Thời tiết nắng nóng, nCoV có tồn tại lâu?
Phó giáo sư Phan Trọng Lân, Viện trưởng Pasteur TP HCM, cho biết nCoV thuộc chủng virus corona từng gây nên dịch SARS năm 2003, dịch MERS năm 2012 và một số dịch lớn trên thế giới.
Về mặt lý thuyết, virus corona có thể sống sót bên ngoài cơ thể tương đối bền vững, nhất là trong điều kiện nhiệt độ thấp, thời tiết mát và lạnh. SARS-CoV có thể tồn tại tới 3-4 ngày trên các vật liệu gỗ, vải, giấy, kim loại, da; 4-5 ngày trong nước bọt và chất thải của bệnh nhân. Virus có thể tồn tại với độc lực cao ở 4-20 độ C trong 5 ngày, chỉ mất khả năng lây nhiễm sau 30 phút ở 56 độ C. Tia cực tím UV và các hóa chất khử trùng y tế ở nồng độ thông thường có thể diệt được virus trong vòng 60 phút.
nCoV lây truyền chính người sang người qua các giọt bắn đường hô hấp hoặc qua các tiếp xúc gần. Bất kỳ ai tiếp xúc gần trong vòng 2 mét với người có triệu chứng hô hấp như hắt hơi, ho... đều có nguy cơ tiếp xúc với các giọt hô hấp bị lây nhiễm.
Virus cũng có thể bị lây từ việc gián tiếp khi ai đó chạm tay vào một vật như mặt bàn ghế, giường bệnh, vật dụng mà người bệnh chạm vào, sau đó đưa lên miệng, mũi, mắt họ. Hiện chưa có nghiên cứu đầy đủ về khả năng tồn tại ở môi trường của nCoV.
Người thân "đội nắng" tiếp tế người trong khu cách ly Ký túc xá ĐH Quốc gia TP HCM ngày 23/3. Nhiệt độ TP HCM trong 2 tháng qua dao động ở mức 33-36 độ C. Ảnh: Quỳnh Trần |
Tiến sĩ Lê Quốc Hùng, Trưởng Khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết đến nay chưa có nghiên cứu chính thức nCoV bị tiêu diệt ở nhiệt độ nào. nCoV có đặc tính chung của dòng này là phát triển ở nơi có nhiệt độ thấp và ẩm, thường dưới 25 độ C.
"Nhiệt độ ở Việt Nam, cụ thể TP HCM trên 28 độ C, là một sự hạn chế với virus này", bác sĩ Hùng phân tích. Nhiệt độ TP HCM trong 2 tháng qua dao động ở mức 33-36 độ C.
Theo bác sĩ Hùng, tùy theo môi trường, nhiệt độ, các điều kiện về độ ẩm mà virus corona có khả năng sống khác nhau. Ví dụ như trong nhiệt độ thích hợp dưới 25 độ C, trong dung dịch, virus này có khả năng sống tới một vài ngày. Sau khi ra khỏi vùng hầu họng của người mang bệnh, virus có thể sống trong giọt bắn (nước bọt, giọt dịch hắt hơi, ho...) của người bệnh, nếu nhiệt độ thấp, thì sức sống của nó đến vài giờ.
Nếu trong môi trường có ánh nắng, có tia cực tím, có nhiệt độ lên đến hơn 30 độ, thì khi ra khỏi vùng hầu họng, chỉ cần vài ba phút là virus mất khả năng lây nhiễm.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa Nhiễm Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, cho biết hầu hết các nước Âu, Mỹ thời gian qua vẫn còn lạnh nên chưa nhiều nghiên cứu về mối liên quan giữa khả năng sống của nCoV với nhiệt độ môi trường.
Các nghiên cứu về nhiệt độ, độ ẩm đối với virus corona trước đây cho thấy ở 4 độ C chúng có khả năng sống khoảng một tháng. Từ 20-25 độ C virus sẽ yếu dần, sống khoảng 5-7 ngày. Từ 25 độ trở lên chúng suy yếu nhanh, ít có khả năng gây bệnh, đặc biệt trên 33 độ, khả năng tồn tại của virus ở bề mặt rất thấp.
"Tuy nhiên người sống ở vùng nhiệt độ cao không nên chủ quan, cần thường xuyên lau chùi bề mặt tiếp xúc, đặc biệt là khi có nghi ngờ khả năng dính virus", bác sĩ Khanh nói. Theo ông, virus "không tự bay" từ bề mặt tiếp xúc lên vùng mũi miệng, tất cả đều thông qua bàn tay người nên cần thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, nước diệt khuẩn.
Giải thích lý do ở những vùng nắng nóng nhưng bệnh nhân vẫn lây nhiễm bệnh, các chuyên gia cho rằng khi thời tiết nắng nóng, con người trở nên lười vận động hơn, ít rửa tay, thường có xu hướng sử dụng điều hòa nhiệt độ nhiều. Cùng tiếp xúc gần trong máy lạnh ở không gian văn phòng, quán xá, hội thảo, máy bay, hoặc nhiều gia đình chỉ bật điều hòa ở một phòng rồi vào sử dụng chung... dễ phát tán virus cho nhau.
Hiện TP HCM ghi nhận 50 trường hợp nhiễm nCoV, trong đó 18 người khỏi bệnh.
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Điều khác biệt của mùa sốt xuất huyết năm nay
Y học thường thức - 06/08/2024
Điều khác biệt của mùa sốt xuất huyết năm nay
Xuất hiện ổ dịch bệnh sởi tại Đắk Lắk
Y học thường thức - 16/07/2024
Xuất hiện ổ dịch bệnh sởi tại Đắk Lắk
Xử trí kiến ba khoang đốt, tránh để lại sẹo thâm
Y học thường thức - 03/07/2024
Xử trí kiến ba khoang đốt, tránh để lại sẹo thâm
Trẻ béo phì có vệt đen vùng cổ, có đáng lo?
Y học thường thức - 28/05/2024
Trẻ béo phì có vệt đen vùng cổ, có đáng lo?
Chớ chủ quan với bệnh giời leo
Y học thường thức - 02/05/2024
Chớ chủ quan với bệnh giời leo