Protein 'mồi nhử' ngăn nCoV tấn công tế bào người
Nick Brindle, giáo sư Khoa Sinh học Phân tử và Tế bào của Đại học Leicester, và tiến sĩ Julian Sale tại Phòng thí nghiệm Sinh học Phân tử (LMB) thuộc Hội đồng Nghiên cứu Y học Anh (MRC) cùng các đồng nghiệp nghiên cứu loại protein hòa tan mới để đối phó với Covid-19. Theo lý thuyết, nó sẽ "khóa" nCoV, ngăn virus này xâm nhập rồi nhân lên trong tế bào, Leicestershire Live hôm nay đưa tin.
"Thông thường, nCoV sẽ lây nhiễm phổi và các mô bằng cách bám vào thụ thể ACE2 trên bề mặt tế bào. Protein mồi nhử 'đóng giả' những thụ thể này, nhưng được điều chỉnh để trở nên thu hút hơn, khiến virus bám vào nó thay vì ACE2. Qua đó, chúng tôi muốn ngăn nCoV tấn công tế bào và bảo vệ chức năng của các thụ thể trên bề mặt tế bào", Brindle cho biết.
Để phát triển loại protein mới, nhóm nghiên cứu sử dụng những kỹ thuật hiện đại trong tiến hóa phân tử và công nghệ protein. Họ cũng tạo hình ảnh 3D của virus nhờ Kính hiển vi điện tử nghiệm lạnh (Cryo-EM). "Mẫu sinh học được đông lạnh nhanh rồi chụp lại bằng cách chiếu chùm electron năng lượng cao. Chùm electron này có bước sóng nhỏ hơn nhiều so với các phân tử sinh học được chụp ảnh", Brindle giải thích.
Theo Brindle, nếu chế tạo thành công, protein mồi nhử có thể đưa vào cơ thể bằng cách tiêm hoặc dùng máy xông mũi họng tương tự loại dành cho bệnh nhân hen suyễn. "Máy xông dành cho nhân viên cấp cứu đi vào môi trường xuất hiện sự lây nhiễm. Tiêm áp dụng với bệnh nhân đã nhiễm nCoV", ông nói.
Nghiên cứu mới sẽ có kết quả sơ bộ trong hai đến ba tháng. Ngoài protein mồi nhử, Đại học Leicester còn tiến hành một số nghiên cứu khác, trong đó có phát triển khẩu trang giúp phát hiện sớm nCoV. Một số trung tâm trên thế giới cũng đang nghiên cứu biện pháp protein mồi nhử để đối phó với Covid-19.
Thu Thảo (Theo Leicestershire Live)
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Điều khác biệt của mùa sốt xuất huyết năm nay
Y học thường thức - 06/08/2024
Điều khác biệt của mùa sốt xuất huyết năm nay
Xuất hiện ổ dịch bệnh sởi tại Đắk Lắk
Y học thường thức - 16/07/2024
Xuất hiện ổ dịch bệnh sởi tại Đắk Lắk
Xử trí kiến ba khoang đốt, tránh để lại sẹo thâm
Y học thường thức - 03/07/2024
Xử trí kiến ba khoang đốt, tránh để lại sẹo thâm
Trẻ béo phì có vệt đen vùng cổ, có đáng lo?
Y học thường thức - 28/05/2024
Trẻ béo phì có vệt đen vùng cổ, có đáng lo?
Chớ chủ quan với bệnh giời leo
Y học thường thức - 02/05/2024
Chớ chủ quan với bệnh giời leo