Tại sao bệnh nhân xét nghiệm PCR nhiều lần mới dương tính?

Một số bệnh nhân Covid-19 xét nghiệm RT-PCR đến lần thứ ba mới khẳng định dương tính, có thể do sai sót trong quá trình lấy mẫu, hoặc tải lượng virus thấp.

Các bệnh nhân 870, 874, 875, ba lần xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR mới có thể khẳng định dương tính nCoV. Trong thời gian đó, người bệnh không kịp thời được cách ly, nhà chức trách không kịp khoanh vùng dập dịch, dẫn đến nguy cơ lây lan cộng đồng.

Lý giải các kết quả xét nghiệm RT-PCR không đồng nhất trên một bệnh nhân, bác sĩ Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho rằng có thể do sai sót trong kỹ thuật lấy và xét nghiệm mẫu. Sai sót này có thể xảy ra trong bất kỳ khâu nào của quá trình xét nghiệm, từ lấy mẫu, vận chuyển, bảo quản, tách chiết, trộn cho đến phân tích mẫu.

Tuy nhiên, kỹ thuật viên trong các phòng thí nghiệm thường đã thành thạo công tác làm xét nghiệm. Do đó, các khâu xử lý mẫu bệnh phẩm và phân tích mẫu để cho ra kết quả rất hiếm khi mắc sai sót. Vấn đề còn lại là khâu lấy mẫu bệnh phẩm. "Nếu thao tác lấy mẫu không tốt thì kỹ thuật xét nghiệm hiện đại bao nhiêu cũng không thể cho ra kết quả chuẩn xác", bác sĩ Nhung nhận định.

Các sai sót trong kỹ thuật lấy mẫu bệnh phẩm có thể đến từ việc lấy không đúng vị trí, không đúng về chất lượng mẫu. Tại buổi hội chẩn trực tuyến của Bệnh viện Bạch Mai ngày 18/8, tiến sĩ Đỗ Ngọc Sơn, Phó trưởng khoa Cấp cứu A9, cũng cho biết với các kết quả xét nghiệm không đồng nhất, khả năng cao do quá trình lấy bệnh phẩm không đạt yêu cầu. "Việc lấy mẫu xét nghiệm cần lấy ở cùng một vị trí, đảm bảo sự nhất quán, thì xét nghiệm mới đồng nhất", tiến sĩ Sơn nói.

Bên cạnh đó, khâu bảo quản, vận chuyển mẫu đến phòng thí nghiệm nếu có vấn đề thì cũng có thể làm sai lệch kết quả xét nghiệm RT-PCR.

Nhân viên y tế Quảng Nam lấy mẫu xét nghiệm Covid-19, sáng 9/8. Ảnh: Đắc Thành.
Nhân viên y tế Quảng Nam lấy mẫu xét nghiệm Covid-19, sáng 9/8. Ảnh: Đắc Thành.

Trong trường hợp các kỹ thuật xét nghiệm đều được thực hiện chuẩn, tất cả kết quả âm tính với nCoV đều là âm tính thật, thì theo các chuyên gia, nguyên nhân dẫn đến sai sót có thể do tải lượng virus trong mẫu bệnh phẩm chưa đạt đến giới hạn phát hiện của phương pháp.

Cụ thể, khi lấy dịch hầu họng của bệnh nhân vào thời điểm nCoV trong cơ thể họ vẫn chưa kịp nhân lên đến một ngưỡng nhất định, thường là vào giai đoạn đầu của bệnh, thì kết quả xét nghiệm RT-PCR lúc đó vẫn có thể âm tính.

"Càng về sau, lượng virus trong cơ thể càng nhân lên, khi ấy mới có thể phát hiện được virus bằng phương pháp RT-PCR", bác sĩ nói.

Tiến sĩ Lê Văn Duyệt, Trưởng labo sinh học phân tử, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, đồng quan điểm. "Làm xét nghiệm phụ thuộc rất nhiều vào chất lượng mẫu", ông nói.

Hiện các nhân viên y tế thường lấy hai loại mẫu gồm dịch hầu họng và dịch tỵ hầu.

Nhân viên lấy mẫu phải đảm bảo quét được vùng amidan phía dưới ở vùng họng và đảm bảo tăm bông đủ dài để quét được dịch ở vùng tỵ hầu. Nếu lấy mẫu sai, xét nghiệm sẽ cho kết quả âm tính, kết quả không chuẩn. Bên cạnh đó, tiến sĩ Duyệt cho rằng nên làm xét nghiệm RT-PCR sau khi tiếp xúc với nguồn bệnh từ 5-7 ngày. Nếu xét nghiệm quá sớm, xét nghiệm chắc chắn cho kết quả âm tính nCoV, việc xét nghiệm lúc đó là vô nghĩa. Trong thời gian đó, người có nguy cơ nên tự cách ly tại nhà.

Chuyên gia khuyến cáo, để đảm bảo kết quả xét nghiệm khẳng định nhiễm nCoV chính xác, nên so sánh kết quả xét nghiệm độc lập giữa các phòng thí nghiệm khác nhau. Ngoài ra, có thể đối chiếu giữa lâm sàng và kết quả xét nghiệm. Trong trường hợp giữa kết quả xét nghiệm và thực tế lâm sàng của bệnh nhân có sự mâu thuẫn thì tiến hành lại xét nghiệm để kiểm chứng.

Việt Nam đang áp dụng hai phương pháp là xét nghiệm RT-PCR và test nhanh sàng lọc nCoV. Tuy nhiên, test nhanh chỉ có giá trị điều tra dịch tễ, không xác định được người nhiễm bệnh. RT-PCR hiện nay vẫn được đánh giá là phương pháp xét nghiệm chính xác nhất nCoV, mang ý nghĩa khẳng định dương hoặc âm tính.

Bộ Y tế cũng sẽ bổ sung phương pháp xét nghiệm GeneXpert để phát hiện khẳng định nCoV, thời gian phân tích 30-45 phút, cho kết quả chính xác và tự động nhiều hơn từ quy trình tách chiết, pha trộn đến phân tích mẫu.

Tính đến sáng nay, Việt Nam ghi nhận tổng cộng 649 ca lây nhiễm trong nước, trong đó số ca liên quan đến Đà Nẵng tính từ ngày 25/7 đến nay là 509. Trong số các bệnh nhân đang điều trị, 35 người xét nghiệm âm tính nCoV lần một, 35 người lần hai và 30 người lần ba.

Thùy An - Lê Chi

Đọc tiếp cùng chuyên mục

Gia tăng người già, trẻ nhỏ nhập viện vì thời tiết

Gia tăng người già, trẻ nhỏ nhập viện vì thời tiết

Y học thường thức - 19/03/2024

Gia tăng người già, trẻ nhỏ nhập viện vì thời tiết

Nguy kịch tính mạng do điều trị basedow sai cách

Nguy kịch tính mạng do điều trị basedow sai cách

Y học thường thức - 10/03/2024

Nguy kịch tính mạng do điều trị basedow sai cách

Nổi mày đay có phải do suy giảm chức năng gan?

Nổi mày đay có phải do suy giảm chức năng gan?

Y học thường thức - 04/03/2024

Nổi mày đay có phải do suy giảm chức năng gan?

9 điều cần nhớ khi người thân đột quỵ não

9 điều cần nhớ khi người thân đột quỵ não

Y học thường thức - 28/02/2024

9 điều cần nhớ khi người thân đột quỵ não

Tránh biến chứng bàn chân ở người mắc tiểu đường

Tránh biến chứng bàn chân ở người mắc tiểu đường

Y học thường thức - 26/02/2024

Tránh biến chứng bàn chân ở người mắc tiểu đường

Bảng thống kê bệnh nhân nhiễm bệnh nCoV các quốc gia trên thế giới