Tầm quan trọng của việc theo dõi số ca Covid-19 hồi phục
Hầu hết các ca Covid-19 có triệu chứng nhẹ và có thể tự chăm sóc tại nhà, trong khi những ca nặng cần sự hỗ trợ y tế tại bệnh viện.
Đã có dữ liệu về số ca mới xác nhận và số ca tử vong theo từng vùng, từng quốc gia và trên toàn cầu, song không có nhiều thông tin về số ca hồi phục.
Đại học Johns Hopkins là một trong số những tổ chức thống kê dữ liệu về các ca Covid-19 đã hồi phục và công bố nó từ tháng 1 năm nay. Đại diện của trường, tiến sĩ Douglas Donovan cho biết: "Dữ liệu về các ca khỏi bệnh bắt đầu có từ khi dịch bùng phát ở Trung Quốc và được chính nước này công bố".
Nhưng đến khi dịch bùng phát ra toàn thế giới, các nhà nghiên cứu nhận ra rằng chỉ một vài cách có thể theo dõi được con số này, vì thế họ đã giới hạn các báo cáo tập trung vào từng quốc gia.
"Số lượng ca khỏi bệnh bên ngoài Trung Quốc chỉ là con số ước chừng ở cấp quốc gia dựa trên các thông tin từ truyền thông địa phương và có thể thấp hơn đáng kể so với con số thực tế", tiến sĩ Donovan nói.
Tiến sĩ cũng cho biết hiện tại ở Mỹ không có một phương pháp thống kê nhất quán nào về con số khỏi bệnh trên toàn quốc. Nếu điều này thay đổi, nó sẽ làm thay đổi đáng kể ước tính về số ca khỏi bệnh Covid-19 trên toàn nước Mỹ.
Tính đến 4/4, có hơn 223.000 người trên toàn thế giới khỏi bệnh, theo số liệu công bố của Đại học Johns Hopkins. Tuy nhiên con số thực thế rất có khả năng cao hơn nhiều vì số liệu trên chỉ tính trong các ca nhiễm đã được xác nhận.
Theo dõi số ca hồi phục có vai trò rất quan trọng trong việc lập mô hình, đánh giá khi nào dịch sẽ đạt đỉnh và suy giảm, khi nào thì người dân có thể quay trở lại làm việc. Số liệu này cũng giúp xác định mức độ khả thi có được miễn dịch cộng đồng kháng lại virus.
Những người đã từng nhiễm nCoV sẽ được loại bỏ khi xây dựng mô hình nguy cơ mắc bệnh, điều này sẽ giúp nó trở nên chính xác hơn. Với từng cá nhân, nếu biết bản thân mình không có triệu chứng hoặc chỉ bị nhẹ và đã hồi phục, người dân có thể quay trở lại làm việc an toàn vì biết mình đã có miễn dịch.
Hiện chưa có nhiều bằng chứng về việc liệu một bệnh nhân có thể tái nhiễm hay không. Tuy nhiên, biết số lượng người đã khỏi bệnh, về ngắn hạn có thể giúp xác định được những người có miễn dịch.
Hiện tại, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) chưa cấp phép cho phương pháp điều trị Covid-19 chính thức, nhưng những người bị bệnh có thể bình phục nếu được chăm sóc đầy đủ, nhằm làm giảm các triệu chứng.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), các tiêu chí để đánh giá bệnh nhân đã khỏi bệnh bao gồm: không sốt trong vòng 72 tiếng (không sử dụng thuốc hạ sốt), có sự cải thiện về các triệu chứng như ho, khó thở và thời gian ít nhất là 7 ngày tính từ khi triệu chứng xuất hiện. Ngoài ra, nếu có thể xét nghiệm thì cần có kết quả âm tính liên tục hai lần cách nhau 24 tiếng.
Mặc dù có thể tính là khỏi bệnh, sức khỏe của các bệnh nhân không thể ngay lập tức bình thường trở lại. Sẽ mất tới vài tuần để hoàn toàn bình phục sau Covid-19. Một số ca nặng có thể mất hàng tháng để hoàn toàn hồi phục.
Tuy vậy, mỗi quốc gia sẽ có các tiêu chí khác nhau để đánh giá như thế nào là khỏi bệnh. Hơn cả, việc được xác nhận khỏi bệnh có thể khác với xác nhận rằng người đó không mang trong mình virus.
Đã có nhiều ước tính khác nhau về khoảng thời gian mà virus còn tồn tại trong cơ thể người bệnh.
Một nghiên cứu công bố trên tạp chí Y khoa JAMA hồi tháng 2 theo dõi quá trình hồi phục của 4 nhân viên Y tế tại Vũ Hán. Một người được nhập viện và ba người khác được cách ly. Nghiên cứu cho thấy dấu vết của virus có thể tồn tại sau 13 ngày kể từ khi hết triệu chứng và đủ tiêu chuẩn xuất viện hoặc kết thúc cách ly.
Một nghiên cứu khác đăng trên tạp chí Lancet hồi tháng 3, dựa trên số liệu về 191 bệnh nhân Covid-19 ở Vũ Hán đã được xuất viện hoặc qua đời tính đến cuối tháng 1.
Số liệu cho thấy thời gian trung bình vẫn còn phát hiện được virus tính từ thời điểm phát bệnh là 20 ngày. Thời gian ngắn nhất được ghi nhận là 8 ngày và dài nhất là 37 ngày.
Đặc biệt là với các bệnh nhân đã tử vong, virus vẫn còn được tìm thấy trong mẫu lấy từ họng người bệnh kể cả sau khi qua đời.
Tuy nhiên các chuyên gia cũng cho biết, việc xét nghiệm chỉ có thể cho thấy sự xuất hiện của virus thông qua việc phát hiện vật chất di truyền của nó, điều này không đồng nghĩa với việc người mang virus đó vẫn có khả năng lây lan trong cộng đồng.
Linh Phan (Theo CNN)
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Điều khác biệt của mùa sốt xuất huyết năm nay
Y học thường thức - 06/08/2024
Điều khác biệt của mùa sốt xuất huyết năm nay
Xuất hiện ổ dịch bệnh sởi tại Đắk Lắk
Y học thường thức - 16/07/2024
Xuất hiện ổ dịch bệnh sởi tại Đắk Lắk
Xử trí kiến ba khoang đốt, tránh để lại sẹo thâm
Y học thường thức - 03/07/2024
Xử trí kiến ba khoang đốt, tránh để lại sẹo thâm
Trẻ béo phì có vệt đen vùng cổ, có đáng lo?
Y học thường thức - 28/05/2024
Trẻ béo phì có vệt đen vùng cổ, có đáng lo?
Chớ chủ quan với bệnh giời leo
Y học thường thức - 02/05/2024
Chớ chủ quan với bệnh giời leo