Những người tự 'giam giữ' virus HIV
Ngày 26/8, tạp chí Nature công bố bệnh nhân đầu tiên tự khỏi HIV mà không cần điều trị bằng thuốc hoặc cấy ghép tế bào. Người phụ nữ này là Loreen Willenberg, 66 tuổi, ở California, Mỹ, vốn nổi tiếng trong giới nghiên cứu vì cơ thể tự ngăn chặn virus nhân lên suốt nhiều thập kỷ, sau khi nhiễm HIV năm 1992.
Virus dường như đã bị cô lập trong cơ thể bà, không sinh sản và sao chép được. Các nhà khoa học sử dụng thuật ngữ "điều trị khỏi chức năng" (functional cure), tức là người bệnh hồi phục một cách tự nhiên, để mô tả hiện tượng này.
Nghiên cứu mới cho thấy cơ thể vài người vốn đủ khả năng tự ngăn chặn virus, song đến nay khoa học mới phát hiện nhờ những tiến bộ trong ngành di truyền. Công trình cũng đặt kỳ vọng một số bệnh nhân có thể ngưng sử dụng thuốc, vốn ít nhiều gây tổn hại cơ thể.
Thực tế, HIV đặc biệt nguy hiểm và khó tiêu diệt. Virus tự chèn vào bộ gene và tạo ra các bản sao. Ở bệnh nhân thông thường, hệ miễn dịch theo thời gian sẽ săn lùng các tế bào chứa gene mà virus đang chiếm đóng. Tuy nhiên, bộ gene của một số người lại có thể "giam giữ, khóa chặt" HIV tại các vùng virus không thể tự sinh sản, tiến sĩ Xu Yu, Viện Ragon, tác giả chính của nghiên cứu, giải thích.
Các tình nguyện viên tham gia công trình được gọi là "bệnh nhân ưu tú", chỉ chiếm 1% trong số những người nhiễm HIV. Họ kiểm soát được mầm bệnh mà không cần sử dụng thuốc hay bất cứ hình thức điều trị nào.
Giới chuyên gia suy đoán, sử dụng liệu pháp kháng HIV nhiều năm cũng có thể cho ra kết quả tương tự, nhất là khi bổ sung thêm hình thức tăng cường miễn dịch.
"Nhóm đặc biệt này đã chứng minh rằng phản ứng của nhiều người có thể trở thành cách điều trị lâm sàng", tiến sĩ Steve Deeks, chuyên gia về AIDS tại Đại học California, San Francisco, đồng tác giả của nghiên cứu, nhận định.
Các nhà khoa học đang kiểm tra kỹ lưỡng các "bệnh nhân ưu tú" nhằm tìm ra phương pháp kiểm soát HIV. Riêng bà Loreen Willenberg đã tham gia những dự án như vậy trong hơn 15 năm. Chuyên gia chưa bao giờ tìm thấy HIV trong mô của bà.
Ở công trình mới, tiến sĩ Yu và các đồng nghiệp đã phân tích 1,5 tỷ tế bào máu của bà Willenberg và vẫn không phát hiện virus. Hàng triệu tế bào từ ruột, trực tràng và ruột cũng không dấu hiệu của HIV. Để xác định vị trí mầm bệnh trong bộ gene, họ đã phải sử dụng đến công nghệ tiên tiến nhất.
"Bà ấy được thêm vào danh sách phương pháp điều trị thông qua con đường mới", tiến sĩ Sharon Lewin, giám đốc Viện Nhiễm trùng và Miễn dịch Peter Doherty ở Melbourne, nói.
Các nhà khoa học khác tỏ ra thận trọng hơn. Tiến sĩ Una O'Doherty, chuyên gia virus tại Đại học Pennsylvania, cho biết: "Điều này chắc chắn đáng khích lệ, nhưng tất cả mới chỉ là suy đoán. Tôi cần đánh giá thêm trước khi thực sự phát biểu ‘Bà ấy đã khỏi bệnh'".
Song tiến sĩ O'Doherty vẫn ấn tượng với kết quả tổng thể. 11 người khác trong nghiên cứu cũng "giam giữ" được mầm bệnh trong một phần của bộ gene. Lượng virus dày đặc đến nỗi tế bào không thể tái tạo nó.
Số khác, dù không có kháng thể hoặc tế bào miễn dịch phản ứng nhanh chóng với HIV, nhưng cơ thể họ ghi nhớ và vô hiệu virus ngay từ bước đầu. Tế bào T - sát thủ đặc trị của hệ miễn dịch, đã loại bỏ các gene có virus cư trú. Những phần nhiễm virus được lưu lại tại một vùng xa xôi trong cơ thể, nơi nó không còn khả năng sao chép.
Tiến sĩ Bruce Walker, chuyên gia tại Viện Ragon, người đã nghiên cứu các "bệnh nhân ưu tú" trong 30 năm, cho biết: "Đây thực sự là lời giải thích duy nhất cho những phát hiện mới".
Khoảng 10% người điều trị bằng thuốc kháng HIV cũng ngăn chặn thành công mầm bệnh ngay cả khi họ ngừng sử dụng. Các nhà khoa học cho rằng cơ chế tương tự với trường hợp của bà Willenberg.
Những công trình trước đây tập trung vào việc loại bỏ tận gốc tất cả virus ẩn trong bộ gene. Nghiên cứu mới đưa ra một giải pháp khả thi hơn. Nếu HIV chỉ tồn tại trong các phần nơi virus không thể tái tạo, bệnh nhân vẫn đạt được trạng thái "khỏi chức năng".
Đến nay, thế giới chỉ ghi nhận ba người được chữa khỏi hoàn toàn căn bệnh thế kỷ.
Người đầu tiên là Timothy Ray Brown, đến từ Đức, còn được gọi là "bệnh nhân Berlin". Ông phát hiện dương tính với "H" và năm 1995. Đến 2007, ông thực hiện được ghép tủy xương. Ca phẫu thuật giúp Brown không còn phải dùng thuốc điều trị AIDS. Mầm bệnh không có dấu hiệu quay trở lại.
Người thứ hai là "bệnh nhân London" Adam Castillejo, 40 tuổi. Anh khỏi HIV nhờ ghép tế bào gốc. Các bác sĩ tuyên bố anh không còn mắc bệnh vào năm ngoái, 18 tháng sau khi ngừng điều trị.
Bệnh nhân thứ ba khỏi HIV, là người Brazil. Anh thoát khỏi virus chỉ bằng hỗn hợp thuốc maraviroc và dolutegravir.
Cấy ghép tủy xương là một lựa chọn quá rủi ro đối với hầu hết người nhiễm "H". Nhưng khả năng phục hồi nhanh chóng tạo thêm hy vọng cho giới khoa học. Trong khi đó, thuốc kháng virus có thể để lại tác dụng phụ nghiêm trọng, bao gồm bệnh tim và tổn thương nội tạng, đặc biệt nếu dùng trong nhiều năm.
Thục Linh (Theo NY Times, Nature)
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Điều khác biệt của mùa sốt xuất huyết năm nay
Y học thường thức - 06/08/2024
Điều khác biệt của mùa sốt xuất huyết năm nay
Xuất hiện ổ dịch bệnh sởi tại Đắk Lắk
Y học thường thức - 16/07/2024
Xuất hiện ổ dịch bệnh sởi tại Đắk Lắk
Xử trí kiến ba khoang đốt, tránh để lại sẹo thâm
Y học thường thức - 03/07/2024
Xử trí kiến ba khoang đốt, tránh để lại sẹo thâm
Trẻ béo phì có vệt đen vùng cổ, có đáng lo?
Y học thường thức - 28/05/2024
Trẻ béo phì có vệt đen vùng cổ, có đáng lo?
Chớ chủ quan với bệnh giời leo
Y học thường thức - 02/05/2024
Chớ chủ quan với bệnh giời leo