Nghi ngại nguồn lây nCoV từ thực phẩm sống
Sự việc làm dấy lên câu hỏi liệu thực phẩm đông lạnh có thể trở thành nơi cư trú và lây lan của nCoV hay không.
Ông Wu Zunyou, giám đốc dịch tễ tại Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc (CDC), cho biết virus có thể tồn tại trên bề mặt đồ ăn đông lạnh khoảng ba tháng. Cơ quan cũng đặt ra giả thuyết mầm bệnh được "nhập khẩu" vào nước này qua hàng hóa bị nhiễm bẩn.
Tiến sĩ Dale Fisher, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm, giám đốc Mạng lưới Cảnh báo và Giải quyết Khủng hoảng Y tế Toàn cầu tại Singapore, trực thuộc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đồng tình với quan điểm này.
"Muốn bảo quản một loại virus, ta phải trữ đông nó. Như vậy, nếu mầm bệnh cư trú trong các gói hàng hóa đông lạnh, chúng có thể sống sót. Thời gian thông thường là dưới một tuần. Nhưng nhiệt độ càng thấp, chúng càng tồn tại lâu hơn. Đây là một phần của giả thuyết cho rằng Covid-19 dễ lây lan hơn vào mùa đông".
Tuy nhiên, một số chuyên gia có ý kiến ngược lại.
Các loại virus lây lan qua thực phẩm đông lạnh thường gây ra bệnh đường tiêu hóa như tiêu chảy cấp, viêm gan A, khi người bệnh ăn phải chúng. Theo Giáo sư Jin Dong-Yun, khoa vi sinh, trường Đại học Hong Kong, hiện chưa có bằng chứng nCoV lây truyền qua việc tiêu thụ thực phẩm bị nhiễm bẩn. Phần lớn người dân mắc Covid-19 sau khi tiếp xúc với bệnh nhân.
Eual Leshem, giám đốc Trung tâm Y tế Du lịch và Bệnh nhiệt đới, Trung tâm Y tế Sheba, Israel, nhận định: "Trường hợp nhiễm trùng từ thực phẩm tươi sống như thịt, cá chỉ có thể xảy ra nếu một đầu bếp hoặc nhân viên phục vụ mắc bệnh chạm vào thức ăn".
Trước đó, một nhóm nhà khoa học tại Hong Kong đã chỉ ra rằng thời gian tồn tại của nCoV thay đổi đáng kể bởi nhiệt độ và độ ẩm. Báo cáo sơ bộ cho thấy virus chỉ có thể sống sót một ngày trong điều kiện 37 độ C. Nếu mức nhiệt giảm còn 22 độ C, mầm bệnh lưu lại khoảng một tuần. Với 4 độ C, thời gian sống sót của chúng hơn hai tuần. Tuy nhiên, nghiên cứu được thực hiện trên bề mặt chất rắn, chứ không phải thức ăn.
"Tôi khá hoài nghi về giả thiết cụm dịch mới thực sự bắt nguồn từ một loại thực phẩm đông lạnh cách xa hàng nghìn dặm. Nhiều khả năng, mầm bệnh xuất phát từ một người dân làm việc trong chợ. Nhưng chúng tôi chưa thể đưa ra kết luận chắc chắn cho đến khi tìm được người này", Paul Tambuah, chủ tịch Viện Vi trùng học và Bệnh truyền nhiễm châu Á Thái Bình Dương, nói.
Trên thực tế, các vật chủ tiềm năng của nCoV thường là động vật có vú. Cá hồi gần như không thể nhiễm virus, theo Cheng Gong, chuyên gia virus tại Đại học Thanh Hoa, Trung Quốc.
"Virus phải dựa vào thụ thể trên bề mặt tế bào chủ để lây nhiễm cho tế bào. Nếu không có thụ thể nhất định, chúng không thể xâm nhập thành công. Các bằng chứng từ trước đến nay cho thấy những loại thụ thể này chỉ tồn tại ở động vật có vú, không phải cá", ông giải thích.
Ưu tiên hiện nay của Bắc Kinh là tìm cho ra nguồn lây nhiễm cho cái thớt thái cá, ông Zhong Kai, chuyên gia thuộc Hiệp hội Y tế dự phòng Trung Quốc, nói. Ông cũng khuyến cáo công chúng không ăn cá hồi sống chừng nào chưa có kết quả điều tra nguồn gốc dịch.
Thục Linh (Theo Reuters, CGTN)
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Điều khác biệt của mùa sốt xuất huyết năm nay
Y học thường thức - 06/08/2024
Điều khác biệt của mùa sốt xuất huyết năm nay
Xuất hiện ổ dịch bệnh sởi tại Đắk Lắk
Y học thường thức - 16/07/2024
Xuất hiện ổ dịch bệnh sởi tại Đắk Lắk
Xử trí kiến ba khoang đốt, tránh để lại sẹo thâm
Y học thường thức - 03/07/2024
Xử trí kiến ba khoang đốt, tránh để lại sẹo thâm
Trẻ béo phì có vệt đen vùng cổ, có đáng lo?
Y học thường thức - 28/05/2024
Trẻ béo phì có vệt đen vùng cổ, có đáng lo?
Chớ chủ quan với bệnh giời leo
Y học thường thức - 02/05/2024
Chớ chủ quan với bệnh giời leo