Loại bỏ khối u nguyên sống khổng lồ vùng cùng cụt
Mới đây, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 tiếp nhận anh Phạm Quang T (40 tuổi, Hà Nội) với một khối u vùng mông to lên khá nhanh kèm theo biểu hiện đau tăng lên vùng mông. Các bác sĩ khoa Chấn thương Chỉnh hình Cột sống chẩn đoán anh bị mắc bệnh u nguyên sống (Chordoma) khổng lồ vùng cùng cụt với kích thước (15x14x20cm). Khối u phát triển ra cả phía trước xương cùng, đè đẩy rất nhiều vào bóng trực tràng và bàng quang. Vùng mông của anh biến dạng rất lớn, khiến anh không ngồi thẳng và nằm ngửa được từ một năm nay.
Khoảng ba năm trước, bệnh nhân gặp khó khăn về triệu chứng rối loạn đại tiện, đau vùng cùng cụt âm ỉ. Anh đã đi khám tại nhiều nơi nhưng không ra bệnh, dùng nhiều thuốc nhuận tràng, bệnh cứ nặng dần. Gần đây, anh T thấy xuất hiện, tê bì vùng hậu môn và sinh dục, đại tiện rất khó khăn, thường 3-4 ngày anh mới đi đại tiện được, mỗi lần kéo dài cả nửa tiếng, tiểu tiện phải rặn lâu mới ra được. Anh không thể ngồi được hơn 15 phút và phải cúi người ra trước khi ngồi. Anh đi lại cũng hạn chế vì khối u quá to tại mông.
Kíp phẫu thuật gồm các bác sĩ khoa Phẫu thuật cột sống và khoa Vi phẫu thuật đã tiến hành phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ u xương thành một khối chỉ qua một đường mổ vùng mông hình Mercedes và xoay vạt cơ mông lớn một bên che phủ ổ khuyết để lại sau cắt u.
ThS, BS CKI Nguyễn Duy Thụy cho biết đây là trường hợp u nguyên sống xương cùng cụt thứ 10 tại khoa Chấn thương – Chỉnh hình Cột sống từ năm 2008 đến nay. Điều đặc biệt là anh T có khối u kích thước khổng lồ, u lớn nhất trong các bệnh nhân đã điều trị tại khoa.
"Bệnh nhân T vào viện đã có biến chứng chèn ép mức độ nặng, tiên lượng phẫu thuật rất khó khăn vì khối u xương rất lớn, nguy cơ nhiễm trùng, tụ dịch vết mổ cao và dự kiến thời gian nằm viện có thể kéo dài từ 3-6 tuần. Tuy nhiên, ê kíp mổ đã phẫu thuật thành công bóc được toàn bộ u xương thành một khối, tránh lây nhiễm tế bào u ra vết mổ và hạn chế khả năng u tái phát tại chỗ, rút ngắn thời gian nằm viện chỉ còn hai tuần", BS Thụy cho biết.
Sau mổ 5 ngày, bệnh nhân đã đi lại được, vết mổ liền ngay kỳ đầu, không gặp bất kì tai biến, biến chứng nào. Sau mổ một tháng, anh T có thể ngồi thẳng được và ngồi được vài tiếng đồng hồ, ngồi lái xe thoải mái. Chức năng đại tiện – tiểu tiện hồi phục tốt.
U nguyên sống (chordoma) là bệnh lý ác tính thấp, tiến triển chậm, bệnh thường xuất hiện ở nam giới, độ tuổi từ 40-60 tuổi và vùng thấp nhất của cột sống (xương cùng cụt). Hình ảnh đặc trưng của u nguyên sống trên phim cắt lớp vi tính là u phát triển tại chính giữa xương cùng. Triệu chứng của bệnh mờ nhạt, dễ nhầm lẫn với nhiều căn bệnh khác. Phần lớn bệnh nhân vào viện khi u đã đạt được kích thước lớn, cho nên phẫu thuật gặp nhiều khó khăn, dễ xảy ra tai biến, biến chứng. Cho đến nay, phẫu thuật là phương pháp điều trị chủ yếu với bệnh lý u nguyên sống. Các phương pháp hóa trị và xạ trị ít có hiệu quả.
TRẦN NGUYÊN
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Điều khác biệt của mùa sốt xuất huyết năm nay
Y học thường thức - 06/08/2024
Điều khác biệt của mùa sốt xuất huyết năm nay
Xuất hiện ổ dịch bệnh sởi tại Đắk Lắk
Y học thường thức - 16/07/2024
Xuất hiện ổ dịch bệnh sởi tại Đắk Lắk
Xử trí kiến ba khoang đốt, tránh để lại sẹo thâm
Y học thường thức - 03/07/2024
Xử trí kiến ba khoang đốt, tránh để lại sẹo thâm
Trẻ béo phì có vệt đen vùng cổ, có đáng lo?
Y học thường thức - 28/05/2024
Trẻ béo phì có vệt đen vùng cổ, có đáng lo?
Chớ chủ quan với bệnh giời leo
Y học thường thức - 02/05/2024
Chớ chủ quan với bệnh giời leo