Nghiên cứu công dụng thuốc trị giun sán chống Covid-19
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, Việt Nam đang nghiên cứu các loại thuốc điều trị Covid-19, ứng dụng những kết quả nghiên cứu và thành tựu của nước ngoài. Ngoài các thuốc điều trị HIV, thuốc chloroquine và hydroxy chloroquine, các nghiên cứu mới về thuốc trị giun sán ivermectin và thuốc Đông y cũng được Bộ cân nhắc.
Bác sĩ Nguyễn Quang Thiều, Phó viện trưởng Sốt rét - Côn trùng - Ký sinh trùng Trung ương, cho biết ivermectin là thuốc điều trị bệnh giun, sán trên cơ thể người, theo phác đồ của Bộ Y tế.
Các nhà khoa học Australia và Bệnh viện Hoàng gia ở Melbourne, cũng đang nghiên cứu hiệu quả điều trị Covid-19 của thuốc ivermectin. Họ phát hiện thuốc này có thể kháng virus và ngăn chặn sự sinh sản của nCoV khi thí nghiệm trên tế bào.
Tuy nhiên, bác sĩ Thiều cho biết nghiên cứu này mới được thực hiện trong phòng thí nghiệm ở cấp độ tế bào, chưa được thử nghiệm lâm sàng trên người.
"Thuốc có thể tác dụng tốt trên tế bào nhưng chưa chắc tác dụng trên cơ thể người và phải trải qua quá trình thử nghiệm chặt chẽ, có bằng chứng nghiên cứu rồi mới áp dụng", bác sĩ Thiều nói.
Các nhà khoa học chưa đưa ra bất cứ khuyến cáo nào về dùng thuốc này hoặc liều lượng sử dụng để diệt nCoV. Bác sĩ cũng cho biết ngoài Australia, chưa có nghiên cứu nào khác về hiệu quả điều trị Covid-19 của thuốc giun sán, được công bố.
Về thuốc đông y, Phó giáo sư Phạm Vũ Khánh, nguyên Cục trưởng Quản lý Y, dược cổ truyền, Bộ Y tế, cho biết hiện tại các bệnh nhân được điều trị bằng phương pháp Tây y, theo phác đồ Bộ Y tế, chưa cần dùng đến các phương pháp của Đông y.
Tuy nhiên, tương lai nếu Đông y tham gia vào nghiên cứu, hỗ trợ điều trị bệnh, cần có những thầy thuốc có kinh nghiệm chữa virus bằng Đông y, có kiến thức về dịch tễ, để khám và theo dõi triệu chứng.
"Mỗi bệnh nhân có một triệu chứng khác nhau và những triệu chứng đó thay đổi từng ngày, gồm nhiều thể khác nhau nữa. Như vậy, mỗi thể cần bài thuốc khác nhau dựa trên sự nghiên cứu rất kỹ lưỡng. Giai đoạn khởi phát chữa khác, giai đoạn toàn phát chữa khác", ông Khánh cho biết.
Ông cũng cho rằng "không có một bài thuốc đông y nào có thể chữa khỏi bệnh từ đầu đến cuối. Ngược lại, nếu sử dụng như vậy rất nguy hiểm, vì bệnh nhân có thể bỏ lỡ thời gian vàng trong điều trị".
Ông Khánh nhận định, ở Trung Quốc, y học cổ truyền tham gia chữa Covid-19 rất hiệu quả, bởi họ có các thầy thuốc dày dặn kinh nghiệm từng chữa bệnh dịch.
"Họ nghiên cứu rất sâu về thuốc cổ, từng được sử dụng để chữa bệnh viêm gan, virus cúm... Khi có người mắc bệnh, họ cử từng đội đi khám, cho thuốc hàng ngày tùy theo triệu chứng thay đổi. Sau đó, họ tổng kết ra các thể bệnh. Thể này dùng thuốc này, thể kia dùng thuốc kia", Phó giáo sư Khánh giải thích.
Tại Việt Nam, việc kiểm soát dịch vụ khám chữa bệnh Đông y vẫn còn hạn chế, nhiều bài thuốc chữa bệnh của thầy lang không có cơ sở khoa học, gây nhiều tranh cãi.
Phó giáo sư Khánh nhấn mạnh: "Nếu y học cổ truyền tham gia trị bệnh, cần có sự nghiên cứu rất kỹ lưỡng về thuốc, thầy thuốc cũng phải có kiến thức tổng hợp cả Đông Tây y".
Chi Lê - Thúy Quỳnh
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Điều khác biệt của mùa sốt xuất huyết năm nay
Y học thường thức - 06/08/2024
Điều khác biệt của mùa sốt xuất huyết năm nay
Xuất hiện ổ dịch bệnh sởi tại Đắk Lắk
Y học thường thức - 16/07/2024
Xuất hiện ổ dịch bệnh sởi tại Đắk Lắk
Xử trí kiến ba khoang đốt, tránh để lại sẹo thâm
Y học thường thức - 03/07/2024
Xử trí kiến ba khoang đốt, tránh để lại sẹo thâm
Trẻ béo phì có vệt đen vùng cổ, có đáng lo?
Y học thường thức - 28/05/2024
Trẻ béo phì có vệt đen vùng cổ, có đáng lo?
Chớ chủ quan với bệnh giời leo
Y học thường thức - 02/05/2024
Chớ chủ quan với bệnh giời leo