Ly kỳ ca phẫu thuật xóa “cậu nhỏ” để cô gái được hạnh phúc

Không ít cô gái mắc dị tật “khó nói”, thậm chí mang hình hài nam giới đã có được hạnh phúc viên mãn nhờ phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ.
Ca phẫu thuật tìm lại giới tính thật cho một bệnh nhân lưỡng giới. Ảnh: Tạ Hải
Ca phẫu thuật tìm lại giới tính thật cho một bệnh nhân lưỡng giới. Ảnh: Tạ Hải

Hạnh phúc của cô gái mang hình hài nam giới

Những ngày này, đôi mắt cô gái Lê Thị Huyền (TP HCM, tên nhân vật đã thay đổi), luôn lấp lánh hạnh phúc cùng nụ cười viên mãn. Cô đã thực sự có được hình hài “phụ nữ” theo đúng nghĩa đen sau gần 2 tháng thực hiện thành công ca phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ tại Bệnh viện E Hà Nội.

Nhắc đến Huyền, Ths. BS. Nguyễn Đình Minh, Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ - Hàm mặt, Bệnh viện E cho biết: “Đây là trường hợp đầu tiên được chúng tôi thực hiện “hoán đổi” từ nam sang nữ. Thực sự đó là một ca khó, rất khó nhưng đã thành công. Chắc chỉ sau 1 tháng nữa theo dõi, Huyền sẽ trở về TP HCM và sống cuộc sống của người phụ nữ “không còn sợ yêu” nữa”.

Ngay từ nhỏ, chính mẹ Huyền đã nhận thấy bộ phận sinh dục của con có sự bất thường. Đến tuổi dậy thì, thay vì có kinh nguyệt giống nữ giới thì phần âm vật lại phát triển mạnh, có hình thù giống với dương vật, dài khoảng 4 - 5cm.

Cơ thể cũng mang hơi hướng nam giới với bộ ngực phẳng lỳ. Thế nhưng tâm lý hành vi, ứng xử của Huyền lại phát triển giống như một thiếu nữ, cũng rung động trước nam giới và giọng nói vô cùng nhẹ nhàng, dịu dàng…

Điều khốn khó, bộ phận sinh dục của Huyền dù mang hình dáng dương vật nhưng cấu tạo lỗ tiểu thấp, không thể tiểu tiện như một người nam. Luôn giấu mình trong vỏ bọc của một người nữ nhưng lại có dáng hình nam giới, với Huyền đó là cả chuỗi ngày buồn.

Từng đưa con đi thăm khám nhiều nơi, mẹ Huyền cho hay: “Gia đình gần như chết lặng người khi được bác sỹ thông báo, cơ thể Huyền có buồng trứng bình thường, tuy nhiên, không có âm đạo, tử cung teo, mà lại có phần âm vật phát triển giống bộ phận sinh dục giống như dương vật. Hầu hết họ đều lắc đầu. Không nỗi đau nào hơn khi nhìn con khắc khoải trong chính cơ thể của chính mình”.

Tình cờ đọc được thông tin về các bác sĩ khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ - Hàm mặt, Bệnh viện E đã tạo hình thẩm mỹ thành công nhiều ca dị tật không âm đạo trước đây, Huyền đã tới gặp ThS. BS. Nguyễn Đình Minh với mong mỏi tìm câu trả lời “Tôi là nam hay nữ?”.

BS. Minh cho biết, sau khi thăm khám, tiến hành làm các xét nghiệm cần thiết, đặc biệt là xét nghiệm bệnh nhân mắc chứng nữ lưỡng giới giả nam hay còn gọi là hội chứng tăng sản thượng thận bẩm sinh, các bác sĩ xác định bệnh nhân cần phẫu thuật tạo hình để trả về đúng giới tính nữ.

Ca phẫu thuật tạo hình cho bệnh nhân diễn ra hơn 7 giờ, trong đó khó nhất là mổ tạo hình âm đạo.

“Do đây là trường hợp bệnh nhân không có âm hộ nhưng tầng sinh môn hẹp nên kíp tạo hình âm đạo đã phối hợp cùng chuyên gia phẫu thuật tiêu hoá để tạo hình âm đạo phía trước trực tràng và phía sau của niệu quản bàng quang. Khi tạo hình âm vật, các bác sĩ giữ lại vạt cảm giác gồm mạch máu và dây thần kinh để đảm bảo cảm giác cho bệnh nhân một cách tốt nhất”, BS. Minh cho biết.

Dị tật khó phát hiện

Được biết, khoa Phẫu thuật thẩm mỹ tạo hình - Hàm mặt đã từng tiếp nhận không ít các ca bệnh nhân mắc dị tật không âm đạo. Đây là một dị tật “khó nói” và thường bị bỏ qua, nhưng nó lại tước đi cơ hội được hạnh phúc nếu như người phụ nữ ấy không có người chồng biết chia sẻ.

Nhắc lại các bệnh nhân của mình, BS. Minh vẫn nhớ mãi nữ bệnh nhân được người chồng đưa đến “nhờ” bác sĩ phẫu thuật tạo hình âm đạo. Được biết, trước khi đến với người chồng này, người phụ nữ ấy đã từng đóng cửa trái tim mình vì người chồng sắp cưới trước đó đã từ hôn khi biết chị mang dị tật. “Cuộc phẫu thuật thành công và tới giờ sau hơn 2 năm, họ sống với nhau thật hạnh phúc”, BS. Minh nói.

Tiếp lời BS. Minh, bác sĩ nội trú Nguyễn Thị Ngân cho biết: “Cách đây không lâu, một cô gái trẻ cũng mang dị tật không âm đạo được gia đình đưa đến đây để thực hiện phẫu thuật. Theo chia sẻ của cô gái này, trước ngày quyết định phẫu thuật, gia đình cô đã nhận sính lễ ăn hỏi và trì hoãn lại đám cưới 6 tháng để đi chữa dị tật. Sau này liên lạc lại với bệnh nhân chúng tôi được biết, cuộc sống vợ chồng họ rất viên mãn. Hiện giờ họ đang chờ đợi ngày làm cha làm mẹ qua phương pháp thụ tinh nhân tạo”.

Chia sẻ về các trường hợp dị tật âm đạo, BS. Minh cho hay, những cô gái gặp phải tình cảnh trớ trêu này rất khó phát hiện vì cơ thể vẫn phát triển bình thường, nhưng bên trong cơ quan sinh dục lại không có âm đạo, không có khoang trống để quan hệ tình dục.

Hầu hết chỉ khi đến tuổi dậy thì mới phát hiện do không có hiện tượng kinh nguyệt hoặc không thể quan hệ tình dục. Trước kia người bệnh ít có thông tin về việc chữa trị phẫu thuật nên hầu hết đều “giữ trong lòng” cùng tâm lý e ngại, né tránh. Tuy nhiên, những năm gần đây, do truyền thông tốt hơn nên nhiều bệnh nhân đã được sống với tình yêu, hạnh phúc của chính mình sau khi thực hiện phẫu thuật tạo hình âm đạo thành công.

Uyên Vũ

Đọc tiếp cùng chuyên mục

Điều khác biệt của mùa sốt xuất huyết năm nay

Điều khác biệt của mùa sốt xuất huyết năm nay

Y học thường thức - 06/08/2024

Điều khác biệt của mùa sốt xuất huyết năm nay

Xuất hiện ổ dịch bệnh sởi tại Đắk Lắk

Xuất hiện ổ dịch bệnh sởi tại Đắk Lắk

Y học thường thức - 16/07/2024

Xuất hiện ổ dịch bệnh sởi tại Đắk Lắk

Xử trí kiến ba khoang đốt, tránh để lại sẹo thâm

Xử trí kiến ba khoang đốt, tránh để lại sẹo thâm

Y học thường thức - 03/07/2024

Xử trí kiến ba khoang đốt, tránh để lại sẹo thâm

Trẻ béo phì có vệt đen vùng cổ, có đáng lo?

Trẻ béo phì có vệt đen vùng cổ, có đáng lo?

Y học thường thức - 28/05/2024

Trẻ béo phì có vệt đen vùng cổ, có đáng lo?

Chớ chủ quan với bệnh giời leo

Chớ chủ quan với bệnh giời leo

Y học thường thức - 02/05/2024

Chớ chủ quan với bệnh giời leo

Bảng thống kê bệnh nhân nhiễm bệnh nCoV các quốc gia trên thế giới