Những người Việt có dòng máu quý như vàng
Thảo vui vẻ chỉ cho tôi xem về sợi dây chuyền cô luôn đem theo bên mình. Mặt sợi dây làm bằng inox, có khắc tên, ngày sinh, và nhóm máu đặc biệt của cô.
Trần Thị Phương Thảo sinh năm 1991, ở Hà Nội, là thành viên Câu lạc bộ Người có nhóm máu hiếm khu vực phía Bắc. Thảo kể, một số người bạn trong Câu lạc bộ cũng đặt làm những sợi dây chuyền tương tự như cô.
“Vật bất ly thân” này rất có tác dụng trong trường hợp họ gặp tai nạn, đặc biệt ở những nơi không có người quen thân, để bệnh viện kịp thời huy động người hiến máu. Bởi lẽ, nhóm máu hiếm quý như vàng, thường không có sẵn ở các cơ sở y tế.
Khoảng 96.000 người Việt thuộc nhóm máu hiếm
Hội Truyền máu quốc tế công nhận con người có tới 39 hệ nhóm máu hồng cầu, trong đó, ABO và Rh là hệ nhóm máu quan trọng nhất với hoạt động truyền máu.
Hệ ABO có 4 nhóm máu, gồm A, B, AB và O. Hệ Rh có 2 nhóm máu thường gặp là Rh(D) dương và Rh(D) âm, hay còn gọi là Rh(D)+ và Rh(D)-. Theo quy ước, nhóm máu có tỷ lệ dưới 0,1% trong quần thể được coi là hiếm và dưới 0,01% là rất hiếm.
Ở Việt Nam, nhóm máu Rh(D) âm ước tính chiếm khoảng 0,1% dân số (tức khoảng 96 nghìn người trong tổng số hơn 96 triệu dân), được coi là hiếm.
Người mang dòng máu hiếm sinh hoạt, học tập, lao động bình thường, như tất cả người mang nhóm máu Rh(D) dương (trên 99% người Việt Nam).
Tuy nhiên, họ có khả năng gặp rủi ro cao hơn, bởi khi cần truyền máu do tai nạn gây mất máu, phẫu thuật cấp cứu..., không phải lúc nào bệnh viện nơi cấp cứu cũng có sẵn nhóm máu hiếm.
Để kịp thời huy động nguồn máu hiếm quý giá cho những trường hợp khẩn cấp, nhiều thành viên trong cộng đồng nhóm máu Rh(D) âm đã kết nối với nhau, tạo thành các nhóm.
Hiện cả nước có nhiều Câu lạc bộ nhóm máu hiếm cùng hoạt động, từ miền Bắc, khu vực TP.HCM, Đông Nam Bộ, miền Trung và nhiều tỉnh, thành phố khác.
Câu lạc bộ Người nhóm máu hiếm khu vực phía Bắc thành lập năm 2007, đến nay đã có hơn 500 thành viên, ở nhiều tỉnh thành khác nhau trong khu vực. Trung bình mỗi năm, có khoảng 2.000 đơn vị máu, chế phẩm máu được hiến tặng từ các thành viên trong Câu lạc bộ.
Kỷ niệm khó quên sau những cuộc gọi “khẩn”
Trần Thị Phương Thảo từng là Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Người nhóm máu hiếm khu vực phía Bắc, kiêm trưởng nhóm B Rh(D) âm trước khi tạm ngưng hoạt động để sinh em bé đầu lòng. Đến nay, con gái đã hơn 8 tháng tuổi, theo quy định, Thảo còn khoảng 4 tháng nữa mới có thể hiến máu trở lại.
Trong 8 năm hoạt động sôi nổi cùng cộng đồng nhóm máu hiếm, cô gái 29 tuổi có 9 lần hiến máu, hầu hết đều là trường hợp khẩn cấp, để cứu những bệnh nhân nguy kịch.
Trường hợp gần nhất là một nam bệnh nhân trung tuổi, nhóm máu B Rh(D) âm, cấp cứu tại Bệnh viện 108. Bệnh nhân trước đó xuất hiện cơn đau bụng dữ dội, đi khám mới biết mắc ung thư gan giai đoạn cuối.
Người bệnh bị chảy máu rất nhiều, khó cầm. Máu từ thực quản chảy liên tục, ồ ạt tới nỗi lượng máu cấp cứu được truyền cho bệnh nhân cũng nhanh chóng mất dần, “tưởng như đang truyền qua 1 chiếc xô thủng”.
Nhận được thông báo gấp, Thảo liên hệ với các anh chị em trong nhóm B Rh(D) âm, đồng thời xin phép cơ quan để tranh thủ chạy tới bệnh viện, hiến máu cứu người.
Nam bệnh nhân phát hiện bệnh hiểm nghèo đột ngột, lại cùng lúc được xác định có nhóm máu hiếm, thời gian đầu khó khăn trong tìm máu để truyền, gia đình vì thế rất hoảng loạn, lo lắng.
Ngay khi có mặt, Thảo đã nói với họ rằng: “Các bác yên tâm, có chúng cháu ở đây rồi. Chúng cháu sẽ huy động các anh chị em khác cùng nhóm máu để cứu bác trai”.
Giống như Thảo, Nguyễn Thanh Tuấn (sinh năm 1982, Yên Bái) có rất nhiều kỷ niệm mỗi lần đi cứu người “khẩn cấp”. Tuấn mang dòng máu hiếm O Rh(D) âm, đã 10 lần tham gia hiến máu.
Kỷ niệm khiến anh rất nhớ là lần cấp cứu cho sản phụ tại Bệnh viện Thị trấn Ba Khe, huyện Văn Chấn, Yên Bái. Sản phụ cùng mang nhóm máu O Rh(D) âm, đang trong tình trạng xuất huyết, thiếu máu trầm trọng, nguy cơ đe dọa tính mạng cả mẹ và em bé.
Tuấn nhận cuộc điện thoại nhờ hỗ trợ của Bệnh viện Thị trấn Ba Khe vào buổi tối, khi đang ở nhà riêng cách bệnh viện tầm 40km. Không suy nghĩ, anh vội lấy xe máy, phi thẳng tới bệnh viện.
Tiết trời lâm râm mưa, lại thêm trời tối khiến quãng đường di chuyển qua đồi núi khó hơn. Nhưng cảm giác có người đang chờ đợi, mong mỏi được cứu sống khiến Tuấn quên cả vất vả.
Anh hiến 350ml máu trong đợt ấy, giúp mẹ con sản phụ qua cơn nguy kịch, em bé chào đời khỏe mạnh. Gia đình sản phụ và Tuấn sau đó thân thiết, coi nhau như anh chị em trong nhà.
Một điều đặc biệt là sau khi được cứu sống, sản phụ đã xin gia nhập Câu lạc bộ nhóm máu hiếm miền Bắc và nhiệt tình tham gia hiến máu cứu người.
Những người cùng chung lý tưởng “cứu người là niềm vui”
Trần Sách Minh (sinh năm 1994, Hà Nội), Phó chủ nhiệm Câu lạc bộ Người nhóm máu hiếm khu vực phía Bắc chia sẻ, các thành viên trong Câu lạc bộ ít khi tham gia hiến máu định kỳ mà đa phần “để dành” cho những tình huống khẩn cấp.
Bởi theo quy định, sau 84 ngày mới tiếp tục được hiến máu toàn phần, sau 21 ngày mới được cho tiểu cầu.
“Vậy nên một số lần huy động, mọi người còn “tranh nhau” để được hiến. Có người đến rồi nhưng phải về vì đã đủ máu cho bệnh nhân. Đôi khi buồn một chút vì đi lại mất công, nhưng bệnh nhân được cứu đã là niềm vui lớn nhất rồi”, Minh mỉm cười, nói.
Minh phát hiện mình thuộc nhóm máu hiếm B Rh(D) âm vào năm 2013, khi học năm thứ hai Đại học Giao thông Vận tải Hà Nội. Từ đó, anh đăng ký tham gia vào Câu lạc bộ và năng nổ tham gia hiến máu.
Sau này ra trường, đi làm công trường ở Bắc Ninh, có đợt huy động gấp, anh phải bỏ việc giữa chừng để tranh thủ đi xe máy 30km về Hà Nội hiến máu, sau đó quay lại tiếp tục công việc. Tới nay, Minh hiến máu 13 lần, nhưng đa phần đều không biết người mình giúp là ai.
Chàng trai 26 tuổi trở thành thành viên ban chủ nhiệm Câu lạc bộ nhóm máu hiếm, trưởng nhóm B Rh(D) âm hơn 1 năm nay. Anh gần như giữ vai trò cầu nối giữa bệnh viện và các thành viên trong Câu lạc bộ, đứng lên huy động, điều phối mỗi khi có tình huống khẩn cấp.
Minh không ít lần xúc động khi chứng kiến nhiều anh chị em từ Quảng Ninh, Nam Định,… vội bắt chuyến xe lên Hà Nội để hiến máu cứu người, sau đó lại vội vã ra về. So với họ, anh khiêm tốn cho rằng sự đóng góp của mình có phần nhỏ bé hơn.
Chàng trai trẻ thú thực, đến tận bây giờ, người thân của anh vẫn chưa đồng ý chuyện anh tham gia hiến máu thường xuyên, bởi từ nhỏ Minh đã hay ốm vặt. Tuy nhiên, anh tin một ngày gia đình sẽ hiểu và ủng hộ.
“Tôi hạnh phúc khi được giúp đỡ mọi người. Tôi quan niệm, khi giúp đỡ người khác cũng là giúp đỡ chính bản thân. Không ai biết chắc cuộc sống của mình cứ suôn sẻ mãi mãi, cho đi tức là nhận lại”, Minh tâm sự.
Cũng như Minh, Thảo chia sẻ việc chung tay cứu sống những bệnh nhân đang nguy kịch khiến cô tìm được niềm vui, giá trị cuộc sống.
Điều Thảo mong mỏi nhất là sớm có 1 chương trình xét nghiệm nhóm máu cho toàn bộ trẻ sơ sinh từ khi ra đời, tích hợp vào giấy tờ tùy thân của từng người. Việc này giúp bản thân bệnh nhân, gia đình, bác sĩ có sự chuẩn bị trước cho từng tình huống bất ngờ, tránh tai nạn mới biết mình mang nhóm máu hiếm sẽ rất nguy hiểm.
Nguyễn Liên
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Điều khác biệt của mùa sốt xuất huyết năm nay
Y học thường thức - 06/08/2024
Điều khác biệt của mùa sốt xuất huyết năm nay
Xuất hiện ổ dịch bệnh sởi tại Đắk Lắk
Y học thường thức - 16/07/2024
Xuất hiện ổ dịch bệnh sởi tại Đắk Lắk
Xử trí kiến ba khoang đốt, tránh để lại sẹo thâm
Y học thường thức - 03/07/2024
Xử trí kiến ba khoang đốt, tránh để lại sẹo thâm
Trẻ béo phì có vệt đen vùng cổ, có đáng lo?
Y học thường thức - 28/05/2024
Trẻ béo phì có vệt đen vùng cổ, có đáng lo?
Chớ chủ quan với bệnh giời leo
Y học thường thức - 02/05/2024
Chớ chủ quan với bệnh giời leo