Rủi ro lây nhiễm HIV từ vaccine Covid-19
Nhóm nghiên cứu đã cảnh báo về phương pháp vector virus đang được sử dụng để điều chế vaccine. Họ cho biết nó có thể làm tăng nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS ở đàn ông hoặc những người dễ bị tổn thương sức khỏe.
Vector là virus thiếu đi đoạn gene giúp tái tổ hợp, tự nhân lên, được các nhà khoa học sử dụng để vận chuyển vật chất di truyền của một loại virus khác vào tế bào người. Từ đó, hệ miễn dịch sẽ nhận biết mầm bệnh, sản sinh kháng thể hoặc tế bào T (tế bào miễn dịch) để tự bảo vệ. Hiện nay, Nga và Trung Quốc đều sử dụng chung một loại virus vector là adenovirus 5 (Ad5) để đưa vật chất di truyền của nCoV vào cơ thể.
4 nhà khoa học làm việc cho các tổ chức tại Mỹ, trong đó có Viện Y tế Quốc gia, cho biết virus có thể làm tăng nguy cơ lây nhiễm HIV cho nam giới. Điều này từng được chứng minh trong thử nghiệm quốc tế đối với ứng viên vaccine HIV từ hơn 10 năm trước. Họ lo ngại rủi ro tương tự vẫn còn.
Trong bức thư đăng trên tạp chí khoa học Lancet tuần này, nhóm nghiên cứu có viết: "Cả đại dịch HIV và Covid-19 đều có ảnh hưởng một cách không đồng đều tới các nhóm cộng đồng dễ bị tổn thương. Vaccine ngừa nCoV, khi triển khai toàn cầu, có thể được phân phối đến cả nhóm dân cư có nguy cơ cao nhiễm HIV. Điều này làm tăng thêm rủi ro".
Các chuyên gia về virus đồng tình với quan điểm trên. Họ cho biết kết quả các nghiên cứu trước đây chỉ ra rằng vaccine được điều chế dựa trên virus Ad5 không thích hợp đối với người có nguy cơ cao nhiễm HIV. Damian Purcell, chuyên gia virus tại Viện Nhiễm trùng và Miễn dịch Peter Doherty, Đại học Melbourne, nhận định: "Đây là phép đo về rủi ro/lợi ích so với tốc độ. Vector Ad5 dễ sử dụng nhất nên được ưu tiên hàng đầu. Nhưng đối với các cộng đồng tỷ lệ nhiễm HIV cao, nó có thể gây nguy hại".
Mối lo ngại về vector Ad5 và nguy cơ lây truyền HIV bắt nguồn từ các thử nghiệm lâm sàng vaccine HIV của Merck & Co. Nghiên cứu đã bị ngừng lại vào năm 2007 vì các liều tiêm không có hiệu quả. Trong một lần theo dõi, đánh giá sau đó, các chuyên gia phát hiện nguy cơ nhiễm HIV của nam giới được tiêm chủng tăng cao gấp 4 lần. Tác động giảm dần theo thời gian trong khoảng 18 tháng.
Các nhà khoa học cho rằng nguyên nhân có thể do phản ứng của hệ miễn dịch với Ad5. Nó kích thích một số tế bào dễ nhiễm HIV hoặc làm tăng cường sự nhân lên của virus trong tế bào đó.
Ashley St John, phó giáo sư tại Trường Y Duke-NUS, Singapore, cho biết vẫn chưa chắc chắn liệu vaccine Covid-19 sử dụng Ad5 có làm tăng khả năng nhiễm HIV không. "Nhưng điều này nhấn mạnh chúng ta cần thực hiện thêm thử nghiệm để đưa ra kết luận", ông nói.
Trong báo cáo, các nhà nghiên cứu đề cập đến vaccine của hãng dược Trung Quốc CanSino. Sản phẩm có sử dụng vector Ad5 và đã được phê duyệt khẩn cấp để sử dụng trong quân đội hồi tháng 6, hiện đang trong thử nghiệm giai đoạn 3 ở Arab Saudi, Nga và Pakistan. Yu Xuefeng, giám đốc điều hành của CanSino, chưa đưa ra bình luận sau nghiên cứu mới.
Nhóm chuyên gia giám sát thử nghiệm của hãng trong giai đoạn đầu cho biết sẽ theo dõi các rủi ro liên quan trong thử nghiệm tiếp theo.
"Dù mối liên hệ giữa nguy cơ nhiễm HIV và vaccine sử dụng Ad5 còn gây tranh cãi, cơ chế chưa rõ ràng, các nguy cơ tiềm ẩn cần được tính đến trong nghiên cứu", họ viết.
Hiện có ít nhất 4 loại vaccine thử nghiệm lâm sàng được phát triển dựa trên công nghệ vector virus. Vaccine Sputnik V của Nga, phê duyệt hôm 11/8, sử dụng Ad5 và một loại adenovirus khác ít phổ biến hơn để đưa protein của nCoV vào cơ thể.
Thục Linh (Theo SCMP)
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Điều khác biệt của mùa sốt xuất huyết năm nay
Y học thường thức - 06/08/2024
Điều khác biệt của mùa sốt xuất huyết năm nay
Xuất hiện ổ dịch bệnh sởi tại Đắk Lắk
Y học thường thức - 16/07/2024
Xuất hiện ổ dịch bệnh sởi tại Đắk Lắk
Xử trí kiến ba khoang đốt, tránh để lại sẹo thâm
Y học thường thức - 03/07/2024
Xử trí kiến ba khoang đốt, tránh để lại sẹo thâm
Trẻ béo phì có vệt đen vùng cổ, có đáng lo?
Y học thường thức - 28/05/2024
Trẻ béo phì có vệt đen vùng cổ, có đáng lo?
Chớ chủ quan với bệnh giời leo
Y học thường thức - 02/05/2024
Chớ chủ quan với bệnh giời leo