Thắc mắc thường gặp trong nguy cơ làn sóng Covid-19 thứ hai

Làn sóng Covid-19 mới có nguy cơ bùng phát từ Đà Nẵng. Người đã/đang có mặt tại Đà Nẵng nên làm theo khuyến cáo của cơ quan y tế.

1. Yếu tố nguy cơ nào có thể mắc nCoV?

Tình hình dịch bệnh tại Đà Nẵng được Chính phủ đánh giá rất phức tạp. Các bệnh nhân mới chưa phát hiện được nguồn lây, song giới chức y tế khẳng định họ bị lây nhiễm trong cộng đồng.

Giới chức y tế cảnh báo người từng đến/hiện ở Đà Nẵng từ ngày 1/7, nếu tiếp xúc, hoặc ở cùng một địa điểm với bệnh nhân Covid-19 có nguy cơ lây nhiễm cao nhất. Những người có triệu chứng nghi ngờ Covid-19, bao gồm sốt, ho, đau họng, tức ngực, khó thở, thuộc nhóm nguy cơ cao thứ hai.

Những người đi từ vùng dịch, đều thuộc nhóm nguy cơ lây nhiễm. Nghiên cứu của các nhà khoa học thế giới, nhóm nam giới, có bệnh nền, hoặc mang nhóm máu A, thì dễ nhiễm nCoV và diễn biến bệnh nhanh, nghiêm trọng hơn.

Nhân viên y tế lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm sàng lọc nCoV trong cộng đồng. Ảnh Quỳnh Trần.
Nhân viên y tế lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm sàng lọc nCoV trong cộng đồng. Ảnh Quỳnh Trần.

2. Bạn từ Đà Nẵng đến địa phương khác, nên làm gì?

Bộ Y tế khuyến cáo, tất cả người đến/từ Đà Nẵng có liên quan đến ổ dịch, khi về/đến địa phương khác phải cách ly 14 ngày và theo dõi chặt chẽ như những người tiếp xúc gần bệnh nhân. Họ đồng thời phải khai báo y tế ngay và theo dõi sức khỏe.

Nếu tiếp xúc gần với các bệnh nhân 416, 418 đến 431, hoặc có triệu chứng ho, sốt, hắt hơi, sổ mũi... cần đến cơ sở y tế gần nhất thăm khám ngay, lấy mẫu xét nghiệm nCoV. Nên chủ động liên hệ trước với cơ sở y tế và không di chuyển bằng phương tiện công cộng.

Khi chưa có triệu chứng, vẫn bắt buộc khai báo y tế, tự theo dõi, cách ly tại nhà, hạn chế tiếp xúc với cộng đồng. Các trung tâm y tế địa phương sẽ nắm thông tin ban đầu và hướng dẫn khai báo, thời gian, địa điểm để điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm và hướng dẫn mức độ cách ly tùy theo kết quả điều tra dịch tễ.

3. Khai báo y tế ở đâu, cần những thông tin nào?

Người nghi ngờ nhiễm nCoV, hoặc đến từ vùng dịch Đà Nẵng, gọi điện đến số 1900988975 cung cấp số điện thoại những người đã tiếp xúc gần với mình. Sở Y tế và Trung tâm kiểm soát bệnh tật mỗi tỉnh, thành phố đều cung cấp số điện thoại đường dây nóng trên website, sẵn sàng hỗ trợ y tế 24/24h.

Người dân khai báo y tế trực tuyến tại https://tokhaiyte.vn/ hoặc tải ứng dụng NCOVI từ địa chỉ https://ncovi.vn/ và thường xuyên cập nhật tình trạng sức khỏe.

Các thông tin cơ bản cần khai gồm: Họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, địa chỉ hiện tại, số chứng minh thư nhân dân, số điện thoại. Người khai báo phải trả lời trung thực các câu hỏi về yếu tố nguy cơ. Bao gồm, trong vòng 14 ngày có tiếp xúc với trường hợp bệnh hoặc nghi ngờ mắc Covid-19 không? Có đi về hay tiếp xúc với người đi về từ vùng dịch không?

Ngoài ra, người dân cung cấp thông tin xuất cảnh, lịch sử sức khỏe, có biểu hiện ho, sốt, viêm phổi, khó thở, đau họng, mệt mỏi hay không?

4. Khi sốt, ho, đau họng, khó thở xử trí ra sao?

Bộ Y tế khuyến cáo, ngay sau khi có biểu hiện sốt, ho, đau họng, khó thở cần:

- Đeo khẩu trang và tự cách ly ở một phòng riêng, thoáng khí hoặc ở một vị trí trong nhà, giữ khoảng cách với mọi người ít nhất 2 m.

- Gọi điện cho đường dây nóng của cơ quan y tế địa phương hoặc của Bộ Y tế để được tư vấn và đến ngay cơ sở y tế để khám và điều trị. Đeo khẩu trang trong suốt quá trình di chuyển đến cơ sở y tế.

- Che kín mũi, miệng khi ho hoặc hắt hơi bằng khuỷu tay áo, khăn vải hoặc khăn tay hoặc khăn giấy; Thải bỏ khẩu trang, khăn giấy sau khi sử dụng vào thùng rác có nắp đậy kín hoặc vào túi và buộc kín miệng.

- Rửa tay thường xuyên với xà phòng đặc biệt sau khi ho, hắt hơi, sau khi thải bỏ khẩu trang, khăn giấy.

- Sử dụng riêng đồ dùng cá nhân như cốc uống nước, bát đũa...

- Hạn chế sử dụng phương tiện công cộng; không đến chỗ đông người, nơi làm việc, trường học.

- Thông báo với người sử dụng lao động, nhà trường và những người liên quan.

5. Xét nghiệm nCoV ở đâu?

Người nghi nhiễm có thể đến các bệnh viện từ địa phương đến trung ương, các cơ sở y tế tư nhân và các trạm xét nghiệm dã chiến gần nhất. Nếu tình hình dịch diễn biến phức tạp, cán bộ y tế sẽ đến từng nhà để phết mẫu dịch ở mũi và họng đưa đi xét nghiệm.

Hiện tại, Việt Nam không xét nghiệm nCoV dịch vụ theo yêu cầu. Cả nước có 118 phòng xét nghiệm đủ năng lực, trong đó 66 phòng đủ khả năng xét nghiệm khẳng định nCoV. Người có yếu tố dịch tễ nghi nhiễm sẽ được lấy mẫu và gửi đến các phòng xét nghiệm này để xét nghiệm nCoV.

6. Phòng tránh Covid-19 sao cho hiệu quả?

Mọi người dân nên tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng tránh, như hạn chế ra ngoài, không tụ tập đông người, không đến những nơi đã có dịch để hạn chế tối đa nguy cơ mắc Covid-19. Nên giữ khoảng cách 2 m khi tiếp xúc, thường xuyên đeo khẩu trang, rửa tay, vệ sinh nhà cửa và khai báo y tế mỗi ngày.

Thư Anh

Đọc tiếp cùng chuyên mục

Điều khác biệt của mùa sốt xuất huyết năm nay

Điều khác biệt của mùa sốt xuất huyết năm nay

Y học thường thức - 06/08/2024

Điều khác biệt của mùa sốt xuất huyết năm nay

Xuất hiện ổ dịch bệnh sởi tại Đắk Lắk

Xuất hiện ổ dịch bệnh sởi tại Đắk Lắk

Y học thường thức - 16/07/2024

Xuất hiện ổ dịch bệnh sởi tại Đắk Lắk

Xử trí kiến ba khoang đốt, tránh để lại sẹo thâm

Xử trí kiến ba khoang đốt, tránh để lại sẹo thâm

Y học thường thức - 03/07/2024

Xử trí kiến ba khoang đốt, tránh để lại sẹo thâm

Trẻ béo phì có vệt đen vùng cổ, có đáng lo?

Trẻ béo phì có vệt đen vùng cổ, có đáng lo?

Y học thường thức - 28/05/2024

Trẻ béo phì có vệt đen vùng cổ, có đáng lo?

Chớ chủ quan với bệnh giời leo

Chớ chủ quan với bệnh giời leo

Y học thường thức - 02/05/2024

Chớ chủ quan với bệnh giời leo

Bảng thống kê bệnh nhân nhiễm bệnh nCoV các quốc gia trên thế giới