaccine hiện có chặn được Covid-19?
Kể từ khi xác định được mã gene của nCoV hồi đầu tháng 1, các nhà khoa học và hãng dược ráo riết phát triển loại vaccine an toàn và hiệu quả. 115 "ứng cử viên" đang trong các giai đoạn thử nghiệm khác nhau.
Song cuộc chạy đua đến với một vaccine hoàn toàn mới là chặng đường gian nan và tốn kém. Giới chuyên gia bắt đầu thay đổi chiến lược, xem xét sử dụng các loại vaccine sẵn có, vốn dành cho bệnh truyền nhiễm khác, bao gồm Bacillus Calmette-Guérin (BCG) - vaccine lao phổi.
Trước đó, một nghiên cứu cho thấy các quốc gia quy định tiêm chủng lao phổi bắt buộc có số lượng người nhiễm và tử vong do nCoV thấp hơn. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các nhà khoa học cảnh báo cần có thêm bằng chứng cho điều này, kết quả sơ bộ và tính cấp thiết trong thời kỳ đại dịch vẫn thúc đẩy các nhà khoa học tiến hành nhiều thử nghiệm hơn.
Nghiên cứu mới được thực hiện bởi nhóm chuyên gia Mỹ và Ireland cho thấy mối tương quan giữa việc tiêm vaccine BCG với tỷ lệ nhiễm và tử vong thấp do nCoV. Tiến sĩ Paul Hegarty, đồng tác giả của công trình, cho biết vaccine từng được sử dụng cho bệnh ung thư bàng quang, làm chậm quá trình lây lan và tái phát. Vì vậy nhóm chuyên gia quyết định kiểm tra tác dụng của nó với Covid-19.
BCG là loại vaccine an toàn và phổ biến nhất thế giới. Một số quốc gia có chương trình tiêm chủng trên diện rộng. Trong khi đó, nhiều nước như Canada hay Mỹ chỉ khuyến nghị sử dụng cho nhóm có nguy cơ cao mắc bệnh, theo cơ sở dữ liệu của BCG World Atlas.
Các nhà nghiên cứu chia dữ liệu về Covid-19 của 153 quốc gia thành hai nhóm: nhóm có chương trình tiêm chủng lao bắt buộc và nhóm không. Sau khi tính toán các sai số, họ kết luận nhóm đầu có tỷ lệ nhiễm nCoV là 0,8/1.000.000. Trong khi đó con số này ở nhóm thứ hai là 34,8/1.000.000, cao hơn rất nhiều. Tỷ lệ tử vong ở nhóm một cũng thấp hơn.
Tiến sĩ Hegarty cho biết: "Chúng tôi khá bối rối với điều này nên đã tiến hành phân tích từng nước riêng biệt. Kết quả vẫn cho thấy những nơi có chính sách tiêm chủng lao bắt buộc ít bị ảnh hưởng hơn".
Nhiều nghiên cứu chưa qua bình duyệt cũng có kết quả tương tự.
Phân tích trước đó của Trường Y tế Công cộng Johns Hopkins Bloomberg cho thấy tỷ lệ tử vong do Covid-19 ở các quốc gia sử dụng vaccine BCG đại trà thấp hơn 5,8 lần so với khu vực không có chiến dịch này.
Nhiều nhóm nhà khoa học trên thế giới đang tiến hành các thử nghiệm ngẫu nhiên đối với BCG để xem xét độ hiệu quả. Tình nguyện viên là các nhân viên y tế tuyến đầu. Các đồng nghiệp của tiến sĩ Hegarty đã tham gia một công trình ở Mỹ, có thể được mở rộng sang Ireland và Anh. Kết quả sẽ chứng minh những điều mà các nghiên cứu cấp quốc gia chưa làm được, theo Tiến sĩ Madhukar Pai, Đại học McGill, Canada.
Bên cạnh BCG, các nhà khoa học cũng cân nhắc sử dụng một số loại vaccine khác để ngăn ngừa Covid-19.
Tiến sĩ Robert Gallo, một chuyên gia về virus, cho biết ông đang dẫn đầu dự án thử nghiệm vaccine bại liệt đường uống cho nCoV. Nghiên cứu trước đây cho thấy vaccine bại liệt giúp kích hoạt khả năng miễn dịch tạm thời ở người, bảo vệ cơ thể khỏi các virus ARN như cúm. Ông Gallo hy vọng nó có thể tạo ra "phòng tuyến" ngắn hạn, đẩy lùi nCoV - cũng là một chủng virus ARN.
Trong khi đó, các nhà khoa học từ Đại học Cambridge chú trọng vào MMR - vaccine sởi, quai bị và rubella. Họ phát hiện virus rubella và nCoV có định dạng chuỗi axit amin tương đồng đến 29%. Điều này cho thấy miễn dịch được MMR tạo ra cũng có thể chống lại Covid-19.
Nhóm nghiên cứu đã phân tích dữ liệu từ các bệnh nhân ở Anh, đánh giá nồng độ kháng thể và so sánh nó với mức nghiêm trọng của triệu chứng.
"Chúng tôi nghĩ rằng MMR không trực tiếp ngăn ngừa nhiễm trùng, nhưng có khả năng khiến bệnh của người nhiễm nCoV bớt nghiêm trọng hơn", báo cáo có viết.
Song giới chuyên gia nhấn mạnh cần thực hiện thêm nhiều phân tích trước khi đưa ra kết luận cuối cùng.
Ashley St John, một nhà miễn dịch học từ Đại học Y khoa Quốc gia Singapore, nhận định BCG chủ yếu được tiêm ở độ tuổi rất nhỏ. Bệnh lao lại do vi khuẩn chứ không phải virus gây ra như Covid-19.
"Chúng ta đang phân tích phản ứng của hệ miễn dịch với vi khuẩn và cho rằng nó có thể bảo vệ cơ thể người khỏi virus. Hơi khó để tìm hiểu xem liệu nó có hiệu quả hay không", bà nói.
Thục Linh (Theo SCMP)
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Điều khác biệt của mùa sốt xuất huyết năm nay
Y học thường thức - 06/08/2024
Điều khác biệt của mùa sốt xuất huyết năm nay
Xuất hiện ổ dịch bệnh sởi tại Đắk Lắk
Y học thường thức - 16/07/2024
Xuất hiện ổ dịch bệnh sởi tại Đắk Lắk
Xử trí kiến ba khoang đốt, tránh để lại sẹo thâm
Y học thường thức - 03/07/2024
Xử trí kiến ba khoang đốt, tránh để lại sẹo thâm
Trẻ béo phì có vệt đen vùng cổ, có đáng lo?
Y học thường thức - 28/05/2024
Trẻ béo phì có vệt đen vùng cổ, có đáng lo?
Chớ chủ quan với bệnh giời leo
Y học thường thức - 02/05/2024
Chớ chủ quan với bệnh giời leo