Nhiễm khuẩn uốn ván từ vết xước nhỏ
Bác sĩ Bùi Thị Dương Thảo (trưởng khoa Thăm dò Chức năng bệnh viện) , ngày 9/2 cho biết bệnh nhân tỉnh táo, khỏe mạnh, chỉ có một triệu chứng là nuốt khó nên được chỉ định nội soi dạ dày. Trước nội soi, bác sĩ phát hiện bệnh nhân khó mở rộng miệng, không phải trường hợp khó nuốt thông thường.
Khai thác tiền sử, bệnh nhân cho biết 10 ngày trước dẫm phải định, thấy vết xước nhỏ lành miệng sớm nên không để ý. Sau khi xét nghiệm, bác sĩ kết luận người bệnh nhiễm khuẩn uốn ván, dừng nội soi và chuyển bà sang khoa Cấp cứu.
"Những vết thương như trầy xước da, đứt tay, côn trùng cắn, dẫm phải đinh tưởng rất đơn giản... nhưng nếu chủ quan và xử lý ban đầu không tốt thì tỷ lệ nhiễm trùng do uốn ván rất cao", bác sĩ nói.
Do tình trạng nặng, bệnh nhân được chuyển sang Bệnh viện nhiệt đới Trung Ương điều trị. Những ngày đầu, người bệnh bị cơn co giật, chân tay không cử động được, phải đại tiểu tiện qua sonde.
Hiện, sức khỏe người bệnh ổn định, có thể xuất viện trong vài ngày tới.
Theo bác sĩ Thảo, uốn ván là một bệnh nhiễm trùng cấp tính có tỷ lệ tử vong cao do ngoại độc tố của trực khuẩn uốn ván (Clostridium tetani) gây ra ngay cả khi vết thương đã lành. Khi mắc bệnh uốn ván, tỷ lệ tử vong rất cao (25-90%). Đặc biệt là uốn ván rốn ở trẻ sơ sinh, tử vong trên 95%.
Khi nhiễm uốn ván, cơ thể trải qua 4 giai đoạn: ủ bệnh, khởi phát, toàn phát và lui bệnh. Uốn ván là bệnh nguy hiểm do thời gian điều trị kéo dài (có thể vài tuần đến vài tháng) và chi phí điều trị rất tốn kém.
Thông thường, nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, bệnh nhân nguy cơ tử vong rất cao do suy hô hấp, ngừng tim đột ngột, nhiễm trùng toàn thân, xuất huyết. Thời gian ủ bệnh càng ngắn thì tình trạng bệnh càng nặng và sẽ diễn biến xấu rất nhanh.
Tiêm huyết thanh phòng uốn ván (SAT) là biện pháp đơn giản và hiệu quả ngăn ngừa bệnh uốn ván khi có vết thương ngoài da.
Bác sĩ khuyến cáo người dân khi làm việc với những vật dụng sắc nhọn cần trang bị đầy đủ trang thiết bị an toàn lao động như giày bảo hộ, găng tay chống cắt, đồ bảo hộ... Nếu chẳng may bị thương cần xử lý đúng cách, rửa vết thương bằng nước sạch, sát trùng bằng cồn tại vết thương và xung quanh; dùng băng vô khuẩn để băng bó vết thương, sau đó đến ngay cơ sở y tế gần nhất để khám và tiêm phòng uốn ván.
Thùy Anh
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Điều khác biệt của mùa sốt xuất huyết năm nay
Y học thường thức - 06/08/2024
Điều khác biệt của mùa sốt xuất huyết năm nay
Xuất hiện ổ dịch bệnh sởi tại Đắk Lắk
Y học thường thức - 16/07/2024
Xuất hiện ổ dịch bệnh sởi tại Đắk Lắk
Xử trí kiến ba khoang đốt, tránh để lại sẹo thâm
Y học thường thức - 03/07/2024
Xử trí kiến ba khoang đốt, tránh để lại sẹo thâm
Trẻ béo phì có vệt đen vùng cổ, có đáng lo?
Y học thường thức - 28/05/2024
Trẻ béo phì có vệt đen vùng cổ, có đáng lo?
Chớ chủ quan với bệnh giời leo
Y học thường thức - 02/05/2024
Chớ chủ quan với bệnh giời leo