Quy trình cách ly, giá xét nghiệm Covid-19 mới nhất khi mở lại đường bay
Chính phủ đã có chủ trương mở lại 7 đường bay quốc tế với Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Lào, Campuchia. Tuy nhiên trong cuối tháng 9 chỉ có duy nhất 2 chuyến bay thương mại từ Hàn Quốc và Nhật Bản đến Việt Nam.
Sau đó tất cả các chuyến bay được yêu cầu tạm ngưng do quy trình cách ly chưa thống nhất.
Hơn 1 tháng qua, Bộ Y tế tập trung rà soát và hoàn thiện lại các quy trình cách ly, hiện dự thảo đã hoàn tất, gửi xin ý kiến các bộ ngành và sẽ ban hành trong thời gian tới. So với các văn bản trước đây, quy trình lần này chặt chẽ và cụ thể hơn.
2 nhóm bắt buộc cách ly tại khách sạn
Theo quy trình nhập cảnh và giám sát y tế mới, khách vào Việt Nam được phân theo 3 nhóm:
- Nhóm 1: Công dân Việt Nam, người nước ngoài là thân nhân của công dân Việt Nam
- Nhóm 2: Người nước ngoài là chuyên gia, nhà đầu tư, nhà quản lý doanh nghiệp, lao động kỹ thuật cao, chuyên gia và thân nhân (cha, mẹ, vợ, chồng, con) nhập cảnh vào Việt Nam ở, lưu trú từ 14 ngày trở lên; học sinh, sinh viên quốc tế.
- Nhóm 3: Người nước ngoài nhập cảnh với mục đích ngoại giao, công vụ; chuyên gia nước ngoài làm việc tại Việt Nam dưới 14 ngày.
Ngoài những nhóm người trên, các đối tượng khác sẽ do Thủ tướng, Phó Thủ tướng, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 cho phép.
Dự thảo quy định, tất cả người nhập cảnh vào Việt Nam trên các chuyến bay thương mại tự chi trả toàn bộ kinh phí cho các hoạt động đưa đón, cách ly tại khách sạn, xét nghiệm Covid-19.
Riêng khách nhập cảnh với mục đích ngoại giao, công vụ (ở Việt Nam trên 14 ngày) được miễn phí xét nghiệm, trừ trường hợp yêu cầu ở khách sạn theo yêu cầu.
Theo dự thảo, ngoài những giấy tờ cần thiết, trước khi nhập cảnh cả 3 nhóm trên đều cần có giấy xác nhận âm tính với virus SARS-CoV-2 do cơ quan có thẩm quyền cấp trước ngày khởi hành 3-5 ngày, phải khai báo y tế điện tử trong vòng 12 giờ trước khi khởi hành và cài đặt ứng truy vết.
Đây là điểm mới so với các văn bản hướng dẫn trước đây, tránh trường hợp khách nhập cảnh về tới sân bay nhưng không thoả thuận được giá với khách sạn, đòi về cách ly tập trung gây hỗn loạn như vừa qua.
Với nhóm 2, yêu cầu có thêm bảo hiểm y tế hoặc cam kết chi trả chi phí trong trường hợp mắc Covid-19.
Về quy định lấy mẫu xét nghiệm, nhóm 1 sẽ được lấy 2 lần vào vào đầu và ngày thứ 14. Nhóm 2, sẽ được lấy 2 lần vào ngày đầu và lần thứ hai vào ngày thứ 6. Sau đó nhóm 2 sẽ được về thực hiện cách ly tại nhà, nơi lưu trú thêm 7 ngày cho đủ 14 ngày, sau đó sẽ theo dõi, giám sát thêm 14 ngày.
Với nhóm 3, không quy định cách ly tập trung, thay vào đó cách ly tại nhà, nơi lưu trú do doanh nghiệp, cơ quan đại diện thu xếp. Tùy từng đối tượng, nhóm 3 sẽ được lấy mẫu vào ngày đầu và ngày thứ 14 hoặc vào ngày đầu và sau đó 3 ngày/lần.
Ông Hoàng Minh Đức, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, tất cả các đối tượng dù là cách ly tập trung tại cơ sở cách ly tập trung, tại khách sạn, tại nhà, cơ sở lưu trú… đều phải đảm bảo hoàn thành 14 ngày cách ly y tế bắt buộc và theo dõi giám sát sau đó 14 ngày, tổng cộng là 28 ngày.
Xét nghiệm PCR 734.000 đồng/mẫu
Bộ Y tế cũng vừa ban hành văn bản hướng dẫn tạm thời việc thanh toán chi phí xét nghiệm Covid-19 cho người có nhu cầu xuất cảnh trong bối cảnh nhiều quốc gia và hãng bay yêu cầu hành khách đi lao phải trình giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2.
Theo đó, chi phí nghiệm bằng phương pháp Real-time PCR tối đa 734.000 đồng/mẫu xét nghiệm; chi phí test nhanh tối đa 238.000 đồng/mẫu xét nghiệm.
Trong khi chờ Bộ Y tế và Bộ Tài chính thống nhất ban hành mức giá cho dịch vụ xét nghiệm Covid-19 tính đủ chi phí, Bộ Y tế đề nghị các đơn vị, địa phương tạm thời áp dụng mức phí xét nghiệm nói trên.
Việc ban hành mức giá chi tiết xét nghiệm Covid-19, tạo điều kiện thuận lợi cho người nước ngoài đang làm việc và sinh sống tại Việt Nam cũng như người Việt Nam có nhu cầu xuất cảnh đi lao động, học tập và công tác ở nước ngoài. Ngoài ra, quy định này cũng giúp người dân tránh được tình trạng bị “chặt chém” khi xét nghiệm.
Thúy Hạnh
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Điều khác biệt của mùa sốt xuất huyết năm nay
Y học thường thức - 06/08/2024
Điều khác biệt của mùa sốt xuất huyết năm nay
Xuất hiện ổ dịch bệnh sởi tại Đắk Lắk
Y học thường thức - 16/07/2024
Xuất hiện ổ dịch bệnh sởi tại Đắk Lắk
Xử trí kiến ba khoang đốt, tránh để lại sẹo thâm
Y học thường thức - 03/07/2024
Xử trí kiến ba khoang đốt, tránh để lại sẹo thâm
Trẻ béo phì có vệt đen vùng cổ, có đáng lo?
Y học thường thức - 28/05/2024
Trẻ béo phì có vệt đen vùng cổ, có đáng lo?
Chớ chủ quan với bệnh giời leo
Y học thường thức - 02/05/2024
Chớ chủ quan với bệnh giời leo