Nguy cơ nhiễm nCoV ở bệnh nhân chạy thận
Tiến sĩ Nguyễn Bách, Trưởng Khoa Thận Lọc máu, Bệnh viện Thống Nhất TP HCM, cho biết nhiều yếu tố nội tại cũng như những bất lợi từ bên ngoài hiện có thể ảnh hưởng bệnh nhân suy thận mạn.
Các yếu tố nội tại do chính bản thân người bệnh đã có sẵn, không thể thay đổi được. Các bệnh nhân chạy thận nhân tạo thường lớn tuổi, khoảng trên 60 tuổi với nhiều bệnh nền như đái tháo đường, bệnh lý tim mạch, phổi mạn tính, viêm gan, xơ gan, ung thư... Người bệnh có sức đề kháng kém, khả năng miễn dịch yếu do suy thận gây ra nên dễ nhiễm bệnh và khi nhiễm bệnh rất dễ xảy biến chứng nặng.
Yếu tố bất lợi từ bên ngoài, gồm:
- Bệnh nhân chạy thận nhân tạo phải thường xuyên ra vào viện để lọc máu 2-3 lần mỗi tuần. Môi trường bệnh viện dễ mắc bệnh truyền nhiễm. Bệnh nhân phải tiếp xúc với nhân viên y tế, các người bệnh khác nên dễ lây chéo.
- Môi trường phòng lọc máu thường sử dụng máy điều hòa, phòng kín và lưu thông không khí kém. Trong điều kiện Việt Nam hiện tại, các trung tâm lọc máu luôn đông, quá tải, giường lọc máu gần sát nhau nên dễ xảy ra lây nhiễm.
- Nguy cơ lây nhiễm bệnh từ người chăm sóc. Những bệnh nhân già yếu không tự sinh hoạt phải nhờ người chăm sóc, tắm giặt, vệ sinh cá nhân, đưa đi lại bệnh viện, cho ăn uống... Người chăm sóc có thể nhiễm bệnh không triệu chứng và trở thành nguồn lây cho bệnh nhân lọc máu.
Tại Việt Nam, ước tính khoảng 5 triệu người bị suy thận và 8.000 bệnh nhân mới mỗi năm. Khoảng 800.000 người bị suy thận giai đoạn cuối cần lọc máu, chiếm 0,1% dân số.
Số liệu của các tác giả F. He và G. Xu tại Vũ Hán, Trung Quốc, trong thời kỳ dịch bùng phát có đến 10% bệnh nhân lọc máu tại các trung tâm thận nhân tạo nhiễm nCoV.
Bác sĩ Bách khuyến cáo 10 điều bệnh nhân chạy thận nhân tạo ngoại trú cần lưu ý trong đại dịch:
1. Chủ động tự cách ly tại nhà, hạn chế hoặc không tiếp xúc trực tiếp với bên ngoài, ngay cả người thân trong gia đình như con, cháu vì những người này thường ra ngoài, tiếp xúc với môi trường bên ngoài. Phòng ở thông thoáng, mở cửa sổ, sử dụng quạt vào mùa nóng, không nên dùng điều hòa.
2. Chủ động khai báo y tế, tiền sử tiếp xúc, khu vực đang sinh sống có bị cách ly hay không để được hướng dẫn và giúp đỡ. Tuyệt đối không giấu thông tin này. Các bệnh viện đã có phương án giải quyết cho bệnh nhân nhiễm nCoV lọc máu đúng chu kỳ.
3. Báo ngay cho nhân viên khoa thận nhân tạo những triệu chứng như sốt, đau họng, khó thở, nhức mỏi cơ thể, ngửi không nghe được mùi. Bệnh nhân yên tâm sẽ được lọc máu đúng lịch vì các bệnh viện đã có khu lọc máu riêng cho người nghi nhiễm hoặc mắc bệnh.
4. Di chuyển đến bệnh viện lọc máu nên dùng xe cá nhân như xe máy, ôtô riêng của gia đình với cửa xe được mở thông thoáng. Luôn đeo khẩu trang khi vào viện lọc máu.
5. Trong phòng lọc máu luôn đeo khẩu trang, hạn chế tối đa nói chuyện. Không ăn uống, không mang bất kể đồ dùng cá nhân vào phòng lọc máu. Khi ho, hắt hơi cần che miệng, khạc đàm dùng khăn giấy lau miệng và cho vào túi nilon bỏ vào rác y tế. Các phòng lọc máu cần đảm bảo vệ sinh, sạch sẽ, lưu thông không khí bằng quạt hút, điều hòa và mở cửa sổ.
6. Lọc máu xong nên đi thẳng về nhà, giặt ngay áo quần đã mặc ở bệnh viện, tắm bằng nước ấm và mặc áo quần mới.
7. Tắm nắng 30 phút mỗi buổi sáng hàng ngày, đồ dùng cá nhân như áo quần, chăn màn cần phơi nắng.
8. Tuân thủ chế độ dinh dưỡng dành cho bệnh nhân lọc máu, tránh uống nước quá nhiều trong mùa nắng nóng, tăng kali máu do ăn trái cây nhiều.
9. Hạn chế tối đa phải nhập viện nội trú trong giai đoạn dịch bệnh.
10. Liên lạc với nhân viên y tế qua điện thoại với các trung tâm đang lọc máu, thường xuyên báo cáo về tình trạng sức khỏe, tư vấn sử dụng sử dụng thuốc, chế độ ăn. Hạn chế đi vào bệnh viện để khám bệnh, chỉ đi khám khi thật sự cần thiết.
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Điều khác biệt của mùa sốt xuất huyết năm nay
Y học thường thức - 06/08/2024
Điều khác biệt của mùa sốt xuất huyết năm nay
Xuất hiện ổ dịch bệnh sởi tại Đắk Lắk
Y học thường thức - 16/07/2024
Xuất hiện ổ dịch bệnh sởi tại Đắk Lắk
Xử trí kiến ba khoang đốt, tránh để lại sẹo thâm
Y học thường thức - 03/07/2024
Xử trí kiến ba khoang đốt, tránh để lại sẹo thâm
Trẻ béo phì có vệt đen vùng cổ, có đáng lo?
Y học thường thức - 28/05/2024
Trẻ béo phì có vệt đen vùng cổ, có đáng lo?
Chớ chủ quan với bệnh giời leo
Y học thường thức - 02/05/2024
Chớ chủ quan với bệnh giời leo