Người khỏi Covid-19 có tái nhiễm không?
Khi gặp virus, hệ thống miễn dịch của cơ thể sẽ tạo ra các kháng thể đặc hiệu, tấn công mầm bệnh. Hiểu biết chung của nhiều người là sau khi mắc bệnh do virus, người bệnh không thể tái nhiễm bởi đã có một "phòng tuyến" bảo vệ hiệu quả.
Song trên thực tế, cơ chế này phức tạp hơn nhiều. Hệ miễn dịch được ví như quang phổ, có những kháng thể đặc hiệu với một số loại virus nhất định, chẳng hạn thủy đậu hay sởi. Sau khi mắc bệnh, khả năng tái nhiễm gần như bằng không. Trong khi đó các virus gây suy giảm miễn dịch như HIV thường không có kháng thể tương đương.
Đối với nCoV, các nhà khoa học chưa hiểu rõ về phản ứng của hệ miễn dịch khi gặp virus, theo ông George Rutherford, trưởng khoa truyền nhiễm và dịch tễ học toàn cầu tại Đại học California San Francisco, Mỹ.
"Sẽ mất một thời gian để tìm ra câu trả lời", ông khẳng định.
Nắm được mức độ miễn dịch ở những người khỏi bệnh Covid-19 là chìa khóa giúp các nước quyết định có dỡ bỏ lệnh phong tỏa hay không.
Nhiều quốc gia ráo riết thực hiện biện pháp xét nghiệm huyết thanh đại trà, xác định những người đã miễn dịch với virus. Đây được coi như một phần quan trọng trong nỗ lực mở cửa lại nền kinh tế, để mọi người có thể trở lại làm việc bình thường. Bang New York đã phê duyệt thêm một bộ kit xét nghiệm nhanh, dự kiến sử dụng rộng rãi trong thời gian tới. Anthony Fauci, giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia, thậm chí đề xuất cấp "giấy chứng nhận miễn dịch" cho người lao động. Ý tưởng tương tự cũng được các chuyên gia châu Âu cân nhắc.
Song dường như họ chưa trả lời được câu hỏi cấp thiết còn bỏ ngỏ: Kháng thể đối với nCoV có thể tồn tại trong cơ thể người và ngăn ngừa virus bao lâu?
Theo ông Rutherford, ở kịch bản lý tưởng, người từng mắc Covid-19 có miễn dịch suốt đời giống như với bệnh sởi. Như vậy khi các quốc gia đạt được tình trạng "miễn dịch cộng đồng", virus sẽ ngừng lây lan.
"Đây là hy vọng cho Covid-19", ông Rutherford.
Mới chỉ là hy vọng. Phản ứng của hệ miễn dịch đối với nCoV hay bất cứ loại virus corona nào khác, trong đó có SARS và MERS, khá phức tạp. Chúng đặc trưng bởi các protein gai, cho phép bám chặt vào tế bào của vật chủ.
"Hiện chưa có bằng chứng cho thấy kháng thể bảo vệ được bệnh nhân (trong thời gian dài). Cũng chẳng điều gì chứng minh được người từng mắc bệnh không thể tái nhiễm virus", David Walt, giáo sư bệnh học Trường Y Harvard và Bệnh viện Phụ Nữ Brigham, nhấn mạnh.
Nghiên cứu năm 1984 về một loại virus corona chỉ ra rằng không phản ứng miễn dịch nào kéo dài quá lâu. Theo đó, các nhà khoa học Anh đã lây nhiễm virus cúm mùa cho các tình nguyện viên và tiến hành tiêm vaccine để theo dõi lượng kháng thể sản sinh. Kết quả xét nghiệm một năm sau cho thấy hệ miễn dịch hoạt động hiệu quả đối với cùng chủng virus. Tuy nhiên, những người tiếp xúc với đột biến (dù nhỏ) của mầm bệnh vẫn phát triển triệu chứng cảm cúm.
Các chuyên gia kết luận, người bệnh chỉ đạt được "miễn dịch một phần" sau khi mắc bệnh. Nghiên cứu khác, được công bố năm 1990, cho thấy ở một số người, mức độ kháng thể giảm quá nhanh sau một năm. Hệ miễn dịch của họ thậm chí không chống lại được chính chủng virus từng nhiễm.
Trên thực tế, chỉ những "kháng thể trung hoà" mới làm giảm hoặc ngăn ngừa được nhiễm trùng do virus. Các loại khác có khả năng phát hiện, song không thể liên kết để tiêu diệt mầm bệnh.
Giới chuyên gia kỳ vọng nCoV có kháng thể trung hoà. Nhiều bệnh viện đã tiến hành truyền máu có chứa huyết tương từ người đã khỏi Covid-19 cho các bệnh nhân dương tính. Phương pháp vẫn có tác dụng đối với các trường hợp nguy kịch. Song không rõ lượng kháng thể này duy trì trong bao lâu.
Tuần này, số người tái dương tính tại Hàn Quốc tiếp tục tăng lên 163, theo công bố của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (KCDC). Hiện tượng tương tự được ghi nhận ở Trung Quốc.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vừa qua cũng tuyên bố chưa tìm ra bằng chứng cho thấy những người đã hồi phục sau khi nhiễm nCoV có khả năng miễn dịch lâu dài.
Để hiểu rõ hơn về điều này, các nhà khoa học cần thực hiện thêm nhiều nghiên cứu trên các ca nhiễm nCoV cụ thể. Kết quả sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình điều chế vaccine, thử thuốc và quyết định nới lệnh phong toả.
Thục Linh (Theo NY Times)
Tin lên quan
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Điều khác biệt của mùa sốt xuất huyết năm nay
Y học thường thức - 06/08/2024
Điều khác biệt của mùa sốt xuất huyết năm nay
Xuất hiện ổ dịch bệnh sởi tại Đắk Lắk
Y học thường thức - 16/07/2024
Xuất hiện ổ dịch bệnh sởi tại Đắk Lắk
Xử trí kiến ba khoang đốt, tránh để lại sẹo thâm
Y học thường thức - 03/07/2024
Xử trí kiến ba khoang đốt, tránh để lại sẹo thâm
Trẻ béo phì có vệt đen vùng cổ, có đáng lo?
Y học thường thức - 28/05/2024
Trẻ béo phì có vệt đen vùng cổ, có đáng lo?
Chớ chủ quan với bệnh giời leo
Y học thường thức - 02/05/2024
Chớ chủ quan với bệnh giời leo