'Thiến hóa học' - biện pháp giảm ham muốn tình dục
"Thiến hóa học" là biện pháp khiến cho nam hay nữ giới không còn khả năng thực hiện bản năng tình dục nữa. Cách thức là tiêm thuốc hoặc uống hormone kháng hormone sinh dục giới (nam là testosterone, nữ là estrogen) tới mức không còn ham muốn hoặc ham muốn tình dục thấp, thậm chí cả suy nghĩ về tình dục cũng biến mất.
Bác sĩ Hà Ngọc Mạnh, Giám đốc Bệnh viện Chuyên khoa Nam học và Hiếm muộn Việt - Bỉ, cho biết khác với cách thức kinh điển là các tuyến sinh dục được cắt bỏ qua việc mổ xẻ cơ thể, "thiến hóa học" dùng thuốc ức chế tình dục (anaphrodisiac drugs). Vì vậy, khi ngừng tiêm hoặc uống hormone, khả năng sinh dục sẽ hồi phục.
"Thiến hóa học" tác động rõ rệt đến sinh lý con người. Nam giới khi ấy thể tích tinh hoàn không giảm nhưng khả năng sinh tinh của tinh hoàn giảm hoặc mất hẳn. Khả năng sinh tinh có thể hồi phục hoàn toàn hoặc một phần sau khi ngừng thuốc 3-6 tháng. Dương vật sẽ giảm kích thước đáng kể khi dùng thuốc ức chế tinh hoàn hoặc ức chế trục nội tiết kéo dài.
Với nữ giới, việc giảm estrogen gây tình trạng khô teo âm đạo, các triệu chứng giống tiền mãn kinh, loãng xương, da khô, rối loạn giấc ngủ. Thuốc chỉ định cho các độ tuổi. Dùng trước khi dậy thì có tác dụng ngừng dậy thì. Trường hợp này hay gặp với người có ý định chuyển giới trong giai đoạn đầu. Trong độ tuổi sinh sản, "thiến hóa học" làm giảm ham muốn và giảm khả năng sinh sản. Giải pháp này thường được chỉ định với nam nhiều hơn nữ, tác dụng trên nhóm nữ thấp hơn do đặc điểm tình dục của giới.
"Tuy nhiên, giảm ham muốn tình dục chỉ là một phần rất nhỏ trong số các tác dụng của hormone sinh dục với cơ thể", bác sĩ cho biết.
Testosterone tác dụng lên rất nhiều cơ quan như cơ xương khớp gây loãng xương, giảm cơ tăng mỡ gây béo bụng, lên lông tóc móng làm rụng tóc, hói đầu. Hormone này tác dụng đến giấc ngủ gây tình trạng mất ngủ, ngừng thở trong ngủ, lên chuyển hóa dẫn đến đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa lipid.
Về phương diện tâm thần, "thiến hóa học" gây ảnh hưởng rất lớn. Hormone sinh dục vốn tác dụng tích cực trong diễn biến tâm lý, làm con người phấn chấn, thoải mái và trở nên yêu đời hơn... Khi bị suy giảm hormone, con người mệt mỏi thiếu sức sống, nhiều trường hợp rơi vào tình trạng tâm thần như trầm cảm, có thể có nguy cơ loạn thần.
Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Nghiêm Luật, nguyên giảng viên bộ môn Hóa Sinh trường Đại học Y Hà Nội, nhận định phương pháp "thiến hóa học" làm thay đổi khá lớn về vấn đề sinh lý. "Phương pháp này có những nét tương đồng tiêm hormone chuyển giới", ông nói. Khi "thiến hóa học", con người sẽ không còn nhu cầu ham muốn về tình dục, từ đó làm thay đổi tâm lý, cảm xúc, cách hành xử trong xã hội.
"Tình dục vốn là nhu cầu bản năng. Nếu tác động bằng các biện pháp khác nhau nhằm ức chế, suy giảm, con người có thể sẽ rơi vào trạng thái u uất, chán nản, tâm lý buồn vui thất thường... Một số trường hợp bị stress, trầm cảm, từ đó ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể", phó giáo sư Luật nói.
Hiện nhiều quốc gia đã áp dụng hình phạt thiến hóa học đối với tội phạm xâm hại trẻ em, như bang California, Georgia, Montana, Florida của Mỹ. Indonesia và Hàn Quốc là hai quốc gia tiên phong của châu Á áp dụng luật thiến hóa học.
Bác sĩ Mạnh cho biết thêm, trong y học, "thiến hóa học" được sử dụng để điều trị các loại ung thư phụ thuộc hormone (hormone-dependent cancer), như ung thư tuyến tiền liệt, ung thư nội mạc tử cung, ung thư vú, u xơ tử cung... Để "thiến hóa học", các bác sĩ dùng nhóm thuốc ức chế tuyến yên. Đây là loại thuốc tiêm dưới da. Tiêm một mũi có thể tác dụng một đến ba tháng, tùy hàm lượng que cấy, chi phí tầm khoảng ba triệu một lần tiêm.
Ngày 27/5, thảo luận việc thực hiện chính sách pháp luật phòng chống xâm hại trẻ em tại Quốc hội, đại biểu đề xuất áp dụng "thiến hóa học" đối với tội phạm xâm phạm tình dục trẻ em.
Thúy Quỳnh
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Điều khác biệt của mùa sốt xuất huyết năm nay
Y học thường thức - 06/08/2024
Điều khác biệt của mùa sốt xuất huyết năm nay
Xuất hiện ổ dịch bệnh sởi tại Đắk Lắk
Y học thường thức - 16/07/2024
Xuất hiện ổ dịch bệnh sởi tại Đắk Lắk
Xử trí kiến ba khoang đốt, tránh để lại sẹo thâm
Y học thường thức - 03/07/2024
Xử trí kiến ba khoang đốt, tránh để lại sẹo thâm
Trẻ béo phì có vệt đen vùng cổ, có đáng lo?
Y học thường thức - 28/05/2024
Trẻ béo phì có vệt đen vùng cổ, có đáng lo?
Chớ chủ quan với bệnh giời leo
Y học thường thức - 02/05/2024
Chớ chủ quan với bệnh giời leo