Sốt xuất huyết vẫn diễn biến phức tạp và những điều cần biết

08:56 10/09/2019 - Y học thường thức
NDĐT – Tại Hà Nội, một số địa bàn ở các quận Hoàng Mai, Thanh Trì… tình trạng bệnh nhân mắc sốt xuất huyết chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Trong đó, có nhiều thai phụ đang ở những khu vực này đã phải nhập viện điều trị vì mắc sốt xuất huyết.
BS Nguyễn Quang Huy khám cho thai phụ mắc sốt xuất huyết ở tuần thứ 22 của thai kỳ.
BS Nguyễn Quang Huy khám cho thai phụ mắc sốt xuất huyết ở tuần thứ 22 của thai kỳ.

Số ca nhập viện vì sốt xuất huyết tăng cao

Ghi nhận tại Bệnh viện E, trong hai tháng nay số lượng bệnh nhân tăng lên đột biến. BSCK2 Nguyễn Văn Hạnh, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện E cho biết, mỗi ngày tại khoa tiếp nhận khoảng chục bệnh nhân phải nằm viện điều trị. Số lượng bệnh nhân đến khám và điều trị ngoại trú khoảng 30 bệnh nhân.

Trong khi đó, tại Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, từ đầu năm đến nay, số ca phải nhập viện điều trị sốt xuất huyết tăng cao hơn so với năm 2018. Theo PGS, TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, chỉ riêng trong tháng 8, số lượng bệnh nhân vào viện điều trị nội trú là 66 trường hợp. Mỗi ngày có hàng chục người đến khám và nhiều trường hợp điều trị ngoại trú. Trong số các bệnh nhân nhập viện, có 1/4 số ca mắc sốt xuất huyết là các sản phụ.

Theo BS Cường, mùa mưa là thời điểm muỗi sinh sản nhiều, dẫn tới số bệnh nhân mắc sốt xuất huyết tăng lên. Các dấu hiệu lâm sàng và đặc điểm lâm sàng về dịch cũng như các năm nhưng việc số lượng tăng là dấu hiệu cần cảnh báo. Đặc biệt, sốt xuất huyết năm nay gặp nhiều bệnh nhân có dấu hiệu cảnh báo, sốc nhưng hiện chưa có ca nào tử vong tại Trung tâm Bệnh Nhiệt đới.

Thời điểm này, mỗi tuần có gần 10 bệnh nhân có cơ địa đặc biệt, trong đó có đối tượng là phụ nữ có thai nhập viện điều trị sốt xuất huyết. Đáng lưu ý, những thai phụ này hầu hết đều đang thuê nhà trọ ở địa bàn quận Hoàng Mai, Thanh Trì… - những điểm nóng về số ca mắc sốt xuất huyết.

Thai phụ Vũ Thị L (25 tuổi, quê Giao Thủy, Nam Định) mang thai lần đầu và đang ở tuần thai 22. L cho biết, đêm 6-9, thấy cơ thể có triệu chứng sốt, lo ngại ảnh hưởng thai nhi nên em nhập viện trong đêm. BS Nguyễn Quang Huy, Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai điều trị trực tiếp cho bệnh nhân L cho hay, bệnh nhân vào viện với triệu chứng sốt và mệt mỏi, đã được các bác sĩ cho bù đủ nước, điện giải, theo dõi sát chỉ số trong máu và tình trạng thai.

Nằm ở phòng kế bên, bệnh nhân Bùi Thị Bích H (23 tuổi, quê Gia Lai) cũng mắc sốt xuất huyết ở tuần thứ 13 của thai kỳ. H cho biết, vì em đã có một đứa con đầu nên em cũng biết cách phòng tránh bệnh cho mình. “Em thấy sốt và có biểu hiện nhức mỏi cơ thể, em nghĩ ngay đến sốt xuất huyết và nhập viện luôn. Hai hôm nhập viện đến nay em đã hạ sốt, mong là không ảnh hưởng đến thai nhi”, H kể. H cũng cho biết, khu trọ Thanh Trì rất nhiều muỗi và sau khi ra viện, H sẽ tìm cách chuyển sang khu trọ ở địa bàn khác.

“Sốt xuất huyết những ngày đầu rất cao, mệt mỏi, mất nước, mất điện giải sẽ ảnh hưởng đến thai. Sốt cao làm tăng nhịp tim của mẹ dẫn tới tăng nhịp tim của con, sẽ có nguy cơ suy thai. Vì thế, những trường hợp này chúng tôi theo dõi sát. Nếu phát hiện tình trạng thiếu dịch, rối loạn đông máu hoặc tim đập nhanh thì sẽ hội chẩn với khoa sản để thăm khám và kiểm tra cho thai phụ kịp thời”, BS Huy nói.

Bộ Y tế ban hành hướng dẫn mới, tránh những sai lầm trong điều trị sốt xuất huyết

Bộ Y tế vừa ban hành Quyết định 3075 ngày 22-8-2019 hướng dẫn chẩn đoán, điều trị sốt xuất huyết mới. PGS, TS Đỗ Duy Cường cho biết, hướng dẫn mới này chi tiết hơn so với hướng dẫn cũ nhưng không khác biệt về sinh bệnh học, theo dõi, chẩn đoán và điều trị.

Theo đó, hướng dẫn mới này có thông tin chi tiết về các xét nghiệm sớm sốt xuất huyết và đưa ra dấu hiệu cụ thể cảnh báo, theo dõi sốt xuất huyết ở từng đối tượng cụ thể như trẻ em, người mắc bệnh lý nền như tim mạch, thận, phổi; hướng dẫn cách chăm sóc các đối tượng đặc biệt; cách truyền dịch. Đặc biệt, hướng dẫn này cũng thông tin rất chi tiết trong vấn đề hồi sức cho người bệnh sốc vì sốt xuất huyết, tránh điều trị sai do sốt xuất huyết nặng gây ra, hạn chế tử vong.

“Tôi cho rằng hướng dẫn mới ưu việt, cụ thể hóa hơn để bác sĩ các tuyến dễ dàng áp dụng khi gặp bệnh nhân sốt xuất huyết nặng”, BS Cường nói.

BSCK Nguyễn Văn Hạnh khám cho bệnh nhân sốt xuất huyết.
BSCK Nguyễn Văn Hạnh khám cho bệnh nhân sốt xuất huyết.

BS Cường cũng nhấn mạnh, các cơ sở y tế phải xem biểu hiện sốt cấp tính của người bệnh để sàng lọc sốt xuất huyết vì hiện nay, sốt xuất huyết chẩn đoán dễ với tình trạng sốt cao đột ngột, kéo dài, kèm theo đau mỏi người, nhức đầu và có thể xuất huyết dưới da ở những ngày sốt thứ 4-5. Có trường hợp sốc, tụt huyết áp hoặc cô đặc máu.

“Với tuyến dưới, cứ nghĩ sốt xuất huyết phải xuất huyết thì không phải. Nếu tiểu cầu giảm sẽ gây xuất huyết, còn sốt những ngày đầu không. Do đó, các nhân viên y tế cần sàng lọc, phát hiện sớm, tránh chẩn đoán sai là cảm cúm, viêm họng, sốt do căn nguyên sốt rét, nhiễm trùng huyết, viêm hô hấp… hoặc không theo dõi tình trạng sốc ngày thứ 4, 5, dẫn tới tình trạng sốt xuất huyết bị sốc vào viện thì cứu chữa khó khăn”, BS Cường khuyến cáo.

Bên cạnh đó, một số nơi cho dùng thuốc hạ sốt không đúng cách, dùng thuốc corticoid, kháng sinh hay truyền dịch… dẫn tới nhiều nguy cơ. Đặc biệt là khi truyền dịch mà không biết tình trạng cô đặc máu của người bệnh dễ dẫn tới phù phổi cấp làm tình trạng sốc nặng lên. Nhiều người tiểu cầu giảm chưa tới mức cảnh báo theo hướng dẫn của Bộ Y tế nhưng lại truyền tiểu cầu sẽ dẫn tới nguy hiểm tính mạng.

Do đó, BS Cường cho biết, những bệnh nhân có hiện tượng sốt, nôn, đau bụng vùng gan, xuất huyết nhiều, tiểu cầu hạ nhanh, men gan tăng, cô đặc máu phải nhập viện điều trị theo tuyến chuyên khoa.

                                                                                                                    THIÊN LAM

Đọc tiếp cùng chuyên mục

Điều khác biệt của mùa sốt xuất huyết năm nay

Điều khác biệt của mùa sốt xuất huyết năm nay

Y học thường thức - 06/08/2024

Điều khác biệt của mùa sốt xuất huyết năm nay

Xuất hiện ổ dịch bệnh sởi tại Đắk Lắk

Xuất hiện ổ dịch bệnh sởi tại Đắk Lắk

Y học thường thức - 16/07/2024

Xuất hiện ổ dịch bệnh sởi tại Đắk Lắk

Xử trí kiến ba khoang đốt, tránh để lại sẹo thâm

Xử trí kiến ba khoang đốt, tránh để lại sẹo thâm

Y học thường thức - 03/07/2024

Xử trí kiến ba khoang đốt, tránh để lại sẹo thâm

Trẻ béo phì có vệt đen vùng cổ, có đáng lo?

Trẻ béo phì có vệt đen vùng cổ, có đáng lo?

Y học thường thức - 28/05/2024

Trẻ béo phì có vệt đen vùng cổ, có đáng lo?

Chớ chủ quan với bệnh giời leo

Chớ chủ quan với bệnh giời leo

Y học thường thức - 02/05/2024

Chớ chủ quan với bệnh giời leo

Bảng thống kê bệnh nhân nhiễm bệnh nCoV các quốc gia trên thế giới