Những đại dịch bị khống chế nhờ vaccine
Bằng việc đánh giá nguồn cung vaccine trên toàn cầu, trong nhiều năm, chương trình sơ tuyển đột phá của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã giúp triển khai vaccine đảm bảo chất lượng, an toàn và hiệu quả cho hàng chục quốc gia. Chương trình giúp các nước yên tâm về tính an toàn và tự tin khi biết rằng vaccine mình mua đáp ứng các tiêu chuẩn cần thiết.
WHO bắt đầu xây dựng chương trình mở rộng tiêm chủng (EPI) vào những năm 1970, với sự trợ giúp của Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp quốc (UNICEF), Liên minh Toàn cầu về Vaccine và Tiêm chủng cũng như một số tổ chức khác. Nhờ đó, vaccine đã cứu sống hàng trăm triệu trẻ em trên thế giới. Chương trình tiêm chủng thực hiện ở tất cả quốc gia được đánh giá có tầm ảnh hưởng và tác động sâu rộng nhất so với bất cứ chương trình y tế cộng đồng nào. Đội ngũ của WHO hỗ trợ các chính phủ và chuyên gia y tế đưa vaccine đến nơi cần thiết. Độ thành công của các chương trình vaccine có thể nhìn thấy qua con số hàng triệu sinh mệnh được cứu mỗi năm. Thông qua tiêm chủng, bệnh đậu mùa đã bị loại trừ và bại liệt cũng đang dần bị đánh bại.
Với các cảnh báo liên tục, hàng năm, WHO đều nghiên cứu xu hướng của bệnh cúm để tìm ra những chủng đang xuất hiện và đưa kết quả vào vaccine cúm mùa sau. Chương trình cũng liên tục theo dõi các tín hiệu tiềm ẩn những mối đe dọa về đại dịch.
WHO ước tính trong năm 2018, 25.000 trẻ sơ sinh đã qua đời do uốn ván sơ sinh, giảm 88% so với con số 200.000 của năm 2000. Tỷ lệ tiêm vaccine HPV trên toàn cầu cũng đang tăng trưởng. Đến cuối năm 2019, vaccine HPV đã được giới thiệu đến 106 quốc gia, chiếm một phần ba dân số nữ toàn cầu.
Hiện nay 86% trẻ em thế giới được tiêm các loại vaccine thiết yếu, tăng khoảng 20% so với năm 1980. Điều này giúp bảo vệ trẻ em và cộng đồng chống lại nhiều loại bệnh truyền nhiễm như sởi, bạch hầu, uốn ván, ho gà, viêm gan B và bại liệt. Số trẻ em bị liệt do bại liệt đã giảm 99% trên toàn thế giới trong vòng ba thập niên qua.
Mức độ bảo vệ cộng đồng đạt được là nhờ nỗ lực mạnh mẽ của toàn thế giới trong việc gia tăng diện tiếp cận vaccine và khả năng chi trả đứng dưới sự hỗ trợ của các tổ chức như Liên minh Toàn cầu về Vaccine và Tiêm chủng cũng như Sáng kiến Sở và Rubella trong việc tập trung mở rộng cung cấp vaccine tại những nước nghèo.
WHO cũng đã giúp các tổ chức trong chiến dịch tiêm phòng bệnh tả và sốt da vàng, đồng thời sản xuất vaccine có hiệu quả chống lại bệnh viêm màng não, viêm phổi, tiêu chảy. Trong khi đó, vaccine sốt rét đầu tiên hiện đã được thử nghiệm tại Ghana, Kenya và Malawi.
Ebola
Thế giới đã biết về Ebola từ những năm 1970. Tuy nhiên, căn bệnh này gây chú ý mạnh vào khoảng thời gian từ năm 2014-2016 khi gây ra đại dịch giết chết hơn 11.000 người ở Tây Phi. Dịch bệnh đã kích hoạt những thử nghiệm vaccine đầu tiên trên người và thúc đẩy những thay đổi trong cách thế giới ứng phó với một đại dịch.
Để giải quyết hiểm họa mang tên Ebola, một trong những ưu tiên quan trọng nhất là tài trợ cho việc nghiên cứu vaccine, các thử nghiệm lâm sàng nhanh, đẩy nhanh các phê duyệt theo quy định và cho phép các nhà sản xuất thực hiện cũng như tung ra vaccine Ebola. Thực tế cho thấy các bước từ thử nghiệm ban đầu đến thử nghiệm vaccine rVSV-ZEBOV Ebola tại Guinea chỉ mất mười tháng trong năm 2016. Đây được đánh giá là một tốc độ nhanh chưa từng có vào thời điểm ấy.
Ngày 8/5/2018, Chính phủ Cộng hòa Dân chủ Congo tuyên bố bùng phát dịch bệnh từ virus Ebola tại Bikoro thuộc tỉnh Equateur. Việc tiêm phòng vaccine bắt đầu ngay sau đó vào 21/5. "Tôi vừa dành cả ngày với các nhóm tiêm chủng cộng đồng và lần đầu tiên trải nghiệm cảm giác hy vọng khi đối diện với Ebola, chứ không phải là sợ hãi", tiến sĩ Mike Ryan của WHO cho biết.
Khi Ebola tấn công vào miền Đông Congo vào tháng 8 cùng năm, vaccine đã được sử dụng chỉ vài ngày sau khi có tuyên bố bùng phát dịch. Hơn 300.000 người đã tiêm vaccine từ tháng 8/2018-3/2020, giúp cứu mạng nhiều người và ngăn chặn sự lây lan của Ebola.
Do vaccine rVSV-ZEBOV không được cấp phép nên chỉ được sử dụng với mục đích "thiện nguyện" như một phần của các nghiên cứu đang diễn ra. Những tình nguyện viên tham gia chương trình đồng ý với các thỏa thuận và được theo dõi mức độ an toàn sau khi tiêm chủng. Kết quả từ các nghiên cứu đã cho thấy vaccine hiệu quả trong chống lại Ebola. Vaccine chính thức được cấp phép tại Mỹ và châu Âu vào cuối năm 2019. Đầu năm nay, sau khi được WHO phê duyệt, vaccine đã được cấp phép tại Congo và năm quốc gia châu Phi.
Vaccine màng não cho châu Phi
Châu Phi cũng nhận nhiều lợi ích từ sự phát triển các loại vaccine khác. Trong hơn 100 năm, các quốc gia châu Phi cận Sahara đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch viêm màng não lan rộng. Trong đợt dịch nghiêm trọng vào năm 1996-1997, khu vực ghi nhận 250.000 trường hợp mắc bệnh với số ca tử vong là 2.000. Nơi đây được ví là "vành đai viêm màng não" với địa hình trải dài từ phía tây Senegal đến phía đông Ethiopia.
Với hơn 450 triệu người có nguy cơ mắc bệnh viêm não mô cầu A, các bộ trưởng y tế châu Phi đã nhờ đến các chuyên gia và nhà nghiên cứu khoa học tìm kiếm một cách tiếp cận mới. WHO, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) và Chương trình tiêm chủng mở rộng (PATH) đã khuyến nghị việc phát triển một loại vaccine viêm não mô cầu liên hợp cho châu Phi có thể làm giảm đáng kể gánh nặng bệnh tật.
Các thử nghiệm lâm sàng bắt đầu vào năm 2005 và được thực hiện ở Gambia, Ghana, Ấn Độ, Mali và Senegal. Vào tháng 6/2010, vaccine thông qua vòng sơ tuyển của WHO. Ngay sau đó, các quốc gia đầu tiên giới thiệu vaccine như Burkina Faso, Mali và Niger mở rộng các hoạt động liên quan đến cấp phép, quản lý vaccine, lập kế hoạch chiến dịch, giám sát và và xem xét các tác dụng phụ sau tiêm chủng.
Loại vaccine mới có giá vừa phải được giới thiệu vào cuối năm 2010. Nhờ đó, 300 triệu người sống ở các quốc gia "vành đai viêm màng não" đã được tiếp cận tiêm chủng và thoát khỏi đại dịch chết người.
Nhìn về tương lai
Vaccine ngừa Ebola và viêm màng não là hai trong những phát triển phấn khởi nhất về sức khỏe cộng đồng toàn cầu trong lịch sử gần đây. Sự phát triển của những chương trình tiêm chủng thông thường cũng là những bước tiến đột phá giúp ngăn chặn thành công các đợt bùng phát bệnh sởi và bại liệt từng là nỗi ám ảnh của nhân loại khi là thủ phạm giết chết và khiến nhiều trẻ em phải chịu bệnh tật cả đời.
Vaccine phế cầu khuẩn và virus rota cũng thành công trong chống lại một số nguyên nhân phổ biến nhất gây ra tử vong từ viêm phổi và tiêu chảy. Nguồn tài chính đổi mới đã thúc đẩy sự ra đời của vaccine phế cầu khuẩn tung ra thị trường vào năm 2011 trong cùng thời điểm tại cả các quốc gia giàu và nghèo.
Tiêm chủng giúp cứu sống hàng triệu người mỗi năm. Thế giới hiện đã có vaccine ngăn ngừa và kiểm soát 25 bệnh nhiễm trùng, giúp bất cứ ai ở trong độ tuổi nào cũng có thể sống lâu và khỏe hơn. Vaccine vẫn là biện pháp bảo vệ an toàn và hiệu quả nhất về chi phí chống lại bệnh tật và sẽ là một công cụ mạnh mẽ chống lại đại dịch Covid-19.
Trương Sanh (theo WHO)
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Điều khác biệt của mùa sốt xuất huyết năm nay
Y học thường thức - 06/08/2024
Điều khác biệt của mùa sốt xuất huyết năm nay
Xuất hiện ổ dịch bệnh sởi tại Đắk Lắk
Y học thường thức - 16/07/2024
Xuất hiện ổ dịch bệnh sởi tại Đắk Lắk
Xử trí kiến ba khoang đốt, tránh để lại sẹo thâm
Y học thường thức - 03/07/2024
Xử trí kiến ba khoang đốt, tránh để lại sẹo thâm
Trẻ béo phì có vệt đen vùng cổ, có đáng lo?
Y học thường thức - 28/05/2024
Trẻ béo phì có vệt đen vùng cổ, có đáng lo?
Chớ chủ quan với bệnh giời leo
Y học thường thức - 02/05/2024
Chớ chủ quan với bệnh giời leo