Nguy cơ lây nhiễm chéo từ bàn tay lấy mẫu xét nghiệm

Việc khử khuẩn của nhân viên y tế trong quá trình lấy mẫu xét nghiệm rất quan trọng để tránh tạo ra nguy cơ lây nhiễm chéo. Trong quy trình này, người dân có quyền giám sát, nhắt nhở để bảo đảm an toàn cho bản thân.
THIÊN LAM
(Ảnh: DUY LINH)

 

Hiện nay, các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội tiếp tục được đẩy nhanh tốc độ lấy mẫu xét nghiệm, đặc biệt là lấy mẫu ở những vùng có nguy cơ cao để phát hiện kịp thời các ổ dịch.

Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh, đến ngày 4/9, thành phố đã cơ bản đã hoàn thành xét nghiệm đợt 1, đợt 2 ở tất cả các vùng đỏ, cam, vàng, xanh. Kết quả xét nghiệm RT-PCR từ ngày 27/4 đến 6/9, thành phố đã lấy 1.729.651 mẫu với 6.243.805 người được lấy mẫu.

Tại Hà Nội, vừa qua đã triển khai 3 đợt lấy mẫu xét nghiệm trên diện rộng với hơn 2 triệu mẫu xet nghiệm. Đặc biệt, từ ngày 6/9 đến 12/9, Hà Nội triển khai xét nghiệm toàn bộ 100% người dân trên toàn địa bàn thành phố theo nguyên tắc tại khu vực phong tỏa, khu cách ly, khu vực nguy cơ rất cao, lấy mẫu cho toàn bộ người dân từ 2-3 ngày/lần. Tại khu vực có nguy cơ cao sẽ lấy mẫu xét nghiệm cho toàn bộ người dân từ 5-7 ngày/lần. Tại các khu vực khác sẽ lấy mẫu xét nghiệm cho toàn bộ người dân ít nhất 1 lần.

Tuy nhiên, tại một số nơi, có nhiều người dân từ chối việc đi lấy mẫu vì lo ngại có thể bị lây nhiễm chéo tại khu vực xét nghiệm khi nhân viên y tế không thay găng tay trong quá trình lấy mẫu cho từng người.

Theo một số chuyên gia dịch tễ, việc lấy mẫu xét nghiệm hiện nay đang được ưu tiên lấy mẫu ở vùng đỏ, vùng có nguy cơ cao để phát hiện F0. Vì thế, trong số người được xét nghiệm hoàn toàn có thể xuất hiện F0. Lúc này, việc không bảo đảm vệ sinh tay trong quá trình lấy mẫu sẽ mang đến nguy cơ lây nhiễm rất lớn.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Cố vấn chuyên môn khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, TP Hồ Chí Minh cho biết, trong quá trình lấy mẫu, việc không sát khuẩn tay theo đúng quy định là hành động rất nguy hiểm.

Theo PGS, TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, có khả năng xảy ra lây nhiễm chéo nếu nhân viên y tế không thực hiện đúng quy định. Bởi vì khi lấy mẫu, nếu người được lấy là F0, virus có thể dính vào găng tay nhân viên y tế. Nếu không lập tức sát khuẩn tay sau đó, nhân viên y tế lại tiếp tục đưa tay chạm vào mũi người dân tiếp theo, nguy cơ lây nhiễm là rất cao. Thậm chí, hành động này có thể gây lây nhiễm virus cho rất nhiều người đến lấy mẫu.

Theo ông Nga, trong đợt tới Hà Nội xét nghiệm toàn bộ người dân thành phố, nếu trong trường hợp xét nghiệm quá nhiều người sẽ khiến cho nhân viên y tế kiệt sức việc bảo đảm sát trùng, thay găng tay là rất khó và người dân tập trung quá đông không tuân thủ giãn cách sẽ khiến cho lây lan dịch bệnh.

Vì thế, các chuyên gia cho rằng, nếu cảm thấy không an toàn khi nhân viên y tế không thực hiện sát khuẩn trước khi lấy mẫu, người dân có quyền từ chối lấy mẫu xét nghiệm.

Ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội cho biết, theo quy định của Bộ Y tế, sau mỗi lần thực hiện lấy mẫu, nhân viên y tế phải sát khuẩn tay cẩn thận bằng cồn. Nếu lấy mẫu cho người này, chưa sát khuẩn mà lấy mẫu cho người kia là sai quy định.

Trong tất cả các đợt lấy mẫu xét nghiệm diện rộng, CDC Hà Nội đã có chỉ đạo tới tất cả đơn vị, nhân viên y tế làm nhiệm vụ lấy mẫu, yêu cầu phải có đồ bảo hộ, găng tay đạt chuẩn khi làm việc. Găng tay không cần thay liên tục, nhưng việc sát khuẩn liên tục là bắt buộc.

Về việc khi phải thực hiện lấy mẫu cho số lượng người quá lớn, cũng có thể xảy ra trường hợp một số nhân viên quên quy trình chuẩn. Ông Tuấn cho rằng, trong tình huống này, người dân có quyền giám sát nhắc nhở, yêu cầu người lấy mẫu sát khuẩn đầy đủ trước khi lấy mẫu cho mình.

Ông Tuấn phân tích thêm, nguy cơ lây nhiễm virus SARS-CoV-2 qua bề mặt là có nhưng khá hạn chế, không cao như lây qua giọt bắn. Lây nhiễm trên bề mặt thường xảy ra nhiều hơn ở môi trường có mật độ bệnh nhân đông như bệnh viện. Tuy nhiên, việc phải tuân thủ tuyệt đối quy trình về sát khuẩn, giãn cách, hạn chế tối đa nguy cơ lây lan mầm bệnh là rất quan trọng và được CDC nhắc nhở thường xuyên.

Để hạn chế thấp nhất lây nhiễm chéo, đặc biệt khi Hà Nội chuẩn bị lấy mẫu toàn thành phố, ông Tuấn cho biết, CDC có các đội giám sát, hỗ trợ quận, huyện để đôn đốc, nhắc nhở việc tuân thủ các quy định chuyên môn về công tác lấy mẫu, vận chuyển, bảo quản…

Ông Tuấn cũng lưu ý khi được mời đi lấy mẫu xét nghiệm, việc trang bị khẩu trang đầy đủ là quan trọng nhất. Bên cạnh đó, cần tuân thủ quy định về giãn cách. Đặc biệt, nếu thấy nhân viên y tế sơ suất, quên việc sát khuẩn, người dân có quyền nhắc nhở để bảo đảm an toàn cho bản thân.

THIÊN LAM

Đọc tiếp cùng chuyên mục

Điều khác biệt của mùa sốt xuất huyết năm nay

Điều khác biệt của mùa sốt xuất huyết năm nay

Y học thường thức - 06/08/2024

Điều khác biệt của mùa sốt xuất huyết năm nay

Xuất hiện ổ dịch bệnh sởi tại Đắk Lắk

Xuất hiện ổ dịch bệnh sởi tại Đắk Lắk

Y học thường thức - 16/07/2024

Xuất hiện ổ dịch bệnh sởi tại Đắk Lắk

Xử trí kiến ba khoang đốt, tránh để lại sẹo thâm

Xử trí kiến ba khoang đốt, tránh để lại sẹo thâm

Y học thường thức - 03/07/2024

Xử trí kiến ba khoang đốt, tránh để lại sẹo thâm

Trẻ béo phì có vệt đen vùng cổ, có đáng lo?

Trẻ béo phì có vệt đen vùng cổ, có đáng lo?

Y học thường thức - 28/05/2024

Trẻ béo phì có vệt đen vùng cổ, có đáng lo?

Chớ chủ quan với bệnh giời leo

Chớ chủ quan với bệnh giời leo

Y học thường thức - 02/05/2024

Chớ chủ quan với bệnh giời leo

Bảng thống kê bệnh nhân nhiễm bệnh nCoV các quốc gia trên thế giới