Nhiều nghệ sĩ ra đi bất ngờ vì đột quỵ, bác sĩ lưu ý cách xử trí ở nhà
Ngày 6/12, danh hài Chí Tài xuất hiện trên sân bóng rổ trận đấu Thăng Long Warriors và Saigon Heat. Lúc đó, ông trông vẫn khỏe mạnh và hào hứng cổ vũ cho các cầu thủ.
Hôm nay (9/12), nghệ sĩ sinh năm 1958 đã ra đi bất ngờ sau khi đột quỵ và được cấp cứu vào bệnh viện ở TP.HCM.
Theo các chuyên gia trong ngành, đột quỵ có các biểu hiện đột ngột như mặt, tay, chân tê yếu, choáng váng, mất thăng bằng, đau đầu không biết nguyên nhân...
Đột quỵ là một cấp cứu y tế khẩn cấp. Ngay khi phát hiện các dấu hiệu báo động, người nhà cần chuyển ngay bệnh nhân tới cơ sở y tế gần nhất sẽ giảm khả năng tử vong và tàn phế.
Trước đó, gia đình cần tránh để người bị nghi ngờ đột quỵ ngã do chóng mặt. Bệnh nhân cần nằm chỗ thoáng, nghiêng một bên nếu bị nôn, móc hết đờm, nới quần áo cho dễ thở.
Ba giờ đầu là thời gian vàng để đem lại cơ hội sống cho người bệnh. Bệnh nhân nên được di chuyển bằng cáng, nghiêng mặt sang một bên.
Gia đình không nên đi xe máy, tránh xóc, hạn chế đi xa (trừ khi có chỉ định của bác sĩ) vì kéo dài thời gian sẽ gây hại cho người đột quỵ.
Ngoài ra, người nhà không tự ý cho bệnh nhân dùng bất cứ loại thuốc nào, không xoa dầu, cạo gió, không để bệnh nhân nằm chờ xem có khỏe lại không.
Trước đây, một số nghệ sĩ Việt Nam cũng qua đời đột ngột khiến người hâm mộ bàng hoàng.
Diễn viên Anh Vũ
Ngày 1/4/2019, nghệ sĩ Anh Vũ qua đời khi đang lưu diễn ở California (Mỹ). Bố mẹ của anh đã không thể gặp con lần cuối. Sáng 9/4/2019, linh cữu của Anh Vũ được đưa thẳng đến chùa Ấn Quang nằm trên đường Sư Vạn Hạnh, quận 10 để thực hiện lễ tang vào 16h cùng ngày.
Theo thông tin từ người nhà, Anh Vũ bị đột quỵ tại nơi ở. "Anh ấy đi diễn về khuya nhưng vẫn tắm, bị đột quỵ rồi ra đi lúc nào không ai biết. Cảnh sát đã đưa thi thể anh đến nhà xác”, một người thân cho hay.
Đến nay, chưa có bằng chứng nào khẳng định tắm gội đêm là nguy cơ gây đột quỵ mặc dù nhiều nghiên cứu cho thấy ngâm mình trong nước lạnh đột ngột có thể kích hoạt dẫn tới nhồi máu cơ tim hoặc mất trí nhớ thoáng qua.
Tuy nhiên, các bác sĩ vẫn khuyên mọi người không nên tắm khuya, nhất là ngày trời lạnh. Khi đó, mạch máu luôn co lại, khi tiếp xúc với nước ấm, máu dồn ra ngoại vi, gây choáng váng, ngất xỉu.
Nghệ sĩ cải lương Hoài Vĩnh Phúc
Ngày 10/8/2012, nghệ sĩ Hoài Vĩnh Phúc, tên thật là Nguyễn Văn Phúc mất tại TP.HCM. Giọng ca cải lương trữ tình hưởng thọ 70 tuổi, được đưa về nơi an nghỉ cuối cùng ở Bến Tre.
Gia đình cho hay, nghệ sĩ ra đi do đột quỵ. Trước đó, ông vẫn có vẻ ngoài khỏe mạnh dù phàn nàn mệt mỏi.
Đó cũng là biểu hiện của nhiều người bệnh khi đang tham gia các hoạt động hàng ngày bình thường bỗng bị đột quỵ. Họ hoàn toàn không hề hay biết nguy cơ của mình.
Nghệ sĩ hài Kim Ngọc
Nghệ sĩ Kim Ngọc, mẹ diễn viên Hiếu Hiền, bị đột quỵ khi đang ở Long Thành, Đồng Nai. Nữ danh hài của làng kịch Sài Gòn qua đời vào lúc 11h30 ngày 16/1/2011.
Đồng nghiệp khi đó cho biết, bà Kim Ngọc kêu mệt mỏi và được đưa vào bệnh viện địa phương. Sau đó, bà bị tăng huyết áp và qua đời.
Các thống kê chỉ ra đột quỵ xảy ra nhiều nhất vào thời điểm ban ngày từ 8 tới 12h cũng là lúc bà Kim Ngọc mất. Ban đêm, tình trạng này cũng xảy ra nhưng không thường xuyên.
Ca sĩ Lê Dung
Nữ ca sĩ Lê Dung là giọng ca hiếm có, sớm được công nhận tài năng và nhận danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân khi còn trẻ. Tuy nhiên, cô đã qua đời vào ngày 29/1/2001 tức mùng 5 Tết Tân Tỵ, do tai biến mạch máu não. Khi đó, cô mới 49 tuổi.
Những cơn đột quỵ thường xuất hiện bất ngờ và nhanh chóng khiến bệnh nhân bị suy giảm sức lực. Việc chữa trị cũng gặp nhiều khó khăn bởi cần cấp cứu trong thời gian rất nhanh.
Diễn viên Thanh Phương
Trong dịp về Hà Nội thăm gia đình, diễn viên Thanh Phương bị đột quỵ trong phòng tắm vào trưa 6/2/2008. Gia đình cho rằng nguyên nhân là anh tắm nước nóng giữa lúc trời Hà Nội lạnh giá. Khi đó, anh còn bị cảm.
Hai mươi phút sau khi anh đột quỵ, gia đình mới phát hiện. Khi đưa vào bệnh viện, Thanh Phương đã không qua khỏi.
Nghệ sĩ trẻ đã ra đi mãi mãi ở tuổi 31. Anh được biết đến với nhiều tài năng như đóng kịch, đóng phim, ca hát, viết kịch bản.
An Yên
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Điều khác biệt của mùa sốt xuất huyết năm nay
Y học thường thức - 06/08/2024
Điều khác biệt của mùa sốt xuất huyết năm nay
Xuất hiện ổ dịch bệnh sởi tại Đắk Lắk
Y học thường thức - 16/07/2024
Xuất hiện ổ dịch bệnh sởi tại Đắk Lắk
Xử trí kiến ba khoang đốt, tránh để lại sẹo thâm
Y học thường thức - 03/07/2024
Xử trí kiến ba khoang đốt, tránh để lại sẹo thâm
Trẻ béo phì có vệt đen vùng cổ, có đáng lo?
Y học thường thức - 28/05/2024
Trẻ béo phì có vệt đen vùng cổ, có đáng lo?
Chớ chủ quan với bệnh giời leo
Y học thường thức - 02/05/2024
Chớ chủ quan với bệnh giời leo