Lồng ghép các chuyên khoa để điều trị toàn diện người mắc Covid-19

Ngày 7/10, Bộ Y tế tổ chức tập huấn trực tuyến triển khai Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị Covid-19 phiên bản lần thứ 7 cho tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh trên toàn quốc qua 700 điểm cầu tại các địa phương. Cùng với việc đưa nguyên tắc sử dụng các thuốc kháng vi-rút, kháng thể kháng vi-rút, ức chế IL-6, phiên bản lần thứ 7 có các cập nhật mới trong công tác điều trị.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

 

 

Theo đó, Covid-19 gây tổn thương hô hấp đa cơ quan, do đó cần lồng ghép các chuyên khoa để điều trị toàn diện từ hô hấp, tuần hoàn, lọc máu, ECMO, cocticoid, kiểm soát đường huyết, điều trị nguyên nhân, phục hồi chức năng, tâm lý, dinh dưỡng… Tách chẩn đoán, điều trị Covid-19 đối với trẻ em thành hướng dẫn riêng. Hướng dẫn mới sẽ là cẩm nang để các cán bộ y tế chăm sóc, điều trị và quản lý người bệnh Covid-19…

Theo PGS, TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Y tế, trong thời gian qua, cả hệ thống chính trị, toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân cùng ngành y tế đồng lòng, chung sức vượt qua những khó khăn để chống dịch trong làn sóng thứ tư của biến thể Delta. Ðến nay, kết quả phòng,

chống dịch đã đạt được những hiệu quả đáng ghi nhận, cho thấy con đường đi đúng đắn trong phòng, chống dịch. Bên cạnh trụ cột phát hiện sớm, cách ly, khoanh vùng, xét nghiệm… thời gian qua, ngành y tế luôn chú trọng cập nhật những kiến thức, thông tin về điều trị, kế thừa học hỏi các kinh nghiệm, nghiên cứu, thành công trong điều trị của thế giới một cách khoa học… để ban hành các phiên bản khác nhau hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh nhân Covid-19.

Ðáng chú ý, cả hệ thống khám, chữa bệnh đã nỗ lực không ngừng, nhiều thầy thuốc đã xa gia đình, người thân để vào tâm dịch phục vụ công tác điều trị người bệnh Covid-19 hàng tháng trời. Ðã có khoảng 20 nghìn lượt thầy thuốc trên cả nước vào hỗ trợ TP Hồ Chí Minh, Ðồng Nai, Bình Dương, Long An, Tiền Giang, Ðồng Tháp và nhiều tỉnh, thành phố phía nam để phục vụ chống dịch. Trong đó, nhiều chuyên gia đầu ngành các lĩnh vực đã tham gia điều trị cho người bệnh nặng, nguy kịch tại các trung tâm hồi sức tích cực, bệnh viện chuyên điều trị người bệnh Covid-19.

Bộ Y tế vừa có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc hoàn thiện hệ thống dây chuyền lạnh và đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vắc-xin Covid-19. Theo Bộ Y tế, để chủ động sẵn sàng cho việc tiếp nhận, bảo quản và triển khai tiêm vắc-xin Covid-19 nhanh chóng, an toàn và hiệu quả, tránh lãng phí, UBND tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Y tế và các đơn vị liên quan tiếp tục hoàn thiện, chuẩn bị sẵn sàng hệ thống trang thiết bị, dây chuyền lạnh tại các tuyến để bảo đảm việc tiếp nhận, bảo quản các loại vắc-xin Covid-19 với số lượng lớn được cung ứng trong quý IV/2021. Tổ chức tiếp nhận và triển khai tiêm chủng vắc-xin ngay sau khi được phân bổ. Ðẩy nhanh hơn nữa tiến độ tiêm chủng vắc-xin Covid-19 cho các đối tượng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế. Các địa phương cần bố trí đủ kinh phí, cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực để triển khai tiêm vắc-xin Covid-19 theo chỉ đạo.

Sở Y tế Hà Nội có công văn đề nghị Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Hà Nội và các bệnh viện, trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã tiếp tục triển khai tiêm chủng vắc-xin Covid-19 trên địa bàn. Theo đó, các đơn vị khẩn trương xây dựng kế hoạch tiêm chủng vắc-xin Covid-19 đợt 22 theo đối tượng cần tiêm, số lượng vắc-xin được phân bổ bảo đảm minh bạch, đúng đối tượng. Sở Y tế Hà Nội đã phân bổ 121.600 liều vắc-xin AstraZeneca cho các đơn vị trên địa bàn để ưu tiên tiêm trả mũi hai cho các đối tượng từ 18 tuổi trở lên và tiêm mũi một cho các đối tượng chưa được tiêm chủng thuộc nhóm các đối tượng ưu tiên theo quy định...

Liên quan đến ổ dịch Bệnh viện Hữu nghị Việt Ðức, CDC thành phố Hà Nội cho biết, ngày 7/10 ghi nhận 3 ca mắc Covid-19 mới trong khu vực cách ly. Như vậy, tính từ khi phát hiện đến 18 giờ ngày 7/10, liên quan ổ dịch Bệnh viện Hữu nghị Việt Ðức ghi nhận 55 ca mắc Covid-19, trong đó ghi nhận tại Hà Nội 43 ca và 12 ca tại các tỉnh Nam Ðịnh (7 ca), Hà Tĩnh (2 ca), Hưng Yên (1 ca), Hải Dương (2 ca).

Chiều 7/10, lãnh đạo Ban Dân vận T.Ư và một số cơ quan y tế TP Hồ Chí Minh có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng nhằm hỗ trợ tỉnh ngăn chặn dịch Covid-19 đang có dấu hiệu tăng nhanh. Ðến nay, tỉnh Sóc Trăng đã có 1.682 ca nhiễm Covid-19, trong đó điều trị khỏi 926 ca, có 22 ca tử vong. Từ ngày 30/9 đến nay, số ca nhiễm Covid-19 trên địa bàn tỉnh có xu hướng tăng rất nhanh. Tính đến chiều 6/10 tỉnh Sóc Trăng tiếp nhận gần 40.000 người từ các địa phương khác trở về, trong đó có 102 F0. Tại buổi làm việc, các cơ quan y tế TP Hồ Chí Minh đã chia sẻ với Sóc Trăng nhiều kinh nghiệm chống dịch và thiết lập nhanh cơ chế hỗ trợ khẩn cấp cho Sóc Trăng trong công tác phòng, chống và điều trị Covid-19…

Theo Báo cáo của Bộ Y tế, ngày 7/10 ghi nhận 4.150 ca nhiễm Covid-19 mới gồm ba ca nhập cảnh và 4.147 ca ghi nhận trong nước, trong đó có 1.986 ca tại cộng đồng. Trong ngày, có 1.402 người bệnh mắc Covid-19 được công bố khỏi bệnh và 125 ca tử vong (có năm ca tử vong tại tỉnh Ninh Thuận thời gian trước đó mới được cập nhật). Tính đến nay, Việt Nam ghi nhận 826.837 ca mắc Covid-19, trong đó có 758.488 ca được công bố khỏi bệnh và 20.223 người tử vong; tổng số liều vắc-xin đã được tiêm là 49.254.925 liều, trong đó tiêm một mũi là 36.448.527 liều, tiêm mũi hai là 12.806.398 liều.

Ngày 7/10, Thường trực UBND tỉnh Kiên Giang cho biết, tỉnh đã thống nhất chủ trương chi hỗ trợ cho công dân từ TP Hồ Chí Minh và các tỉnh trở về địa phương với mức 1,5 triệu đồng/người.

Thời gian qua đã có hơn 35.000 công dân từ các tỉnh, thành phố đã trở về Kiên Giang, trong đó về tự phát trong tuần qua là hơn 34.000 người. Theo khảo sát của tỉnh, số người có nguyện vọng trở về Kiên Giang vào khoảng 42.000 người, trong tổng số 110.000 người đang làm việc, lao động ở ngoài tỉnh. Hiện, mỗi ngày Kiên Giang tiếp nhận và tổ chức phân loại, xét nghiệm, cách ly y tế cho vài nghìn công dân từ nhiều địa phương trở về tỉnh.

Tính đến ngày 7/10, tổng số học sinh trên địa bàn tỉnh Ðồng Tháp tham gia học trực tuyến là 159.001 em; hơn 14.100 học sinh chưa học; hơn 5.000 em chưa tham gia học thường xuyên. Học sinh không tham gia học trực tuyến là do thiếu thiết bị học, chất lượng đường truyền một số địa bàn chưa ổn định. Ðể khắc phục, Sở Giáo dục và Ðào tạo tỉnh Ðồng Tháp đẩy mạnh chương trình “Sóng và máy tính cho em”; nâng chất lượng đường truyền, tập huấn bồi dưỡng giáo viên về dạy học trực tuyến…  Toàn tỉnh đã hỗ trợ thiết bị học tập cho 2.297 học sinh và đang thực hiện thủ tục mua khoảng 1.125 thiết bị.

 

 
 
 

Đọc tiếp cùng chuyên mục

Điều khác biệt của mùa sốt xuất huyết năm nay

Điều khác biệt của mùa sốt xuất huyết năm nay

Y học thường thức - 06/08/2024

Điều khác biệt của mùa sốt xuất huyết năm nay

Xuất hiện ổ dịch bệnh sởi tại Đắk Lắk

Xuất hiện ổ dịch bệnh sởi tại Đắk Lắk

Y học thường thức - 16/07/2024

Xuất hiện ổ dịch bệnh sởi tại Đắk Lắk

Xử trí kiến ba khoang đốt, tránh để lại sẹo thâm

Xử trí kiến ba khoang đốt, tránh để lại sẹo thâm

Y học thường thức - 03/07/2024

Xử trí kiến ba khoang đốt, tránh để lại sẹo thâm

Trẻ béo phì có vệt đen vùng cổ, có đáng lo?

Trẻ béo phì có vệt đen vùng cổ, có đáng lo?

Y học thường thức - 28/05/2024

Trẻ béo phì có vệt đen vùng cổ, có đáng lo?

Chớ chủ quan với bệnh giời leo

Chớ chủ quan với bệnh giời leo

Y học thường thức - 02/05/2024

Chớ chủ quan với bệnh giời leo

Bảng thống kê bệnh nhân nhiễm bệnh nCoV các quốc gia trên thế giới