Tiêm vaccine nào phòng bệnh bạch hầu?
Bác sĩ Nguyễn Hiền Minh, Phó Giám đốc Y khoa, Trung tâm Tiêm chủng cho trẻ em và người lớn (VNVC), cho biết Việt Nam hiện nay không có vaccine đơn phòng bệnh bạch hầu. Chỉ có những vaccine phối hợp trong đó có thành phần kháng nguyên bạch hầu.
Trong Chương trình Tiêm chủng quốc gia có vaccine 5 trong 1 phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, Hib, viêm gan B tiêm khi trẻ 2, 3, 4 tháng tuổi. Vaccine bạch hầu, ho gà, uốn ván tiêm khi trẻ 16 - 18 tháng tuổi. Vaccine bạch hầu, uốn ván cho nhóm người lớn nguy cơ cao, chỉ được sử dụng trong chiến dịch khi có dịch bệnh chứ không tiêm phổ cập.
Ngoài ra còn có vaccine 6 trong 1 phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, Hib, viêm gan B. Hoặc, vaccine phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván tiêm đối với trẻ trên 4 tuổi và người lớn, thường được khuyến cáo tiêm nhắc lại 10 năm một lần.
Thông thường, miễn dịch bảo vệ sau tiêm vaccine thường kéo dài khoảng 10 năm, hiệu quả bảo vệ lên đến 97% nhưng giảm dần theo thời gian.
Ở Việt Nam, tỷ lệ người lớn chưa được tiêm vaccine hoặc chưa tiêm nhắc lại vaccine phòng bệnh khá cao. Ngoài ra, vaccine phòng bệnh bạch hầu cho người lớn lại chỉ có ở các trung tâm tiêm chủng dịch vụ nên khả năng bảo vệ thấp, dễ dẫn đến nguy cơ bùng phát dịch. Nếu không tiêm nhắc lại vẫn có thể mắc bệnh, trong đó nhóm người suy giảm miễn dịch tỉ lệ tái nhiễm bệnh khoảng 2-5%.
Ở người lớn, triệu chứng thường gặp nhất là ở vùng họng, amidan, gây ra triệu chứng từ sốt, ớn lạnh, kèm theo khó thở, khò khè, khó nuốt, sưng to cổ. Giả mạc do vi khuẩn tại vùng hầu họng có thể lan tới thanh quản, khí quản và phế quản, có thể làm tắc nghẽn một phần đường thở hoặc đột ngột bong tróc, gây tắc nghẽn hoàn toàn đường thở. Các triệu chứng khác như khan tiếng, ho liên tục, chảy nước mũi, nhịp tim nhanh, ban da và loét da. Ngoài ra, độc tố bạch hầu có thể gây tổn thương tim, dây thần kinh, thận.
Bệnh bạch hầu ở người lớn cần được phòng ngừa, đặc biệt là phụ nữ mang thai, người cao tuổi, người có tiếp xúc với trẻ nhỏ chưa được tiêm phòng vaccine.
Riêng trẻ nhỏ thường có miễn dịch thụ động từ mẹ truyền sang con nên không mắc bệnh. Tuy nhiên, miễn dịch bảo vệ này sẽ mất đi khi trẻ 6 tháng đến 1 tuổi. Khi đó, trẻ sẽ có nguy cơ mắc bệnh nếu không tiêm phòng. Độ tuổi dễ mắc nhất là dưới 15 tuổi.
Bác sĩ khuyến cáo gia đình tiêm chủng tiêm vaccine phòng ngừa bệnh bạch hầu, để đảm bảo hệ thống miễn dịch mạnh mẽ cho cả cộng đồng. Người lớn nếu không tiêm vaccine thì sẽ là nguồn lây trong cộng đồng, trong gia đình. Người mẹ nếu không có miễn dịch trước thì sẽ không thể truyền kháng thể thụ động sang con, không bảo vệ con được trong những năm tháng đầu đời vì trẻ em từ 6 tuần đến 8 tuần tuổi mới có thể tiêm phòng bệnh.
Thùy An
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Điều khác biệt của mùa sốt xuất huyết năm nay
Y học thường thức - 06/08/2024
Điều khác biệt của mùa sốt xuất huyết năm nay
Xuất hiện ổ dịch bệnh sởi tại Đắk Lắk
Y học thường thức - 16/07/2024
Xuất hiện ổ dịch bệnh sởi tại Đắk Lắk
Xử trí kiến ba khoang đốt, tránh để lại sẹo thâm
Y học thường thức - 03/07/2024
Xử trí kiến ba khoang đốt, tránh để lại sẹo thâm
Trẻ béo phì có vệt đen vùng cổ, có đáng lo?
Y học thường thức - 28/05/2024
Trẻ béo phì có vệt đen vùng cổ, có đáng lo?
Chớ chủ quan với bệnh giời leo
Y học thường thức - 02/05/2024
Chớ chủ quan với bệnh giời leo